Bitel: Xứng danh Nhà mạng có trách nhiệm xã hội tốt khu vực Mỹ Latinh
VOV.VN -Với mạng lưới hạ tầng cáp quang rộng khắp, Bitel (tên gọi của Viettel Peru) đã tạo nên cuộc cách mạng về giá cước và viễn thông cho người dân Peru.
Viettel Peru với tên gọi Bitel đã giành được sự trân quý của người dân Peru vì những đóng góp quan trọng trong việc phổ cập Internet tốc độ cao đến vùng sâu, vùng xa của nước này.
Từ trái qua: Chủ tịch Ủy ban Giám sát viễn thông Peru Gonzalo Ruiz, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Viễn thông Peru Jose Gallardo Ku, TGĐ Bitel Hoàng Quốc Quyền, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Viễn thông Peru cùng Phó TGĐ Viettel Hoàng Sơn bấm nút khai trương Bitel. |
Chính phủ Peru cũng đánh giá cao Bitel với mạng lưới hạ tầng cáp quang rộng khắp, tạo nên cuộc cách mạng về giá cước giúp người dân Peru được sử dụng dịch vụ viễn thông chất lượng cao, góp phần xoá dần khoảng cách về công nghệ giữa thành thị và nông thôn. Bitel xứng danh Nhà mạng có trách nhiệm xã hội tốt nhất khu vực Mỹ Latinh.
Cạnh tranh theo cách Inca Kola
Ở độ cao gần 3.400m so với mực nước biển, dường như thời gian bay từ Thủ đô Lima đi Cusco ngắn hơn so với những chuyến bay thông thường với khoảng cách 600 km. Chúng tôi hồi hộp lắng nghe cơ thể mình để kiểm chứng lại khuyến cáo của những “hướng dẫn viên du lịch” dày dạn kinh nghiệm Bitel trước khi lên vùng không khí loãng, rất thiếu oxy này.
Thương hiệu Bitel tại Peru. |
Quả thật, khi bước xuống máy bay với chỉ vài bước chân đã xuất hiện một cảm giác choáng nhẹ, những động tác của tay, chân thiếu đi sự linh hoạt thường thấy.
Thay vì chủ động “cài đặt” chế độ ít nói cười, nhẹ nhàng khi vận động, cơ thể tôi đã thiết lập chế độ tiết kiệm oxy tự lúc nào!
Về tới khách sạn, Giám đốc Chi nhánh Viettel Cusco Phùng Việt Khương pha ngay cho mỗi người một cốc nước lá Coca nóng với lời giải thích rất “an thần”, khi uống lá Coca, máu lưu chuyển tốt hơn, qua đó não bộ sẽ được cấp đủ oxy. Uống xong cả cốc lá Coca, mỗi người đều cẩn thận lấy thêm cho mình một ít lá tươi bỏ túi phòng khi khó thở.
Cảm giác choáng nhẹ, khó chịu vì sốc độ cao cứ dai dẳng. Nhưng vây quanh khách sạn là những đồi nhà cổ kính đẹp lịm người, những lễ hội đường phố với đủ sắc màu và thanh âm rộn rã, náo nhiệt…khiến chúng tôi quên đi mình cần vận động nhẹ để tiết kiệm oxy…
Những con người của Viettel Peru làm việc trên những địa hình núi cao, rừng rậm, điều kiện thi công rất khắc nghiệt. |
Đêm về, ai cũng hy vọng sẽ có một giấc ngủ ngon vì đã quen với những thủ thuật tiết kiệm oxy và cơ thể cũng đã phần nào thích nghi với điều kiện khắc nghiệt này. Vậy nhưng nằm mãi giấc ngủ chẳng chịu đến, lan man nghĩ về những vất vả của cán bộ nhân viên Viettel Peru trong nỗ lực phủ sóng ở những vùng cao nguyên dãy Andes này trong nhiều năm qua.
