Tăng phí bảo hiểm y tế: Trường khó, phụ huynh khổ
VOV.VN -Tăng phí đồng nghĩa với tăng áp lực đầu năm lên vai phụ huynh, trong khi nhà trường không đủ "chỉ tiêu".
Theo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung, từ năm học 2015-2016, phí đóng bảo hiểm y tế của học sinh – sinh viên sẽ đạt mức 4,5% lương tối thiểu thay vì 3% như trước kia.
Bên cạnh đó, do có sự thay đổi về số lượng tháng bảo hiểm trong năm nên số tiền mà mỗi học sinh phải đóng là gần 534.000 đồng, cao hơn nhiều so với mức phí khoảng 290.000 đồng của năm ngoái.
Tăng phí đồng nghĩa với việc tăng áp lực đầu năm lên vai phụ huynh nên mặc dù nhiều trường học tại thành phố Hồ Chí Minh đã linh động trong các phương án thu bảo hiểm nhưng đến nay, tỷ lệ thu được vẫn chưa cao.
Tăng phí BHYT gây áp lực kinh tế lên nhiều gia đình (Ảnh minh họa) |
Đầu năm học 2015-2016, nhiều phụ huynh tại thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ khi nhà trường thông báo mức phí bảo hiểm y tế mới của học sinh. Cụ thể, sau khi đã được nhà nước hỗ trợ 30%, số tiền mà mỗi học sinh phải đóng cho 12 tháng bảo hiểm y tế lên đến 434.700 đồng.
Ngoài ra, thời gian sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của học sinh – sinh viên được điều chỉnh theo năm tài chính nên riêng trong năm nay, các em phải đóng 15 tháng thay vì 12 tháng như trước đây. Việc tăng phí cộng thêm tăng thời gian đóng khiến giá tiền bị đẩy lên cao: gần 534.000 đồng. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh cảm thấy nặng nề.
Một số ý kiến PV ghi nhận được:
- Khi thu bắt buộc như vậy, phụ huynh cũng ráng tìm cách mua bảo hiểm thôi chứ khám thì không biết người ta có khám hay không. Năm nay bảo hiểm thu mức giá như vậy hơi cao mà mình có 2 con đi học.
- Nếu tiền bảo hiểm tăng cao thì phải cố gắng làm sao để bảo hiểm của các em học sinh được tốt cho nó an toàn.
- Năm nay tôi không mua bảo hiểm cho con vì bảo hiểm quá cao, tăng gấp đôi năm rồi lận. Nhà mình nghèo đâu có số tiền đó để mua.
Theo công văn vừa mới ban hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, từ năm học 2015-2016, bảo hiểm y tế của học sinh – sinh viên là loại hình bắt buộc phải thu từ đầu năm học. Để giảm áp lực cho phụ huynh, Sở Giáo dục – Đào tạo và Bảo hiểm Xã hội thành phố đã thống nhất đưa ra 2 phương án cho phụ huynh lựa chọn là đóng 1 lần hoặc 2 lần theo thời gian quy định.
Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình quyết định áp dụng theo cách chia phí bảo hiểm ra thành 2 đợt. Đợt 1 kéo dài từ ngày 19/8 đến ngày 11/9 với mức tiền 217.350 đồng, tương đương với 6 tháng sử dụng thẻ bảo hiểm.
Đợt 2 có giá trị 9 tháng sử dụng thẻ bảo hiểm sẽ được thu từ ngày 1 đến ngày 10/3/2016 với mức tiền khoảng 326.000 đồng. Linh động là vậy nhưng đến thời điểm này, trường vẫn còn khoảng 280 học sinh chưa đóng bảo hiểm y tế. Theo bà Ngô Nguyễn Thiên Trang, Hiệu trưởng nhà trường, việc đạt chỉ tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế là rất khó.
“Cái khó đối với trường chúng tôi phụ thuộc vào việc luật quy định phải có 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Ở năm học 2014-2015, việc tham gia bảo hiểm y tế của học sinh nhà trường chỉ khoảng 85%. Đến thời điểm này, việc thu bảo hiểm của nhà trường cũng chỉ đạt ở mức 88%. Vì thế tôi nghĩ rằng trong năm học này chúng tôi có cố gắng lắm cũng chỉ thu được 90%” – bà Nguyễn Thiên Trang nói.
Trong khi Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều đã thu được khoảng 88% tiền phí bảo hiểm y tế thì con số này tại Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển, quận Bình Thạnh khá khiêm tốn: chỉ 70%. Là cơ sở giáo dục nằm trong địa bàn dân cư nghèo, phụ huynh đa phần còn khó khăn nên mặc dù nhà trường đã cố gắng giải thích cặn kẽ việc tăng phí cũng như linh động cả 2 phương án thu, nhưng tình hình không mấy khả quan. Với đà này, nhà trường khó có thể hoàn thành chỉ tiêu do thành phố đề ra.
Bà Giang Thùy Hải Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển cho biết: “So với mọi năm, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ thu được thấp hơn. Tôi nghĩ đây là chuyện bình thường, vì với số tiền lớn hơn thì đương nhiên tỷ lệ thu được sẽ thấp hơn. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ cố gắng động viên giáo viên chủ nhiệm các lớp tiếp tục nhắc nhở, động viên phụ huynh để phụ huynh cố gắng cho các em đăng ký thêm đợt sau nữa rồi chốt danh sách”.
Các trường học đã cố gắng nhưng vẫn rất khó để hoàn thành chỉ tiêu, còn với phụ huynh, nhất là những hộ nghèo thì lại bị áp lực bởi việc gia tăng các khoản chi cho đầu năm học mới.
Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi “Liệu chất lượng bảo hiểm có đi đôi với phí thu?”, khi mà công tác phục vụ tại các cơ sở y tế của thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người sử dụng thẻ bảo hiểm./.