Nhọc nhằn xây dựng nông thôn mới ở Pác Nặm
VOV.VN -Pác Nặm (Bắc Cạn) là huyện vùng cao, dân sinh sống lẻ tẻ, cách xa nhau nên việc làm đường đến ngõ, xóm rất khó khăn
Đồng thuận hiến đất làm đường
Có thể nói Pác Nặm là một trong những huyện nghèo nhất (thuộc diện 30a) của tỉnh Bắc Cạn. Cách đây 10 năm, Pác Nạm được thành lập từ 10 xã phía Bắc của huyện Ba Bể. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng được xếp vào loại yếu kém nhất nhì tỉnh. Đường giao thông duy nhất từ trung tâm huyện Ba Bể đến huyện lỵ Bộc Bố - thủ phủ Pác Nặm nhỏ hẹp, gập ghềnh khó đi, nhão nhoét vào ngày mưa, bụi mù ngày nắng. Tuyến đường huyết mạch này đang được thi công cải tạo, nâng cấp mở rộng nhưng tốc độ thi công chậm. Vài chục cây số để tới huyện lỵ cũng mất vài giờ đồng hồ.
Cùng với xuất phát điểm thấp, dân trí thấp, sản xuất cơ bản là tự cung tự cấp, giao thông khó khăn khiến Pác Nặm là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong tỉnh Bắc Cạn. Tuy nhiên, theo đánh giá của một vị lãnh đạo huyện, sau 10 năm xây dựng và phát triển, chất lượng giảm nghèo ở Pác Nặm được nâng lên, cuộc sống của người nghèo bây giờ khá hơn trước đây 10 năm. Thu nhập từ 80.000 đồng lên 400.000 đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, cũng như các địa phương vùng cao phía Bắc, điều kiện tự nhiên khiến người dân rất vất vả trong việc bứt phá có của ăn của để.
Vùng cao Pác Nặm |
Về phía chính quyền đã xây dựng rất nhiều mô hình có thế mạnh của địa phương như giống gà, vịt để bà con nhân rộng. Bên cạnh đó, có những sản phẩm nông nghiệp mà thị trường cần nhưng trình độ bà con chưa đáp ứng được như phát triển đàn lợn cắp nách thành hàng hóa. Thêm nữa, thị trường nhỏ hẹp, sản phẩm làm ra nhiều bị bão hòa, giá cả không được lợi như ở nơi khác. Giá trị hàng hóa người dân thu được hết sức khó khăn.
Một nguồn thu khác của địa phương từ kinh tế hàng hóa đồi rừng là các loại giống cây keo, cây mỡ người ta thường mua ở Chợ Giã, Ba Bể mà không lên Pác Nặm, nếu có lên mua thì cũng chỉ được nửa giá.
Một lãnh đạo địa phương chia sẻ: Nếu được phân bổ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực này để phát triển hạ tầng giao nông thôn.
“Hiện nay, tất cả các xã ở Pác Nặm đã hoàn thành xong quy hoạch nông thôn mới và người dân kỳ vọng rất nhiều từ nguồn vốn này để có thể triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Công Bằng, ông Dương Văn Bình cho biết, ở Công Bằng việc vận động tuyên truyền bà con cùng chung tay xây dựng nông thôn mới bước sang năm thứ ba, được bà con hết sức vui mừng hưởng ứng, đặc biệt là vận động dân hiến đất làm đường nông thôn. Trên địa bàn xã, một tuyến đường mới dài 6 km vừa được thông qua phương án xây dựng. Công trình phải giải phóng mặt bằng gần 80 hộ có đất, tài sản liên quan. Người dân sẵn sàng đóng góp 20% chủ yếu là hiến đất.
Ông Bình chia sẻ: “Khi chúng tôi trực tiếp vào thôn vận động, giải thích cho bà con nhận thức rõ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Sau đó, người dân hiểu và hưởng ứng ủng hộ bởi con đường này xưa nay bà con đi lại rất vất vả, nếu con đường làm xong lợi ích sẽ nhiều hơn”.
Từ việc vận động bà con hiến đất, thấy rằng công trình nào làm cho bà con thấy được lợi ích sau khi công trình hoàn thành sẽ được nhân dân đồng thuận rất cao. Ông Bình cho rằng, cách thức vận động để nhân dân nhận thức cũng rất quan trọng. Trước tiên, cán bộ đi tuyên truyền nhân dân phải nắm rõ công trình đem lại những lợi ích gì. Cụ thể, việc làm đường cần giải thích để bà con hiểu rằng, sau này có đường giao thông thuận lợi thì sản phẩm nông nghiệp của bà con làm ra bán được giá tương đương với trung tâm xã. Hiện tại, để chở 10 kg ngô xuống xã bán thì bà con rất vất vả, trong khi lương thực, thực phẩm sản xuất được bán ở trên vùng cao so với dưới trung tâm xã thiệt mất gần một nửa giá trị.
