Bệnh viện Đà Nẵng: Tình yêu nghề níu chân bác sĩ giỏi
VOV.VN - Thời gian gần đây, tình trạng chảy máu chất xám trong ngành Y ngày càng nhức nhối. Tại thành phố Đà Nẵng, một số bác sỹ giỏi đang làm việc ở các bệnh viện công cũng chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân và đi nơi khác
Trong bối cảnh ấy, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã cố gắng giữ chân bác sĩ, cán bộ y tế bằng những chính sách đãi ngộ cụ thể, luôn quan tâm chăm lo đời sống gia đình, tâm tư tình cảm của anh em và đặc biệt là “nêu cao sự chân tình”. Đến nay, tại bệnh viện này gần như không có tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc đi làm nơi khác mà họ cùng chia sẻ khó khăn để “giữ màu cờ sắc áo ngành Y”.
Bác sĩ Lê Tuấn Anh (33 tuổi), Khoa Ngoại Tiêu hóa – Bệnh viện Đà Nẵng quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau 9 năm học ở trường Đại học Y dược Huế, anh tiếp tục vào thành phố Hồ Chí Minh theo học phẫu thuật tiêu hóa ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kết thúc khóa học, Lê Tuấn Anh được Bệnh viện Đà Nẵng tuyển dụng vào làm việc tại Khoa Ngoại Tiêu hóa. Cho rằng được làm việc trong môi trường hiện đại, tình cảm đồng nghiệp chan hòa và được Ban Giám đốc Bệnh viện thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện giúp đội ngũ y, bác sỹ Tuấn Anh ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật nội soi về gan- mật - tụy.
“Lương thì có lẽ tôi cũng như những người khác thôi nhưng cái niềm đam mê và được thỏa sức niềm đam mê đấy và khi mình mong muốn đi học và được trải nghiệm ở nơi nào đấy đều được sự đồng ý và được hỗ trợ tài chính. Tại vì 1 bác sỹ trẻ như thế mà xin đi học rất khó, đi học tự túc hay được bệnh viện cho đi, kinh phí như thế nào. Tôi may mắn được bệnh viện tạo điều kiện hết sức, chi phí về đi lại, ăn ở, học tập được bệnh viện hỗ trợ tối đa.”- bác sĩ Tuấn Anh cho biết.
Nói về ngành Y và Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Phạm Như Thông, Phó Trưởng Khoa Đột quỵ đã ví nơi đây như “Gia đình thứ 2 của mình”.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế, chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa, cuối tháng 12/2013, Phạm Như Thông được về làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng theo diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Lúc đó, Bệnh viện này chưa có Khoa Đột quỵ. Để chuẩn bị cho việc thành lập khoa chuyên ngành, Bệnh viện đã cử bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu. Sau khi đi học chuyên sâu về bệnh lý đột quỵ và siêu âm Doppler xuyên sọ tại Bệnh viện Nhân dân 115, thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Thông tiếp tục cùng các y, bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tập trung nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp. Từ đó đã giúp nhiều bệnh nhân đột quỵ nhanh chóng phục hồi. Tháng 4/2019, Khoa Đột quỵ - Bệnh viện Đà Nẵng được thành lập, bác sĩ Thông cùng các đồng nghiệp không ngừng trau dồi chuyên môn, học tập tại những cơ sở y tế trong và ngoài nước, các bệnh viện đầu ngành, thường xuyên cập nhật tiến bộ của y khoa.
Bác sĩ Phạm Như Thông cho biết, tại Bệnh viện Đà Nẵng, mỗi bác sĩ đều có cơ hội được đi học tập, đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn. Các y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây luôn nhận được tình yêu thương, giúp đỡ của mọi người.
“Mình làm chung một môi trường bệnh viện nhưng sự gắn kết giữa bác sỹ, anh em với nhau thân thương chứ không phải như những đồng nghiệp một cách khô khan, kể cả Giám đốc, Phó Giám đốc, trong khoa cũng tương tự. Sự kết nối đó giống như một gia đình, khi tới bệnh viện mình cảm giác hạnh phúc, vui, làm hết sức. Kể cả các bạn điều dưỡng trong khoa, khi mình kết nối một cách thân thiết giống như một ngôi nhà thứ 2.”- bác sĩ Thông nói.
Bệnh viện Đà Nẵng hiện có khoảng 2.000 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó, hơn 400 bác sĩ, một nửa trong số này có trình độ sau Đại học. Điều đáng mừng là Bệnh viện này chưa xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”. Theo Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, ngoài các chế độ, chính sách chung của ngành Y tế, thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện cũng quan tâm chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế. Khi bác sĩ đi học xa nhà, Công đoàn Bệnh viện và từng Khoa luôn theo sát, chăm lo, hỗ trợ gia đình để các bác sĩ yên tâm học tập, trau đồi chuyên môn. Ngoài ra, Bệnh viện cũng xây dựng lộ trình phát triển cho tương lai, tạo điều kiện cho các bác sĩ luân phiên đi đào tạo chuyên sâu, ngày càng nâng cao trình độ tay nghề. Bệnh viện từng cử nhiều ê kíp đi học tập chuyên sâu về cấy ghép tế bào gốc, ghép tạng, phẫu thuật tim, đột quỵ, bỏng…
Bác sĩ Lê Đức Nhân cho rằng, Bệnh viện Đà Nẵng đã và đang trở thành một trong những cơ sở y tế được đánh giá cao về chuyên môn trong cả nước, môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại
“May mắn của Bệnh viện Đà Nẵng thì đến thời điểm này không có trường hợp chảy máu chất xám. Thực sự mà nói để giữ chân các bác sỹ giai đoạn khó khăn vừa qua cũng là vấn đề Bệnh viện rất cố gắng. Thứ nhất phải tạo môi trường làm việc phù hợp với từng cá nhân là quan trọng nhất. Phải thực sự phát triển chuyên môn tâm huyết của cá nhân mà họ theo đuổi. Vấn đề là khi mà họ triển khai có Hội đồng chuyên môn đứng phía sau để họ tự tin, giảm áp lực hàng ngày đối với y bác sĩ. Bệnh viện cũng chú ý đến các nội dung liên quan đến cải cách tiền lương cho cán bộ, nhân viên” - bác sĩ Nhân chia sẻ./.