Bình Định giảm gần 4.700 người sau khi sắp xếp lại bộ máy tổ chức
VOV.VN -Đây là mục tiêu mà tỉnh Bình Định đặt ra nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đến năm 2021, tỉnh Bình Định phấn đấu giảm khoảng 2.600 cán bộ công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị và hơn 2.100 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn.
Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương ở tỉnh Bình Định đã và đang tiến hành sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn.
Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định vừa thông qua Đề án "Sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn" |
Đầu tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở hợp nhất 5 trung tâm y tế chuyên ngành. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Bình Định được sắp xếp lại theo Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. 5 đơn vị y tế được sáp nhập gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống rốt rét và bệnh nội tiết, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe.
Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, các đơn vị đang làm thủ tục bàn giao để đến đầu năm 2019, Trung tâm chính thức đi vào hoạt động.
“Khi thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ giảm đầu mối nhưng nhiệm vụ tăng lên. Nếu có một cơ sở đảm bảo công năng hoạt động của Trung tâm kiểm soát bệnh tật sẽ giảm được các cơ sở nhỏ lẻ bây giờ. Nhưng hiện chưa có cơ sở đủ rộng để tập trung về một mối. Sau khi thành lập, bộ phận hành chính và khoa chuyên môn dồn về đây được nhưng mà lấy cơ sở của Trung tâm sức khoẻ sinh sản làm phòng khám đa khoa”, ông Bùi Ngọc Lân nói.
Trung tâm phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết sẽ sáp nhập vào Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định |
Cùng với giáo dục, y tế cũng là ngành có số đơn vị sáp nhập, tổ chức lại bộ máy nhiều nhất ở tỉnh Bình Định. Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, theo lộ trình đến đầu năm 2020, ngành Y tế tỉnh Bình Định sẽ sáp nhập gần 20 đơn vị chuyên ngành y tế trực thuộc, giảm xuống còn một nửa số đầu mối so với hiện tại. Trong đó, sẽ sáp nhập một số bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực vào các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.
Đối với trạm y tế xã, địa phương nào có bệnh viện, trung tâm y tế đóng chân có thể không tổ chức Trạm y tế. Theo ông Lê Quang Hùng, sau khi sáp nhập các đơn vị sẽ giảm số đầu mối, trụ sở làm việc và chức danh lãnh đạo cấp trưởng, phó và tinh giản biên chế. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
“Trước khi làm, chúng tôi đều họp các đơn vị, phổ biến đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức người lao động của đơn vị. Anh em cũng hiểu, thấy việc đó là cần thiết vì bộ máy không thể quá cồng kềnh, tốn kém lãng phí tiền của nhà nước của dân, không hiệu quả thì phải sắp xếp. Quan trọng nhất là chọn bộ máy lãnh đạo sao cho phù hợp. Trong quá trình sắp xếp các vị trí lãnh đạo cũng họp công khai minh bạch. Trong số các Giám đốc đó thì sẽ chọn một người làm Giám đốc, các đồng chí kia làm Phó Giám đốc được phân công các mảng tương ứng. Còn các Phó Giám đốc khác điều xuống làm các Trưởng khoa, phù hợp với chuyên môn”, ông Quang Hùng nói.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định là 1 trong 5 đơn vị y tế chuyên ngành được sáp nhập thành Trung tâm phòng kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định |
Triển khai các Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh Bình Định đã xây dựng đề án và lộ trình thực hiện. Tỉnh đã chuyển 10 đơn vị sự nghiệp sang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Ông Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định cho biết, một số đơn vị đã sáp nhập, sắp xếp các phòng chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp khó khăn. Theo qui định, các cơ quan chuyên môn có phòng ban dưới 5 biên chế phải tiến hành sắp xếp giảm đầu mối, nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể:.
“Mặc dù có hướng dẫn đối với phòng chuyên môn có dưới 5 biên chế phải thực hiện sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối cấp phó, bố trí theo đúng qui định, theo nguyên tắc chuyên môn tham mưu phải nhiều hơn chức danh lãnh đạo. Qua theo dõi, chỉ mới thực hiện tổ chức lại đơn vị dưới 5 biên chế thôi, còn các đầu mối sắp xếp lại có những nhiệm vụ tương đồng, tổ chức theo lĩnh vực đa ngành, đa lĩnh vực cũng chưa sắp xếp được. Về văn bản qui định của Trung ương thì cũng đang chờ”, ông Xuân Long nói.
Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2021 sẽ giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Theo đó, giảm khoảng 2.600 cán bộ, công chức, viên chức và hơn 2.100 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn. Đối với khối Đảng, cấp xã sẽ giảm từ 8 chức danh xuống còn 3 chức danh.
Quá trình sắp xếp ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Vì vậy, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện./.
Tinh giản biên chế máy móc là nguyên nhân khiến thiếu giáo viên?
Đối tượng nào thuộc diện tinh giản biên chế theo NĐ mới của Chính phủ?
Bộ GD-ĐT đưa ra yêu cầu mới về tinh giản biên chế giáo viên