Bình phẩm công khai về phụ nữ: Đâu là giới hạn?

VOV.VN - Khi mạng xã hội ngày một phổ biến, dường như việc dè bỉu, buông lời khiếm nhã về nhan sắc phụ nữ đã trở thành một thói xấu khó bỏ của rất nhiều người.

Những ngày gần đây, dư luận dậy sóng với những bình phẩm, nhận xét hay so sánh về người phụ nữ. Những chuyện đùa tưởng như vô hại trên mạng xã hội có thể bị cộng đồng mạng chỉ trích nặng nề, những lời nhận xét, so sánh có thể gây phản cảm, đặc biệt là khi người phát ngôn có tầm ảnh hưởng nhất định với cộng đồng.

Đêm chung kết Hoa hậu Đại dương 2017 đã xướng tên cô gái 22 tuổi Lê Âu Ngân Anh ở vị trí cao nhất. Tuy nhiên, sau đó cô nhận không ít sóng gió từ cộng đồng mạng với những bức ảnh chế về nhan sắc của cô.

 Bức ảnh chế về Hoa hậu Đại Dương 2017
Gần đây nhất, sau khi Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê đăng quang, dư luận dậy sóng không phải vì chuyện cô có xứng đáng với vương miện hay không, mà bởi bài viết của một nam nhà báo về nhan sắc hoa hậu. Trong dòng trạng thái trên trang cá nhân của mình, nhà báo này đã dùng hình ảnh hết sức phản cảm để ví von với ngoại hình H’Hen Niê và có một so sánh rất ác ý khi viết “không cần đuôi có thể vào rừng đàng hoàng hú mà không bị kiện bản quyền”.

Điều đáng nói là không ít người đàn ông đã để lại bình luận tung hô với những ngôn ngữ đầy khiếm nhã.

Ngay sau đó, anh này đã phải xin lỗi vì những pháp ngôn của mình. Bên cạnh đó có những cá nhân ý thức được câu chuyện trên là sai nhưng vẫn có ý kiến thanh minh cho nhà báo này với tư cách là bạn nghề và cho rằng hành vi đó là bộc phát.

Lời xin lỗi của nhà báo đã có lời lẽ khiếm nhã với hoa hậu H’Hen Niê

Những câu chuyện này đã nhắc chúng ta về sự thiếu ý thức trong phát ngôn công khai, điều mà đáng lẽ ra chúng ta cẩn trọng. Nếu như ở nhiều nước trên thế giới, việc bình phẩm công khai về phụ nữ là cực kỳ nghiêm trọng, thế nhưng ở đất nước của chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở những lời xin lỗi mờ nhạt.

Năm 2014, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã có câu nói cho rằng phụ nữ xấu thì sẽ an toàn hơn trong bối cảnh 2 công dân nước Anh bị giết tại Thái Lan, câu nói đã khiến dư luận phẫn nộ. Ngay sau đó Thủ tướng Prayuth đã tổ chức một cuộc họp báo và xin lỗi "vì đã làm mọi người tổn thương".

Năm 2015, Bộ trưởng bộ Quốc phòng Serbia phải từ chức vì xúc phạm một nữ nhà báo khi ông này có phát ngôn rằng “Tôi rất thích những nhà báo nữ quỳ dễ dàng như vậy”.

Và nếu bạn là người yêu nhạc Hàn Quốc thì chắc sẽ nhớ câu chuyện về một rapper bị phạt 1 tỷ đồng khi hát một bài hát có ca từ xúc phạm người phụ nữ.

Xin lỗi, phạt tiền và kỷ luật, đó là những hình thức xử phạt những người có lời nói bình phẩm, xúc phạm người phụ nữ công khai ở các quốc gia trên thế giới.

Còn tại Việt Nam? Có rất nhiều hoa hậu đăng quang trong các cuộc thi. Nếu tính các cuộc thi có quy mô nhỏ hơn từ trường học cho đến các doanh nghiệp, con số sẽ lên đến hàng nghìn.

Có lẽ đây là một trong nhiều lý do dẫn đến hình thành một môi trường, đã tạo cơ hội cho những bình phẩm gồm cả tích cực lẫn tiêu cực đối với phụ nữ.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể dễ dàng gặp những người đàn ông trong buổi “trà dư tửu hậu” lấy thân thể, ngoại hình những người phụ nữ ra để bình phẩm, chế giễu. Trên mạng xã hội, cũng không khó để bắt gặp những bài viết, những dòng bình luận về ngoại hình một người phụ nữ nào đó với những lời lẽ không mấy văn hoá.

Cách đây vài năm, một doanh nhân nữ đã bị chê bai ngoại hình và châm biếm tình yêu với một người đàn ông trẻ hơn. Và rồi hàng loạt bình luận của cộng đồng mạng tát nước theo mưa, thậm chí có không ít bình luận cợt nhả rằng người đàn ông kia yêu nữ doanh nhân vì tiền,... Nhiều người mô tả về một người phụ nữ khác là “máy bay bà già” may vớ được phi công trẻ.

Toạ đàm Bình phẩm công khai về phụ nữ - Giới hạn và đạo lý
Tại buổi toạ đàm Bình phẩm công khai về phụ nữ - Giới hạn và đạo lý, Bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc trung tâm Csaga chia sẻ: “Thứ nhất, tình yêu của người khác không cho phép chúng ta bình luận. Thứ hai, tình cảm thì chỉ hai người biết với nhau và trong tình cảm chỉ cần có sự đồng thuận, nó không có bất kỳ một rào cản nào. Luật pháp không cấm, đạo đức không cấm, vậy thì lý do gì chúng ta lại bình phẩm họ như vậy?”