“Vì thế, trong quá trình vận động chúng tôi phân tích đơn giản nhất để bà con hiểu: Nếu một tuyến đường mà 5 năm nữa mới đầu tư. Bà con mua 1 cái xe máy đi 5 năm trên con đường xấu thì cũng vứt bỏ. Nếu hưởng ứng làm đường, bà con chỉ mất khoảng 100-200 m2 đất, nhưng xe của bà con đi được bền chắc, lâu dài hơn chục năm, đó là cái được của bà con” - ông Bình chia sẻ.
Hạ tầng giao thông ở Pác Nặm chưa được đầu tư nhiều |
Qua thực tiễn vận động, tuyên truyền cho bà con hiến đất làm đường, cho thấy số đông ủng hộ nhưng vẫn có những trường hợp cá biệt nêu ý kiến thắc mắc: Tại sao nhà nước làm công trình lớn hàng mấy chục tỷ mà không có tiền đền bù đất đai cho bà con!? Vì thế quá trình vận động rất cần sự thống nhất, đồng thuận của các ban, ngành, đoàn thể. Ngay bản thân những con người trong tổ nhóm tuyên truyền cũng có những hạn chế nhất định.
Mặc dù, việc vận động bà con hiến đất ban đầu có những khó khăn nhất định nhưng chính quyền xã tin tưởng rằng, tuyên truyền vận động bà con nhận thức về chương trình nông thôn mới là lâu dài. Quá trình vận động sẽ không chỉ có vài hộ hưởng ứng vì dần dần qua các công trình hoàn thành nhân dân sẽ nhận thức được vấn đề khi nhìn thấy lợi ích và quyền lợi của mình trong đó, sẽ có nhiều người hiến đất. Lúc đó, việc hiến đất cho xây dựng nông thôn mới sẽ trở thành một phòng trào sâu rộng trong nhân dân.
Bộn bề khó khăn
Theo Chủ tịch UBND xã Nhạn Môn, ông Ma Văn Môn, cũng như nhiều xã ở vùng cao Pác Nặm, các tiêu chí nông thôn mới ở Nhạn Môn hầu như chưa đạt do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chưa đạt, như tiêu chí làm đường do đặc thù địa bàn xã vùng cao, việc làm đường trong thôn đến các nhóm hộ do dân sống lẻ tẻ cách xa nhau nên việc thực hiện tiêu chí đường giao thông là khó. Tiếp nữa một tiêu chí khó đạt là diện tích nhà do các gia đình ở đây đông người nên rất khó làm. Về điện, mới chỉ có 4/8 thôn có điện.
Về trường học cũng chưa đạt, hiện còn 1 thôn có trường nhà tạm do chưa có đường ô tô vào được. Mục tiêu tới xã phấn đấu làm đường đến các thôn. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn.
Chủ tịch UBND xã Nhạn Môn, ông Ma Văn Môn |
Ông Ma Văn Môn nêu rõ: “Một số chính sách giao đất, giao rừng vừa mới ký cấp cho dân tuy họ chưa làm gì trên đất đó nhưng chúng tôi phải đi lại rất nhiều lần thì mới giải quyết được. Tuy nhiên nhà thầu cũng phải hỗ trợ cho chủ đất một phần mới ổn. Cho nên nhà nước phải có một quy định cụ thể để hỗ trợ cho công tác này”.
Theo ông Môn, vận động nâng cao nhận thức cho bà con trong chương trình xây dựng nông thôn mới cũng là một trong những yếu tố không thể xem nhẹ mà cần phải đẩy mạnh. Để bà con nhận thức đúng và đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó mới có sự đồng lòng, thống nhất cao trong nhân dân. Vì vậy cũng nên bổ sung thêm nguồn kinh phí cho tuyên truyền, vận động.
Chưa có vốn nên việc triển khai các tiêu chí nông thôn mới hầu như chưa đạt. Đặc thù ở đây là vùng cao dân sinh sống lẻ tẻ, cách xa nhau nên việc làm đường đến ngõ, xóm cũng rất khó khăn. Cho nên cố gắng nhất hoàn thành đường giao thông đến các thôn.
Chủ tịch UBND xã Nhạn Môn chia sẻ: Đầu tư xây dựng 6 km đường ở đây nhưng vốn thực hiện hàng tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư xây dựng giao cho xã chỉ làm được vài công trình nhỏ. Địa phương có nhiều khó khăn, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc nhà nước nếu huy động vốn đóng góp từ các nhóm hộ thì rất khó vì dân thưa, có thôn chỉ được 30 hộ.
Theo ông Môn, trước mắt nguồn vốn nông thôn mới vẫn cần phải tập trung đầu tư cho làm đường, khu vực có đường giao thông đến nơi thì kinh tế cũng sẽ phát triển hơn. Chỗ nào có đường rồi thì cũng tập trung nâng cấp đường lên, địa hình miền núi dốc đến mùa mưa thì không thể đi được.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn vốn chương trình nông thôn mới chưa có. Ngay như một số xã của huyện Pác Nặm được chọn làm thí điểm giao thông nông thôn của tỉnh cũng đang vướng mắc trong cơ chế thanh toán./.