Bảo vệ quyền cho phụ nữ bằng giá trị chung trong Pháp ngữ
(VOV)-Xâm phạm tình dục, bạo hành, phân biệt đối xử đối với phụ nữ không phải những giá trị chung mà các nước Pháp ngữ chia sẻ.
“Những thành tựu của phụ nữ không bao giờ là bước lùi của xã hội”. Lời khẳng định của Bộ trưởng đặc trách Pháp ngữ bên cạnh Bộ Ngoại giao Pháp, bà Yamina Benguigui- người đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn quốc tế phụ nữ Pháp ngữ lần đầu tiên; đồng thời cũng là tinh thần chung của sự kiện này diễn ra ngày 20/3 tại Paris (Pháp).
Diễn đàn đã thông qua lời kêu gọi trình lên Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo Pháp ngữ, để phát huy sức mạnh và những giá trị chung trong tổ chức quốc tế Pháp ngữ để đấu tranh trước tình trạng bạo hành, xâm phạm tình dục và phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong các nước Pháp ngữ.
Với sự tham dự của 400 phụ nữ đến từ 77 quốc gia thành viên Pháp ngữ, trong đó có đoàn đại biểu của Việt Nam, Diễn đàn quốc tế phụ nữ Pháp ngữ lần đầu tiên đặt tham vọng “tạo dựng những nền móng cho một vị trí mới cho phụ nữ trong không gian Pháp ngữ và bảo vệ các quyền cơ bản của họ ở mọi nơi mà họ bị đe dọa”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng đặc trách Pháp ngữ bên cạnh Bộ ngoại giao Pháp bà Yamina Benguigui nhấn mạnh: xâm phạm tình dục, bạo hành, phân biệt đối xử đối với phụ nữ hoàn toàn không phải những giá trị chung mà các nước Pháp ngữ chia sẻ.
Theo bà Yamina Benguigui, những thành tựu của phụ nữ không bao giờ là bước lùi cho xã hội; thế mà để đạt được những thành tựu đó, phụ nữ không có cách nào khác là phải đấu tranh.
Trong một ngày, diễn đàn bao gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: “Bảo vệ phụ nữ: Làm sao để ngăn chặn bạo lực và đảm bảo các quyền cơ bản?; Xây dựng tương lai: Làm thế nào để nâng cao giáo dục cho các em gái, từ xóa mù chữ đến đào tạo cao cấp ? và Phụ nữ: Chủ thể của sự phát triển.
Đại biểu tham dự Diễn đàn |
Nhiều đại diện đến từ xã hội dân sự ở các quốc gia đang lâm vào xung đột, có tình trạng bạo hành trầm trọng như CH dân chủ Congo, Mali… đã chia sẻ những gì họ phải chứng kiến và chịu đựng. Diễn đàn cũng lắng nghe ý kiến của nhiều lãnh đạo nữ trong bộ máy chính quyền các nước, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ đang đấu tranh tích cực để bảo vệ quyền cho phụ nữ không chỉ ở các quốc gia châu Phi, mà ngay cả tại các nước phát triển như Pháp, Bỉ, vùng Quebec (Canada).
Trả lời PV Đài TNVN thường trú tại Pháp, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn quốc tế phụ nữ Pháp ngữ lần đầu tiên được tổ chức: “Tôi đã đi nhiều nơi và chứng kiến, cảm nhận nỗi đau của nhiều phụ nữ phải chịu đựng, họ bị xâm phạm, bị bạo hành và vì thế tôi thấy diễn đàn lần này rất quan trọng. Diễn đàn là một khuôn khổ rộng, quan trọng và mạnh mẽ để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, đảm bảo quyền cho phụ nữ. UNESCO ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của tổ chức quốc tế Pháp ngữ và chúng tôi sẽ có những hợp tác với tổ chức Pháp ngữ trong vấn đề này cũng như đã có những hợp tác từ lâu đời và hiệu quả”.
Nhiều đại biểu bày tỏ lạc quan rằng với số thành viên đông đảo (77 nước) trải dài trên cả năm châu lục, và cùng chia sẻ nhiều giá trị mang tính phổ quát, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ có thể khuyến khích và kêu gọi việc bảo vệ các quyền cơ bản cho phụ nữ.
Ông Dương Văn Quảng |
Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Quảng, Đại diện Chủ tịch nước bên cạnh Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, trưởng đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn quốc tế phụ nữ Pháp ngữ, các giải pháp thì nhiều, nhưng để thực hiện thành công đòi hỏi nhiều nỗ lực từ tổ chức quốc tế Pháp ngữ và nhất là các quốc gia thành viên.
Ông Dương Văn Quảng cho biết: “Tổ chức quốc tế Pháp ngữ có nhiều sáng kiến, đặc biệt có sự quan tâm đến việc bảo vệ bình đẳng giới. Tuy nhiên, các biện pháp thì nhiều nhưng khả năng thực hiện là một vấn đề. Về khả năng thực hiện, có 2 vấn đề, thứ nhất là cố gắng của tổ chức quốc tế Pháp ngữ, nhưng tổ chức có những hạn chế về ngân sách nên những giải pháp thì có nhưng để thực hiện không dễ.
Ở đây, tổ chức quốc tế Pháp ngữ chủ yếu là tuyên truyền để mọi người nhận thức được rằng vấn đề bạo hành đối với phụ nữ trên thế giới là đáng báo động. Thứ hai, theo tôi quan trọng là phải có các nỗ lực từ các quốc gia thành viên. Việt Nam chúng ta có nhiều biện pháp rất cụ thể và có cả các phương tiện cụ thể để thực hiện vấn đề này. Nhưng thành viên tổ chức pháp ngữ chủ yếu là các nước đang phát triển, nơi tình trạng bạo hành và phân biệt đối với phụ nữ rất nặng nề”.
Kết thúc ngày làm việc, Diễn đàn quốc tế phụ nữ Pháp ngữ lần đầu tiên đã thông qua “Lời kêu gọi của phụ nữ Pháp ngữ” do Bộ trưởng đặc trách Pháp ngữ cũng là người có sáng kiến tổ chức diễn đàn bà Yamina Benguigui đưa ra.
Các đại biểu phụ nữ Pháp ngữ cùng cam kết xây dựng mạng lưới chung, cùng đấu tranh để những hi sinh, đóng góp của phụ nữ trong xã hội, trong sự phát triển kinh tế của đất nước được tôn trọng và đánh giá đúng; đấu tranh chống lại mọi sự bạo hành, mọi quy định, phong tục cổ hủ về phân biệt đối xử đối với phụ nữ. “Lời kêu gọi” được gửi lên Tổng thống Pháp Francois Hollande khi các khách mời của diễn đàn tiếp kiến ông tối qua, kêu gọi Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo Pháp ngữ có những hành động tích cực và đưa vấn đề ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của tổ chức quốc tế Pháp ngữ trong năm tới 2014. /.