Báo động nạn môi giới lao động ra nước ngoài trái phép ở Quảng Bình
VOV.VN - Các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình liên tiếp phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ môi giới đưa người lao động ra nước ngoài bất hợp pháp.
Trong căn nhà cấp 4 hướng ra biển, anh Nguyễn Văn Ba, 42 tuổi, trú thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cặm cụi vá tấm lưới đánh cá. Anh Ba kể: năm 2016 có người tìm đến giới thiệu vợ chồng sang Trung Quốc lao động. Sau 3 năm làm việc vất vả ở xứ người, hai vợ chồng đành trở về trong cảnh trắng tay, nghèo khó.
“Để đi xe sang Trung Quốc phải trả trước 5 triệu đồng, đường dây môi giới đó phải xin được công việc cho mình làm. Đến tháng nhận lương phải trích một khoản cho môi giới, ví dụ như nhận lương 1 triệu thì phải cho chúng 200.000 đồng. Nếu chúng mượn tiền khéo mà mình không cho mượn thì bị gây sự, có khi không được ông chủ trả lương”, anh Ba nói.
Cùng cảnh ngộ như vợ chồng anh Ba, chị Trần Thị Lệ, 29 tuổi, ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch cũng tin lời bọn cò mồi, chạy vạy vay mượn 15 triệu đồng để được sang Trung Quốc làm việc.
Đến ngày hẹn, các tay “cò” đưa chị Lệ ra xe khách cùng nhiều người sang Trung Quốc lao động. Nơi xứ người, chị Lệ làm việc quần quật trong xưởng sơn, xưởng gỗ, điều kiện ăn ở chật chội, lương thấp lại thường xuyên bị chủ nợ lương. Chán nản, chị Lệ tìm cách trở về quê nhà.
Sau 3 năm làm việc vất vả ở xứ người, vợ chồng anh Nguyễn Văn Ba vẫn trắng tay. |
Chị Trần Thị Lệ than thở: “Không ai muốn đi lao động chui cả, vì luôn trong cảnh thấp thỏm sợ bị cảnh sát nước ngoài bắt giữ, phạt tiền. Đa số người đi là lao động tay chân, trình độ thấp, không biết tiếng nước ngoài nên dễ bị chủ lừa, chèn ép”.
Cách đây không lâu, Công an tỉnh Quảng Bình đã triệt phá đường dây chuyên đưa người sang Trung Quốc do Hồ Thị Nguyệt, 37 tuổi, trú xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch cầm đầu. Ông Trương Công Mỹ, Phó trưởng Công an xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, năm nào cũng có vài chục thanh niên bị những kẻ môi giới lừa đưa qua Trung Quốc, Lào, hoặc Campuchia làm việc bất hợp pháp.
“Các đối tượng môi giới luôn dặn dò người dân khi đi đừng báo với chính quyền địa phương, vì đi đường dây bất hợp pháp có thể bị bắt. Một số bà con không hiểu biết nên đã che giấu hành vi của số đối tượng rủ rê, lôi kéo. Người lao động qua bên đó thấy cực khổ, công việc không có, đôi khi bị đánh đập” - ông Trương Công Mỹ cho biết.
Đối tượng Hồ Thị Nguyệt cầm đầu đường dây đưa người đi lao động nước ngoài bất hợp pháp. |
Theo ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, số lượng lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp ngày càng tăng. Hiện nay, một số công ty cử người về tận các làng quê nghèo khó lừa đảo người dân, các công ty này tự ý thông báo tuyển dụng lao động.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình vừa xử phạt một số công ty vi phạm trong việc tuyển dụng lao động trái phép. Ông Phạm Thành Đồng khuyến cáo người dân, khi có nhu cầu việc làm cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh cảnh “tiền mất, tật mang”.
“Lao động đi ra nước ngoài mà không có hộ chiếu thì giống như người vô gia cư, nhập cảnh bất hợp pháp, họ không được hưởng bất cứ quyền lợi lao động nào. Nếu có chuyện gì xảy ra với họ, thì cơ quan quản lý nhà nước sở tại không hỗ trợ, nên sự rủi ro rất nhiều”, ông Đồng nói./.
Hơn 20 lao động Việt Nam mất tích khi sang Trung Quốc lao động chui
Cơ hội làm việc hợp pháp cho 50 nghìn lao động “chui” tại Thái Lan