Giờ đây, với sự phát triển của internet, mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho cái xấu, khi sơ hở của người khác trở thành “miếng mồi” ngon để lên án, chỉ trích, bình phẩm. Không ít người hàng ngày có thói quen thích đùa cợt, chê bai ác ý trên mạng xã hội. Họ không quan tâm tới hậu quả của những lời bình phẩm cay nghiệt.

Nó được phát ra khá thường trực và người nói không cảm thấy có vấn đề gì.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh – giảng viên trường Đại học Ngoại thương nói rằng: “Hình như chúng ta coi những người phụ nữ có trách nhiệm làm vui cho xã hội rồi làm một thứ trang trí gì đó. Vì vậy, tất cả những phát ngôn về phụ nữ đều nhấn mạnh về hình thể. Và chúng ta có những câu nói mà chúng ta nghĩ rằng nó vô hại. Thực tế tôi chưa từng thấy người dân ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nói như vậy mà không bị xử lý cả. Nhưng ở Việt Nam người ta nói hoài và tôi rất ngạc nhiên”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cũng nhấn mạnh: “Con người nói chung đều cần được trân trọng, không chỉ là phụ nữ mà cả nam giới hay bất kỳ một giới nào nữa”.

Ông Đặng Ngọc Quang - Nghiên cứu viên xã hội học Trung tâm RDSC
Ông Đặng Ngọc Quang - Nghiên cứu viên xã hội học nói rằng, khi nhìn vào thực trạng cuộc sống trong xã hội, ông thấy sự xâm hại nhau bằng lời, xâm hại nhau bằng cảm xúc, xâm hại nhau bằng tâm lý cực kỳ phổ biến. Mỗi người có văn hoá riêng, mỗi nhóm người cũng có văn hoá riêng, họ lập ra những nhóm riêng, nói tục chửi bậy và bình phẩm người khác trong đó. Họ có thể cứ sống trong văn hoá của họ ở chỗ riêng, nhưng khi bước ra chỗ công cộng, họ cũng lại mang những thứ đó ra và bộc lộ mình thông qua những cái đó. Nó không chỉ xâm hại cá nhân mà xâm hại cả cộng đồng.

 “Tôi nghĩ rằng đến lúc xã hội Việt Nam nên tiếp cận quyền con người, tự do của mình đến đâu, chỉ nên đến ranh giới không xâm hại đến người khác, hạnh phúc của mình đến đâu nó cũng nên dừng lại ở chỗ không làm những người khác đau khổ” – ông Quang nhấn mạnh.

Là một người nổi tiếng và hứng chịu không ít những lời dè bỉu, bình phẩm từ người khác, MC Phan Anh rất mong muốn có một cơ sở pháp lý để ngăn chặn những điều này.

MC Phan Anh
“Không chỉ riêng những người phụ nữ, cả đàn ông cũng vậy, chính bản thân tôi, có những điều người ta nói sai sự thật, kể cả báo chí viết sai sự thật về mình, trên mạng có vô số những bình luận. Tôi muốn làm tới cùng việc này để người ta hiểu rằng đừng có tiếp diễn nữa. Tôi rà soát lại những căn cứ để bảo vệ quyền của mình, tôi gặp luật sư và người ta trả lời rất mơ hồ. Tôi mà làm thế này tôi mất quá nhiều thời gian để bảo vệ nhân phẩm của mình. Về mặt cơ sở pháp lý của chúng ta hiện nay còn rất yếu và mơ hồ để bảo vệ được điều đó”.

Việc bình luận, thể hiện ý kiến cá nhân trên mạng xã hội là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta cần có trách nhiệm và văn hóa, tôn trọng cá nhân và những chuẩn mực đạo đức, nhất là khi những bình luận đến với cộng đồng qua những phương tiện truyền thông đại chúng. Những sự việc vừa qua cũng là lời nhắc nhở công chúng cẩn trọng và ý thức hơn khi phát ngôn, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không nên ngăn cấm mà cần làm cho mạng xã hội phát triển lành mạnh
Không nên ngăn cấm mà cần làm cho mạng xã hội phát triển lành mạnh

VOV.VN - Không thể ngăn cấm mạng xã hội mà cần tìm cách thích ứng và tận dụng những mặt tích cực để làm cho mạng xã hội phát triển lành mạnh.

Không nên ngăn cấm mà cần làm cho mạng xã hội phát triển lành mạnh

Không nên ngăn cấm mà cần làm cho mạng xã hội phát triển lành mạnh

VOV.VN - Không thể ngăn cấm mạng xã hội mà cần tìm cách thích ứng và tận dụng những mặt tích cực để làm cho mạng xã hội phát triển lành mạnh.

Bị xử phạt vì nói xấu người khác trên mạng xã hội
Bị xử phạt vì nói xấu người khác trên mạng xã hội

Ngày 15/11, Công an TP.Vũng Tàu đã lập hồ sơ xử phạt hành chính đối với Nguyễn Trọng Tuấn (26 tuổi, quê Nghệ An) về hành vi xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức. 

Bị xử phạt vì nói xấu người khác trên mạng xã hội

Bị xử phạt vì nói xấu người khác trên mạng xã hội

Ngày 15/11, Công an TP.Vũng Tàu đã lập hồ sơ xử phạt hành chính đối với Nguyễn Trọng Tuấn (26 tuổi, quê Nghệ An) về hành vi xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức. 

Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội
Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội

VOV.VN -Kết quả khảo sát của ngành giáo dục cho thấy, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh từ 15 đến 18 tuổi đang sử dụng mạng xã hội.

Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội

Chuyên gia lý giải việc nhiều người trẻ nghiện mạng xã hội

VOV.VN -Kết quả khảo sát của ngành giáo dục cho thấy, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh từ 15 đến 18 tuổi đang sử dụng mạng xã hội.