Bên dòng sông Hậu
VOV.VN - Nơi có những con người không chịu an phận sau cánh cửa nhà, quyết chí vươn lên làm rạnh danh cộng đồng người Chăm.
Tối tối ở tiểu giáo đường ngay đầu ấp, các cô bé, cậu bé người Chăm lại cắp sách tới học chữ và tiếng của dân tộc mình. Nhiều đứa trẻ ở lớp học này đang mơ ước, một ngày không xa sẽ được như Lisa, như Norigiá; để có cơ hội giới thiệu về cộng đồng Chăm ra thế giới.
Những người phụ nữ sau khung cửi
Lễ cưới truyền thống của người Chăm Islam (Ảnh: Internet) |
An Giang là nơi tập trung đông đồng bào người Chăm Islam (người Chăm theo đạo Hồi) sinh sống. Nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, thị xã Tân Châu được coi là trung tâm của cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang. Tân Châu vốn nổi tiếng là vùng đất phì nhiêu, tốt tươi từ cảnh vật tới con người. Bởi vậy mới có câu ca: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu”. Từ bàn tay người phụ nữ Chăm, những tấm lụa Tân Châu, những chiếc khăn, sà rông thổ cẩm Châu Phong khiến vùng đất này được nhiều người biết tới.
Đi trên con lộ nhỏ dọc bờ sông dẫn vào ấp Phũm Soài (xã Châu Phong), ấp có toàn bộ dân số là người Chăm, hầu như lúc nào cũng nghe tiếng lách cách của những khung cửi dệt. Âm thanh quen thuộc này đã bắt đầu vang lên ở nơi đây từ hơn ba thế kỷ trước, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân xã Châu Phong.
Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Phũm Soài, những tấm sà rông, những chiếc khăn choàng, khăn tắm hình thành với những hoa văn đặc sắc. Dần dần, dệt thổ cẩm trở thành nghề truyền thống ở đây. Sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình mà được bán đi nhiều địa phương khác. Nghề dệt thổ cẩm hưng thịnh ở Phũm Soài trong một thời gian dài.
Ông Chíp, người từng có nhiều năm làm trưởng ấp Phũm Soài kể: “Trước kia, người dân ấp Phũm Soài sống chủ yếu bằng nghề dệt. Lúc đó là dệt vải mùng. Rồi đến khi người ta xài mùng nilon, vải mùng mai một, mới chuyển qua dệt choàng tắm. Rồi đến khi người ta dùng khăn nilon, ngành dệt choàng tắm cũng xuống”.
Ngày nay, số lượng các khung cửi không còn nhiều và phổ biến như xưa. Nhưng Phũm Xoài chưa khi nào thiếu vắng tiếng thoi đưa. Bên nhiều hiên nhà vẫn còn những khung cửi dệt, nhưng phụ nữ ngồi mải miết luồn go, dệt vải. Nhưng khi khách vừa ghé vào nhà, những người phụ nữ ấy vội vàng lui vào trong, để người đàn ông ra tiếp khách.
Người phụ nữ Chăm theo đạo Hồi khi bắt đầu đến tuổi thiếu nữ, choàng lên đầu chiếc khăn matơra cũng là khi bước chân họ dừng lại trong cánh cửa. Họ hạn chế ra ngoài vì cha mẹ không muốn con cái tiếp xúc với người lạ. Đến khi lấy chồng, họ cũng chỉ ở nhà làm nội trợ, nuôi dạy con cái chứ không bôn ba kiếm sống, không làm các công việc ngoài xã hội.
Đôi mắt Lisa
Tiếng tăm về vẻ đẹp của “gái Tân Châu” đặc biệt không sai lệch ở ấp Phũm Soài. Những người phụ nữ ở đây có làn da trắng, khác với đa số cư dân vùng đất nắng gió này. Và đôi mắt họ, những đôi mắt mở to măng cái nhìn rười rượi, mênh mang như nước sông Tiền, sông Hậu dưới bóng rợp của những hàng mi. Những đôi mắt mang vẻ đẹp trời phú và chất chứa đằng sau là cả những nỗi niềm của thân phận người phụ nữ mấy trăm năm chỉ được nép sau cánh cửa nhà. Lisa là cô gái mang vẻ đẹp đặc trưng ấy. 27 tuổi, cao như người mẫu, da trắng, mũi cao, lông mày rậm, mắt đen và sâu, thoạt đầu mới gặp có lẽ không ai nghĩ được rằng cô gái Chăm này đã có tới mười năm bươn chải ở khắp nơi. Chỉ có giọng nói sôi nổi, nhiệt thành mang rõ dấu ấn của người làm nghề dịch vụ, đã tiếp xúc, va chạm rất nhiều người. Lisa là một hình ảnh mới của người phụ nữ Chăm thời hiện đại, năng động, táo bạo, luôn muốn được vươn lên.
