Bến Tre: Cát tặc vẫn tung hoành trên sông
VOV.VN - Hiện nay tình trạng khai thác cát trên sông tại tỉnh Bến Tre rất đáng báo động.
Khai thác cát không đúng nơi quy định, gần bờ đã gây ra sạt lở bờ sông rạch và gây thất thoát nguồn tài nguyên cát. Nếu như các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân cùng chung tay, trên dưới một lòng, quyết tâm ngăn chặn thì “cát tặc” không còn thao túng trên sông.
Một số phương tiện bơm hút cát sai quy định ở địa bàn giáp ranh giữa Bến Tre- Tiền Giang- Vĩnh Long |
Qua phản ánh của người dân và sau các chuyến đi thực tế chúng tôi đã chứng kiến nạn bơm hút cát vào ban đêm ở tỉnh Bến Tre vẫn ở mức báo động. Điểm “nóng “nhất là tại sông Hàm Luông, đoạn từ các xã Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy (huyện Châu Thành) đến gần chân cầu Hàm Luông. Khu vực này, mỗi đêm có rất nhiều sà lan neo đậu bơm hút cát. Có những tàu sắt tải trọng đến 400-500 tấn cũng tham gia khai thác cát lậu.
Tại bến đò Cây Dương (xã Tân Phú, huyện Châu Thành), gần chân cầu Cổ Chiên (tiếp giáp tỉnh Trà Vinh) hay cửa sông thuộc huyện Bình Đại thường xuyên xuất hiện những “bóng đen” về đêm bơm hút cát. Đa số các phương tiện bơm hút cát không có đèn chiếu sáng hay để ánh sáng lờ mờ vừa đủ để họ hoạt động. Sau gần 2 giờ, những sà lan chứa đầy cát nhổ neo, rồ máy ra đi. Sau đó, có phương tiện khác thay chân vào để hoạt động đến 3-4 giờ sáng.
Cát tặc hoạt động trong đêm tối tại sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre |
Người dân địa phương rất bức xúc nhiều “ổ cát tặc” như bến đò Cây Dương, khu vực xã Tân Phú, Tiên Long có vị trí cách trạm kiểm soát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Bến Tre) chỉ từ 3-4 km nhưng lực lượng này không hay biết.
Ông Võ Duy Linh, ở ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cũng như các hộ dân sống ven sông Hàm Luông rất bức xúc vì cát tặc khai thác gần bờ. Tuyến đê ven sông đã bị sụp lở, ông Linh phải ngậm ngùi vì đang đầu tư gần 200 triệu đồng để làm kè, mong giảm sạt lở.
"Ở đây khai thác cát dữ lắm, còn xảy ra dữ lắm, nhiều chiếc lắm. Vào ban đêm có khi 1-2 giờ, đầu hôm , gần sáng cũng có nữa. Sạt lở dữ lắm, bây giờ lòng sông này sâu lắm. Bờ đê này bị ảnh hưởng vấn đề hút cát dữ lắm. Hồi đó, bờ bao cá nhân tôi nằm ngoài hàng bần còn bây giờ nó vô cỡ 4 mét. Bây giờ nhờ nhà nước can thiệp, không có khai thác cát nữa. Khai thác cát này hoài cái đê sẽ bị “lặng” đó", ông Linh nói.
Sạt lở ven sông tại tỉnh Bến Tre |
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre giao cho công an tỉnh là lực lượng “chủ công” trong công tác tuần tra, xử lý cát tặc. Ở các huyện, xã đều có tổ, đội liên ngành có nhiệm vụ tuyên truyền, tuần tra, xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép trên sông. Tuy nhiên, nhiều thời điểm có kế hoạch ra quân thực hiện công tác này thì lại bị “lộ” thông tin nên trước khi đoàn kiểm tra tới nơi, các tàu cát đã lặng lẽ đi nơi khác hoặc nép vào bờ sông "nằm im". Phải chăng có ai đó đã “bảo kê” cố tình làm lộ thông tin để cát tặc né tránh đoàn kiểm tra ?
