Bình Dương: Rà soát hỗ trợ lao động khó khăn và kết nối đưa lao động trở lại nhà máy
VOV.VN - Đến nay, tỉnh Bình Dương cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh và đang quay trở lại ổn định tình hình sản xuất. Để “giữ chân” được lao động, tỉnh này đã có những chính sách hỗ trợ để người lao động yên tâm, gắn bó.
Trước nỗi lo thiếu lao động trước “làn sóng” di cư, Bình Dương và doanh nghiệp cũng đã có những ưu đãi để thu hút lao động. Về vấn đề này, phóng viên VOV đã trao đổi với ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương.
PV: Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, Bình Dương có rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng. Vậy, thưa ông, việc triển khai chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Bình Dương đến thời điểm này như thế nào?
Ông Phạm Văn Tuyên: Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã thực hiện chi cho các nhóm đối tượng được hưởng theo Nghị quyết 68 trên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn về nhà trọ và mua lương thực thực phẩm với số tiền hơn 2.200 tỷ đồng. Trong thời điểm giãn cách xã hội, các đối tượng được hưởng tiền nhà trọ, nhu yếu phẩm qua thống kê vẫn còn sót, nên tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê danh sách để giúp cho người lao động phần nào giảm bớt khó khăn.
PV: Liên quan đến Nghị quyết 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bình Dương đang triển khai thực hiện như thế nào, đặc biệt là công tác hướng dẫn để các địa phương thực hiện?
Ông Phạm Văn Tuyên: UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thống kê danh sách người sử dụng lao động và người lao động theo các điều kiện yêu cầu của Nghị quyết 116 trên các cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội tỉnh đang có. Theo dữ liệu sơ bộ, gói hỗ trợ cho người sử dụng lao động, tức là giảm đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp thì khoảng 415 tỷ đồng, hỗ trợ cho người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 3.500 tỷ đồng. Hai gói này rất lớn được trích từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động và người sử dụng vượt qua đại dịch lần này.
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương có danh sách từ dữ liệu mình đang có gửi xuống các doanh nghiệp để xác nhận tình trạng người lao động hiện nay đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn trong danh sách quản lý của các công ty, doanh nghiệp. Trường hợp, người lao động không còn làm việc thì cũng đã có sự rà soát thống kê. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến chính sách này xuống doanh nghiệp nắm rõ để phối hợp thực hiện. Cố gắng thực hiện sớm nhất nhưng đảm bảo phải xong trước ngày 31/12/2021.
PV: Hiện nay, dịch bệnh ở Bình Dương cơ bản đã được kiểm soát và doanh nghiệp đang chuẩn bị đi vào hoạt động trở lại. Vậy, vấn đề để ổn định thị trường lao động, đưa người lao động trở lại nhà máy theo đánh giá tổng quan của ông ra sao?
Ông Phạm Văn Tuyên: Những ngày đầu sau ngày 30/9, tức là lúc Bình Dương nới lỏng giãn cách thì một số lượng rất lớn người lao động về quê theo hình thức tự phát, còn những ngày gần đây thì tình hình ổn định hơn.
Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh thì có khoảng 120.000 người ở Bình Dương về quê. Bên cạnh đó, số lượng lao động làm việc “3 tại chỗ”, số lao động đăng ký mới theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, “3 xanh” hơn 400.000 người đã trở lại hoạt động trong các doanh nghiệp. Còn lại lực lượng lao động chưa đi làm khoảng 400.000 người, hy vọng trong thời gian tới với sự trở lại hoạt động của doanh nghiệp thì lực lượng lao động này cơ bản có thể đáp ứng.
Đối với lao động đã về quê, hiện nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh sắp tới ban hành kế hoạch tổ chức thu hút, cũng như đưa họ trở lại Bình Dương để tham gia vào quá trình sản xuất.
PV: Lao động ở lại Bình Dương mà chưa quay lại thị trường lao động thì ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ kết nối để giúp doanh nghiệp có lao động sản xuất và người lao động có việc làm thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tuyên: Để kết nối người lao động trở lại làm việc phải xuất phát từ 2 chủ thể. Trước hết, đối với doanh nghiệp ngoài chính sách phúc lợi cũng phải có kết nối thông tin đối với lao động đã ngừng việc, nắm được thông tin người lao động làm việc cho doanh nghiệp mình đang ở đâu để kêu gọi quay trở lại. Đối với cơ quan Nhà nước, chúng tôi một mặt tuyên truyền người lao động ở tại chỗ và kết nối doanh nghiệp trở lại làm việc.
Hiện nay, có một số lao động dôi dư do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch phải ngừng hoạt động. Để kết nối giữa lao động dư và nhu cầu sắp tới của các doanh nghiệp mở rộng sản xuất cũng là hướng để điều tiết lao động cho phù hợp.
PV: Xin cảm ơn ông./.