Câu chuyện về sự vươn lên ấy không mấy dễ dàng. Hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, từ nhỏ Lisa không sống cùng bố mẹ mà ở với họ hàng. Tới khi lên 9, Lisa đã được mọi người bảo thôi không đi học nữa. Các cô bé quanh nhà Lisa đều vậy, lớn lên một chút là được nghe câu nói đó, rồi ở nhà một vài năm, đi lấy chồng, quanh quẩn ở nhà bếp núc, chăm con, lúc rảnh thì dệt may. Lisa bảo cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, bạn bè cô chỉ còn 3-4 người đi học. Hầu hết đều cam chịu với số phận đã được an bài, như mẹ, như bà, như bao nhiêu phụ nữ Chăm hàng trăm năm nay vẫn vậy.
Nhưng Lisa không bằng lòng với cuộc sống đó, Lisa muốn vươn lên, muốn ra ngoài xã hội, muốn biết đó biết đây, muốn có vị trí của một người thành đạt. Bởi thế, cô trốn đi học trở lại, tìm mọi cách để được tới trường. Nhà nghèo, Lisa đi bán bánh cho người ta, vừa có bánh ăn, vừa có tiền công để mua sách bút. Sự nghèo khó cùng “năng khiếu kinh doanh” khiến cô bé Lisa mới 9, 10 tuổi từ chỗ bán bánh thuê đã biết nói với dì làm bánh cho mình đi bán. Rồi dần dần, Lisa mở một quầy hàng nhỏ bán bánh, bán mía, đồ ăn vặt cho học sinh ở cổng trường.
Một buổi đi học, một buổi đi làm, Lisa tự nuôi bản thân tốt nghiệp trung học phổ thông. 18 tuổi, Lisa bắt xe vào thành phố Hồ Chí Minh, vừa đi học thêm tiếng Anh vừa làm lễ tân cho khách sạn, rồi làm du lịch. Lisa gom góp thêm kiến thức, kinh nghiệm, vốn liếng từ nhiều công việc: lễ tân, phục vụ bàn, thu ngân, hướng dẫn viên du lịch. Dần dần, cô tự tách ra làm ăn riêng. Ngoài 20 tuổi, Lisa đã có cả quán ăn, nhà nghỉ, văn phòng du lịch đặt ở cả Việt Nam và Campuchia.
Và hơn tất thảy, Lisa mong muốn bà con thấy được người phụ nữ như cô cũng có thể làm tốt các công việc ngoài xã hội, có chỗ đứng riêng của mình, để từ đó thay đổi quan niệm, không còn ngăn cản con gái tới trường.
Thế rồi, Lisa được gọi về phụ trách Trung tâm thông tin du lịch của xã Châu Phong, trụ sở đặt ngay tại ấp Phũm Soài. Lisa về ngay, không ngần ngại. Bởi Lisa luôn mong làm gì đó cho quê hương. Cô tổ chức các tour du lịch về làng Chăm rất bài bản và hấp dẫn. Du khách không chỉ được đi thăm và quan sát cuộc sống của bà con nơi đây mà còn được tham dự vào các sinh hoạt cộng đồng, các buổi biểu diễn văn nghệ.
Lisa đang mong ước khi trung tâm đủ lớn mạnh, cô có thể tổ chức các tour dài hơi hơn. Và hơn tất thảy, Lisa mong muốn bà con thấy được người phụ nữ như cô cũng có thể làm tốt các công việc ngoài xã hội, có chỗ đứng riêng của mình, để từ đó thay đổi quan niệm, không còn ngăn cản con gái tới trường.
Ở ấp Phũm Soài bây giờ, các cô bé đều đã được tới trường. Nhiều gia đình còn cho con gái đi học tận nước ngoài. Như gia đình anh A Mách và chị Saphiná có một cô con gái đang học ở Malaysia, và cô con gái thứ hai Norigiá cũng đang chờ xin học bổng ra nước ngoài học. Norigiá xinh đẹp và bạo dạn. Nếu như trước đây, phụ nữ không được đi học, không cả ca hát thì bây giờ Norigiá tham gia đội văn nghệ của xã, sẵn sàng cất giọng ca trong trẻo khi được yêu cầu.
Chị Saphiná chia sẻ, đời mình không được đi học, khó nhiều rồi nên bây giờ phải cố gắng cho con đỡ khổ. Tối tối ở tiểu giáo đường ngay đầu ấp, các cô bé cậu bé người Chăm lại cắp sách tới học chữ và tiếng của dân tộc mình. Học để đọc được kinh sách, để biết về văn hóa. Những lớp học như thế duy trì đã nhiều năm. Nhiều đứa trẻ ở lớp học này đang mơ ước, một ngày không xa sẽ được như Lisa, như Norigiá; để có cơ hội giới thiệu về cộng đồng Chăm ra thế giới./.