Báo động tình trạng trẻ em ở Đắk Lắk bỏ học đi làm

VOV.VN - Thời gian gần đây, trẻ em ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk bỏ học đi lao động ngày càng tăng.

Điều đáng buồn những bậc cha mẹ vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chấp nhận cho con em mình đi làm khi chưa đủ thành niên.

Đầu năm nay, được một người quen giới thiệu, ông Lê Văn Hồng (người Mông), ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông đã cho 2 con là Lê Văn Cải, 10 tuổi và Lê Văn Khương, 15 tuổi đi xuống TPHCM làm nghề may. 

Trái với hứa hẹn việc nhẹ lương cao, chỉ sau 2 tháng, do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt nên các con ông nhiều lần gọi điện cầu cứu. Ông Hồng phải vay tiền vào TPHCM chuộc hai con về.

Một cơ sở sản xuất tại TPHCM có sử dụng lao động trẻ em của Đắk Lắk. Ảnh: baodaklak.vn
Cũng vì cảnh nghèo, ông Lê Văn Tỏa, ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông cho đứa con gái 13 tuổi nghỉ học đi làm xa, nhưng ông không biết con mình hiện giờ làm gì ở đâu, chỉ lâu lâu nghe con gọi điện về than vãn cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người.

Ông Tỏa nói: “Chúng tôi nghe con nói làm vất vả quá, làm cả ngày không có giờ giấc nghỉ ngơi. Từ 6h -11h và 12h – 19h, ăn cơm xong làm đến 12h đêm, không có thời gian nghỉ ngơi còn bị ép công nữa”.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui, huyện Krông Bông tuy nhà nước đã có chính sách hỗ trợ dành cho con em vùng đồng bào dân tộc, nhưng vì cuộc sống khó khăn nhiều gia đình vẫn để con mình nghỉ học.

Ông Tâm nói: “Những trẻ em chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn”.

Ông Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông cho biết, việc trẻ em nghỉ học đi làm việc ở các khuc công nghiệp, hoặc phục vụ các nhà hàng đã diễn ra từ cuối năm 2014. Mặc dù ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động, giải thích. Thậm chí dựa vào những sai phạm về pháp luật trong tuyển dụng trẻ em chưa đủ tuổi lao động để xử lý nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này.

Tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 135 em (từ 12-16 tuổi) bỏ học. Trong đó, 42 trẻ em nghỉ học đi lao động  ở thành phố Hồ Chí Minh. Để giải quyết dứt điểm tình trạng trẻ em nghỉ học để lao động sớm, theo ông Hùng bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho các gia đình về quyền trẻ em còn cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, đặc biệt phải giải bài toán kinh tế cho các hộ gia đình khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa.

Ông Hùng nói: “Nếu chúng ta muốn giảm thiểu trẻ em đi lao động sớm và trẻ em bỏ học đi lao động phải có chính sách đầu tư để phát triển kinh tế đảm bảo cuộc sống cho người dân. Về chính sách phát triển kinh tế, đến nay rất nhiều nhưng để người dân tiếp cận được chính sách này là cả một vấn đề. Đối với các ngành chức năng phải vào cuộc để có sự phát triển kinh tế tại địa phương. Đặc biệt, Krông Bông là một huyện nghèo đề nghị các cơ quan chức năng có sự quan tâm hơn nữa về chế độ, điều kiện phát triển kinh tế của huyện”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát
Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát

VOV.VN -Lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động.

Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát

Lao động trẻ em nằm ngoài tầm kiểm soát

VOV.VN -Lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của các thanh tra lao động.