Riêng ở cấp xã thì yếu và lực lượng mỏng, thiếu phương tiện; trong khi đó sông rộng lớn, các đối tượng “cát tặc” rất tinh vi nên chỉ làm công tác tuyên truyền là chính .
Ông Nguyễn Anh Quốc, Chủ tịch UBND xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành cho biết, năm qua địa phương chỉ ra quân 12 cuộc, phát hiện 6 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính chỉ trên 5 triệu đồng.
"Hiện nay, các đối tượng này rất tinh vi. Lực lượng chúng tôi ra đi thì bị bể hết. Xã có thành lập các tổ ở các ấp, chủ yếu xua đuổi. Về đẩy lùi các tặc này thì phải cấp tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, người dân cũng hỗ trợ cùng với chính quyền để giải quyết dứt điểm cái này. Đối với địa phương gặp rất khó khăn, nhất là phải thuê phương tiện đi từ 1-2 triệu đồng. Nếu đi mà không xử lý được nộp vào ngân sách để chi trả lại cho lực lượng này thì khả năng của xã rất khó khăn", ông Quốc cho biết.
Bờ Bắc sông Hàm Luông bị sạt lở nghiêm trọng do "cát tặc" ngày đêm tung hoành. |
Trong năm qua, các lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre đã phát hiện hơn 1.800 đối tượng khai thác cát trái phép, xử phạt thu số tiền hơn 16 tỷ đồng. Địa bàn Bến Tre hiện có 2 mỏ cát còn giấy phép khai thác ở huyện Giồng Trôm; trong đó mỏ cát Sông Lam tại xã Thạnh Phú Đông bị người dân phản ứng, không cho doanh nghiệp khai thác cát.
Theo ông Lê Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Bến Tre, tình trạng cát tặc trên sông vẫn diễn biến phức tạp. Địa phương đang quyết tâm ngăn chặn vấn đề này.
"Đối với Bến Tre mà nói là hết cát tặc thì rất khó, nhưng mà phải kéo giảm càng ít càng tốt. Chúng tôi dốc hết các lực lượng làm, bên công an cả lực lượng ở huyện có chỉ đạo, có kế hoạch. Ở xã nào kiểm tra cát không chặt, để xảy ra khai thác cát trái phép trở thì điểm “nóng” thì cấp ủy ở đó phải chịu. Ở huyện nào để xảy ra chuyện đó thì cấp ủy đó phải chịu", ông Đáo nói.
Ông Lê Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-MT tỉnh Bến Tre khẳng định vẫn còn " cát tặc" |
Do cát tặc “hoành hành” chưa được ngăn chặn triệt để nên tình trạng sạt lở bờ sông rạch, khu vực các cồn, cù lao trên sông rất đáng báo động. Toàn tỉnh hiện có hơn 100 điểm sạt lở vừa và lớn cần được khắc phục khẩn cấp, ảnh hưởng đến nơi ở của hơn 1300 hộ dân. Mỗi năm, địa phương chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục sạt lở. Tuy nhiên, khắc phục vừa xong nơi này thì lại xảy ra sạt lở nơi khác.
Người dân Bến Tre tìm cách khắc phục sạt lở. |
Người dân ven sông Hàm Luông tự bỏ tiền túi làm bờ kè chống sạt lở |
Do đó, chống cát tặc ở tỉnh Bến Tre cần được tăng cường, ra quân thường xuyên, nhất là phải xóa được các điểm “nóng”. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát xử lý mạnh tay các đối tượng bơm hút cát trái phép thì việc tổ chức đấu giá đưa vào hoạt động 5 mỏ cát trên sông Tiền, sông Hàm Luông cần được triển khai sớm để giải quyết nhu cầu cần cát của nhân dân. Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi “bảo kê” , buông lỏng để cát tặc hoành hành cần được xử lý kiên quyết./.
Vì sao tồn tại “ổ cát tặc” trên sông Hàm Luông, Bến Tre