Bất cập trong việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp
VOV.VN - Việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp còn gặp khó khăn và vướng mắc khi Luật Việc làm có hiệu lực từ 1/1/2015.
Sau một thời gian thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp, từ đầu năm tới nay, tại 63 tỉnh, thành phố đã có gần 452.000 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm, trong số đó hàng chục ngàn người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Tuy nhiên, việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp còn gặp khó khăn và vướng mắc khi Luật Việc làm có hiệu lực từ 1/1/2015.
Hiện nay, cả nước có khoảng 408.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 3,4 % so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số người được giới thiệu việc làm mới là hơn 86.000 người, chiếm hơn 21% so với số người có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm của các cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động. Thậm chí, một số người lao động còn chủ động nghỉ việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều lao động thất nghiệp tìm đến Trung tâm dịch vụ việc làm để tìm cơ hội việc làm và xin tư vấn học nghề |
Ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Việc hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp chỉ là một trong các quyền lợi của người lao động. Cái lớn hơn là người lao động phải có được việc làm sớm nhất, thời gian còn lại, họ được bảo lưu. Tôi cho rằng, đó là điều tích cực. Đồng thời, chúng tôi hướng trọng tâm cho người lao động quay trở lại thị trường lao động, tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Số người lao động đăng ký các hoạt động hỗ trợ học nghề tăng hàng năm”.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được người sử dụng lao động và người lao động đón nhận một cách tích cực, việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn” .
Công tác triển khai được thực hiện đồng bộ, kịp thời và có sự phối hợp tốt giữa các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Tài chính, Nội vụ, Công đoàn. Tuy nhiên, nhiều người lao động và chủ sử dụng lao động chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động…
Ông Lê Quang Trung nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, lắng nghe các phản hồi từ phía chủ sử dụng lao động và người lao động phản hồi để hoàn thiện các chính sách này. Đồng thời xây dựng các quy định để thực hiện tốt các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp; tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến các cơ quan, tổ chức các cấp tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với người lao động; Hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động làm sao thực hiện tốt hơn chính sách này; Tăng cường hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động”./.