Bất cập giải phóng mặt bằng các công trình hạ tầng giao thông tại Đồng Nai
VOV.VN - Năm 2024, tỉnh Đồng Nai bước vào thời điểm gấp rút triển khai nhiều công trình hạ tầng trọng điểm. Tuy nhiên, tiến độ các công trình này đều chậm vì vướng giải phóng mặt bằng. Đâu là giải pháp của Đồng Nai về vấn đề này?
Dồn toàn lực thực hiện
Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu là công trình hạ tầng giao thông liên vùng có ý nghĩa quan trọng đối với các tỉnh Đông Nam Bộ. Sau khi khởi công từ tháng 6/2023, đến nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giải phóng mặt bằng đạt 96%. Trong khi đó, phía Đồng Nai mới bàn giao được rất ít mặt bằng, chỉ khoảng 13%.
Vướng mắc về giải phóng mặt bằng là áp lực lớn nhất đối với tiến độ thực hiện cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Tính đến hết tháng 11/2023, Đồng Nai vẫn còn 5/12 xã, phường chưa thực hiện xong kiểm đếm.
Cá biệt, trong quá trình kiểm đếm, UBND phường Phước Tân (TP Biên Hoà) phát hiện 700 căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Ông Đỗ Khôi Nguyên – Chủ tịch UBND TP Biên Hoà thừa nhận, chưa xử lý trách nhiệm vì dồn toàn lực tập trung cho giải phóng mặt bằng: “Dự án đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu là dự án trọng điểm, hiện nay Thủ tướng rất quan tâm và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Chúng tôi đặt mục tiêu đầu tiên là phải phục vụ dự án. Tập trung làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để xử lý trước.
Mới đây, UBND TP Biên Hoà có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 cho khu tái định cư phường Tam Phước. Dự án có diện tích hơn 31,5ha, quy mô dân số từ 6.000 - 6.500 người. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 717 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian tối đa 4 năm.
Đối với việc tái định cư cho dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, TP Biên Hoà bố trí 2 khu làm tái định cư tại phường Phước Tân và phường Tam Phước. Tiến độ thực hiện của cả 2 khu này đều rất chậm, chưa thành hình hài.
Điều động thêm người làm
Dự án sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công từ cuối tháng 8/2023. Đến nay, để phục vụ thi công dự án này, hai tuyến đường kết nối T1 và T2 đang được thực hiện. Trong đó, tuyến T1 (dài 3,8km kết nối từ cổng phía tây sân bay Long Thành tới cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu) đã bàn giao đủ mặt bằng cho chủ đầu tư.
Tuy nhiên, tuyến T2 lại đang chậm tiến độ. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai cam kết với Chính phủ bàn giao tuyến T2 chậm nhất vào tháng 6/2023, nhưng đến nay tỉnh mới giải phóng mặt bằng đạt khoảng 50%.
Tuyến T2 dài 3,5 km nối từ tuyến T1 đến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Theo Ban quản lý dự án sân bay Long Thành, việc này ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các đơn vị.
Đầu tháng 1/2024, huyện Nhơn Trạch tiến hành khởi công đường Tôn Đức Thắng (đường 25B) dài 3,8 km nối với đường Vành đai 3 TP.HCM, tổng mức đầu tư gần 640 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 2 năm.
Ông Nguyễn Thế Phong – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch khẳng định, sẽ cố gắng nỗ lực để thực hiện đúng tiến độ: “Huyện đã tập trung ngay từ khâu giải phóng mặt bằng, đến khâu thực hiện hồ sơ đến thời gian thi công. Rút kinh nghiệm năm 2023, huyện tiếp tục chỉ đạo để làm sao bám sát thời gian thi công, để làm cho đạt yêu cầu đã đề ra”.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết: Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về công tác giải phóng mặt bằng, các đơn vị trong tỉnh cần tập trung ưu tiên nguồn lực cho công tác xác định giá đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ.
Đối với việc chậm tiến độ các khu tái định cư, ông Đức yêu cầu các địa phương phải tăng tốc thực hiện; cho phép tái định cư người dân trong diện thu hồi cho dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu vào khu tái định cư sân bay Long Thành.
Còn về nhân lực, ông Đức yêu cầu tập trung mọi nguồn lực, thậm chí làm việc cả những ngày cuối tuần. Nếu cần thiết thì nghiên cứu điều động thêm nhân lực từ nơi khác: “Điều động cán bộ của các sở, ban, ngành của các địa phương. Tôi hy vọng, với cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, nếu vẽ được sơ đồ đường gantt về bồi thường, thì sẽ đảm bảo được tiến độ bàn giao cho chủ đầu tư”.
Các công trình hạ tầng trọng điểm sẽ làm gia tăng giá trị cho địa phương, tạo thêm sức hút về đầu tư kinh tế. Do đó, tỉnh Đồng Nai cần nỗ lực thực hiện, khắc phục khó khăn về giải phóng mặt bằng để nhanh chóng đưa các công trình hạ tầng vào sử dụng.