Bao giờ có vaccine 5 trong 1 để tiêm chủng mở rộng?
VOV.VN - Trong số 10 loại vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, duy nhất có vaccine 5 trong 1 là phải nhập khẩu.
Loại vaccine này đã bị hết từ tháng 2, khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi không được tiêm chủng kịp thời, đúng lịch. Trước những băn khoăn lo lắng của người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa - nơi không có các trung tâm tiêm chủng dịch vụ của tư nhân, mới đây Bộ Y tế cho biết hơn 200.000 liều vaccine 5 trong 1 được Tổ chức Y tế Thế giới Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hỗ trợ khẩn cấp sắp về tới Việt Nam.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 được Bộ Y tế đưa ra là năm 2022 tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm theo quy định nhưng không có nhà thầu tham gia. Do đó, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã hết loại vaccine này từ tháng 2 nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế chủ động xây dựng phương án giá, gửi sang Bộ Tài chính để thẩm định làm căn cứ đặt hàng vaccine 5 trong 1. Trong thời gian chờ mua được loại vaccine này bằng tiền ngân sách Nhà nước, Bộ Y tế đã làm việc với các đối tác để có nguồn cung cấp tạm thời.
“Hiện Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, sẽ hỗ trợ khẩn cấp trên 200.000 liều vaccine 5 trong 1 để tiêm cho trẻ em. Ngoài ra, còn có hơn 65.000 liều vaccine 5 trong 1 từ nguồn tài trợ trong nước. Số vaccine này sẽ ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa - nơi trẻ khó tiếp cận được với vaccine 5 trong 1 dịch vụ. Các đơn vị của Bộ Y tế đang hoàn tất các thủ tục để sớm có vaccine”, bà Lan cho hay.
Những năm trước đây, 5 trong 1 là một trong những vaccine đạt tỷ lệ tiêm cao nhất trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện chưa có vaccine này để tiêm cho trẻ đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Phan Trọng Lân cho biết: Ước tính hiện có khoảng trên 200.000 trẻ em chưa được tiêm.
“Với vaccine 5 trong 1, các bệnh có thể gây dịch là viêm gan B, bạch hầu, ho gà. Tuy nhiên với viêm gan B thì tỷ lệ trẻ em tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B lúc sơ sinh đạt tỷ lệ cao. Năm ngoái chúng ta tiêm vaccine 5 trong 1 cũng đạt trên 90,6% nên nguy cơ bùng phát dịch thấp hơn. Đối với bệnh truyền nhiễm thì ngoài “vũ khí” là vaccine còn có các biện pháp khác như giám sát, phát hiện sớm…”, ông Lân nói.
Trước đó, hàng chục tỉnh, thành phố phản ánh với Bộ Y tế về khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện mua sắm vaccine để tiêm chủng mở rộng. Những khó khăn này bắt nguồn từ sự thay đổi về cơ chế của chương trình mục tiêu y tế, dân số, chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các địa phương. Bộ Y tế đã đề xuất tiếp tục thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng bằng ngân sách Trung ương như những năm trước./.