Bao giờ trường nghề không phải là lựa chọn cuối cùng của học sinh?
VOV.VN - Cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong.
Tại phiên chất vấn đầu tiên thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội sáng 6/6, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm về việc đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo hệ thống các trường nghề.
Tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập. Cho nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học.
“Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết có khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp của Bộ để khắc phục trong thời gian tới?”, đại biểu đoàn Hải Dương nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới?
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, đoàn An Giang cho biết, thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết, ngành lao động cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay?”, đại biểu đoàn An Giang đặt câu hỏi.
Chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, công tác tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều bước tiến, nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.
“Hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận tình trạng chung của các trường nghề hiện nay tuyển sinh được là đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.
“Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.
Trả lời câu hỏi về liệu có lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng không hoàn toàn lãng phí nhưng cũng chưa có đánh giá toàn diện và thời gian tới sẽ có đánh giá đích thực về vấn đề này.
“Việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải điều dễ dàng. Số trung cấp nghề tăng do áp dụng nguyên tắc (9 cộng), tức học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào thẳng trường nghề vừa học văn hóa vừa học nghề. Việc vừa học nghề vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi hơn cho ra trường có thể tham gia thị trường lao động. Các nước đang phát triển cũng áp dụng mô hình này, cả Đức, Nhật Bản và Canada cũng áp dụng”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ thực hiện đánh giá lại hiệu quả đích thực vấn đề này, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn./.