Báo chí - Cầu nối giữa Quốc hội với người dân
VOV.VN - Sau 3 tháng phát động, Giải báo chí "75 năm Quốc hội Việt Nam" đã nhận được hơn 500 tác phẩm dự thi. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 43 tác phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có 4 giải A, 9 giải B, 13 giải C và 17 giải khuyến khích.
Các tác phẩm đạt giải phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả về quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội với những đóng góp to lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm tròn sứ mệnh của người đại biểu nhân dân.
Trong hoạt động của Quốc hội, báo chí chính là cầu nối giữa Quốc hội với người dân. Báo chí giúp đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện được các vấn đề trong cuộc sống, đồng thời là phương tiện truyền tải ý kiến, phân tích của chuyên gia, nhà khoa học, làm cơ sở cho những ý kiến, quan điểm phản biện của đại biểu trên diễn đàn Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi “75 năm Quốc hội Việt Nam" đã phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả về quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Đợt thi này thì chúng ta cũng đánh giá được hoạt động của các phóng viên báo chí trong công tác tuyên truyền. Đây cũng là cầu nối giữa Quốc hội cử tri để giúp cho việc liên quan Quốc hội ngày càng hoàn thiện tốt hơn chất lượng hơn. Tôi nghĩ rằng Quốc hội là của dân nhưng để Quốc hội gần với dân nhất thì không gì bằng, chính là thông qua báo chí, mà trực tiếp thông qua các nhà báo, phóng viên thường xuyên, liên tục bền bỉ đưa những thông tin, từ nghị trường đến với người dân và đồng thời phản hồi thông tin về cho Quốc hội nắm được tâm tư nguyện vọng, những cái khó khăn của người dân” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 1 giải A, 1 giải C thể loại phát thanh và 1 giải khuyến khích Báo điện tử. Tác phẩm chuyên đề “Quốc hội điện tử: Đổi mới vì cử tri” của nhóm tác giả Lê Tuyết, Thu Huyền, Vân Hồng, Ban Thời sự VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam đạt giải A thể loại phát thanh.
Theo Nhà báo Lê Tuyết, Phó trưởng phòng Nội chính, Ban Thời sự VOV1, tác phẩm được hình thành ý tưởng từ việc các phóng viên của nhóm theo dõi các kỳ họp Quốc hội thấy sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong việc áp dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho nhiều hoạt động bị đình trệ, trong đó có các hoạt động của Quốc hội.
Trong “cái khó, ló cái khôn”, Quốc hội đã thực hiện một hình thức họp chưa từng có trong tiền lệ, đó là tổ chức họp trực tuyến. Không chỉ áp dụng họp trực tuyến trong các phiên họp của Quốc hội, hình thức này còn được Quốc hội áp dụng khi tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41). Với vai trò là nước chủ nhà của AIPA 41, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện một kỳ họp chưa từng có trong tiền lệ nghị viện các nước ASEAN và được bạn bè Quốc tế đánh giá cao. Tất cả những thành công này đã tạo ra một dấu ấn về Quốc hội điện tử tại Quốc hội khóa 14.
“Để truyền tải và thực hiện tác phẩm này, chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Cuộc phỏng vấn ấy được bắt đầu khi Tổng thư ký vừa kết thúc ngày làm việc tại hội trường Quốc hội. Đó là một cuộc phỏng vấn không có kịch bản hay bất kỳ câu hỏi trước cho khách mời mà hoàn toàn ngẫu hứng. Cuộc phỏng vấn ấy là chất liệu dẫn dắt tác phẩm của chúng tôi. Bên cạnh đó, các phóng viên Thu Huyền và Vân Hồng cũng đã thực hiện phỏng vấn các đại biểu Quốc hội, làm các phản ánh hiện trường tại các tỉnh, thành phố để làm chất liệu cho tác phẩm chuyên đề “Quốc hội điện tử: Đổi mới vì cử tri”của chúng tôi” - nhà báo Lê Tuyết nói.
Theo nhà báo Phạm Thúy, báo Đại biểu nhân dân, tác giả của Loạt bài “Truyền thông trong xây dựng luật: Khoảng trống cần khắc phục” đạt giải A thể loại báo in thì truyền thông trong xây dựng pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Truyền thông tốt mới tạo sự đồng thuận cao của người dân. Nhà báo Phạm Thúy lấy dẫn chứng, ngày 11/6/2018 Quốc hội đã biểu quyết lùi thời gian thông qua dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế, đặc biệt. Một câu hỏi lớn đặt ra lúc đó là, tại sao, dư luận xã hội lại có vẻ bất ngờ và phản ứng gay gắt?
“Khi tiếp cận hồ sơ các dự án luật bị phản ứng, tôi phát hiện ra một điều là công tác truyền thông về các dự án luật này đã không được coi trọng đúng mức. Bởi xét đến cùng điều quan trọng nhất đối với một dự luật, chính sách, đó là, người dân có đồng thuận hay không? Dự án luật đã đi qua nhiều khâu, nhiều công đoạn khác nhau sang đến cơ quan của Quốc hội, được Quốc hội thảo luận nhiều phiên họp phải tiếp thu, chỉnh lý. Nhưng rồi lại vẫn bị phản ứng đấy là cái vấn đề cần rút kinh nghiệm” - nhà báo Phạm Thúy cho biết.
Đại diện cho nhóm tác giả của tác phẩm “Giám định Tư pháp trong Tố tụng hình sự” đạt giải B thể loại truyền hình, nhà báo Thu Trà, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ: Mảng đề tài về hoạt động tố tụng hình sự xuất phát đúng thời điểm mà Quốc hội đang có đợt giám sát tối cao cũng như tiến hành sửa đổi Luật giám định tư pháp. Trong khi trên thực tế, giám định tư pháp trong tố tụng hình sự còn nhiều kẽ hở.
“Việc giám định tư pháp trong tố tụng hình sự có bất cập. Câu chuyện trong phóng sự mà chương trình chúng tôi thực hiện đấy là về giám định tâm thần cũng có những cái bất cập. Những vụ án hình sự vừa qua tội phạm kinh tế tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, họ cũng lợi dụng chính sách đó để mà đưa ra những cái bệnh án tâm thần nhằm trốn thi hành án hình sự hoặc là giảm án hình sự. Ngoài ra, có hiện tượng là cấu kết với bác sĩ trong bệnh viện để đưa ra được bệnh án. Và chúng tôi đi làm phóng sự này phải tìm hiểu rất kỹ” - nhà báo Thu Trà nói.
Việc tổ chức Giải báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” ở quy mô lớn về đề tài Quốc hội khẳng định vai trò của báo chí trong việc đưa tin, phản ánh kịp thời, sinh động về hoạt động của Quốc hội; góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí viết về Quốc hội; khuyến khích phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí tích cực tham gia tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội và phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội. Góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm, đồng thời, ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về đề tài Quốc hội./.