Phùng Việt Khương cho biết, những ngày đầu tới Cusco, các anh gặp rất nhiều khó khăn, làm việc ngày đêm để đảm bảo tiến độ. Sau những nỗ lực không ngừng, đến nay, hạ tầng 3G, 4G tại Cusco được đánh giá là tốt nhất trong các nhà mạng với gần 300 trạm thu phát sóng. Thị phần của Bitel tại Cusco chiếm khoảng 20%.
Cao hơn Cusco cả 1.000m, tỉnh Puno nằm ở độ cao khoảng 4.200m với nhiệt độ bình quân năm 6-8 độ C vào ban ngày và dưới 0 độ C vào ban đêm. Giám đốc Chi nhánh Puno Bùi Thế Hiển cho biết, một số trạm ở vị trí trên 5.000m. Không ít lần, dù còn rất trẻ, các kỹ thuật viên khi lên tới độ cao này, tay lạnh cứng lại, không thể thao tác cho đến khi phải dùng hơi thở của mình làm ấm tay lại.
Giám đốc Chi nhánh Puno Bùi Thế Hiển và đối tác. |
“Với độ cao này, chúng tôi phải nấu ăn bằng nồi áp suất, chứ nấu thông thường, cơm không thể chín được, kể cả rau củ quả cũng phải luộc bằng nồi áp suất” - Bùi Thế Hiển chia sẻ.
Với quyết tâm ở đâu có thể phát sóng, ở đó có dịch vụ Bitel; ở đâu có khó khăn, ở đó chính là cơ hội của Bitel, đến nay, Bitel đã nằm trong top 3 về thị phần trong các nhà mạng tại Puno.
Phân tích về chiến lược cạnh tranh của Bitel, báo Día 1 thuộc thời báo uy tín bậc nhất Peru El Comercio cho biết, Bitel đã thực hiện một điều tương tự như Inca Kola - Hãng nước giải khát thành công vượt Coca Cola tại Peru.
Thương hiệu nước ngọt của người Peru chỉ sau khi hiện diện ở tất cả các tỉnh, mới bắt đầu tiến về thủ đô. Coca Cola không bao giờ đánh bại được Inca Kola nên phải mua lại hãng nước ngọt này.
Chất lượng hướng về khách hàng
Khi đặt chân đến Peru, Bitel xác định tầm nhìn của mình, lấy khách hàng làm trung tâm, luôn cách tân và đổi mới để có chất lượng dịch vụ hàng đầu. Tầm nhìn là vậy nhưng việc thực thi thật sự rất khó khăn vì tỷ lệ sử dụng dịch vụ ở Peru đã bão hoà với những đối thủ rất nhiều kinh nghiệm và tiềm lực tài chính hùng mạnh.
Chuyên viên và thợ kỹ thuật Bitel vượt mọi khó khăn để thi công. |
Đó là nhà mạng Movistar (đứng thứ 8 thế giới), Claro (đứng thứ 9 thế giới) và Entel của một nhà tài phiệt Chile. Hơn nữa, Peru có địa hình phức tạp với diện tích hơn 1,2 triệu km2, rộng gấp 4 lần Việt Nam, trong khi dân số chỉ có khoảng 31 triệu người, được chia làm 3 phần: vùng sa mạc phía Tây, vùng cao nguyên dãy Andes và vùng rừng rậm sông Amazon.
Bitel đã làm khác biệt với các đối thủ, làm nhanh hơn, đi xa hơn, nỗ lực hơn và sáng tạo hơn. Nhờ đó, mặc dù vào sau khoảng 10 năm, Bitel đã trở thành một trong những nhà mạng có hạn tầng lớn nhất Peru với 25.000 km, gấp 1,5 lần so với nhà mạng xếp thứ 2, Movistar; vùng phủ data cũng lớn nhất Peru với gần 5.000 trạm phát sóng 3G và 3.300 trạm phát sóng 4G.
Bỏ qua công nghệ 2G, Bitel đi thẳng lên 3G, 4G và hiện được đánh giá là nhà mạng cung cấp dịch vụ Internet tốt nhất tại quốc gia châu Mỹ này.
Xe của Bitel trên đường đi xây dựng hạ tầng của mạng giữa núi non Peru. |
“Các nhà mạng khác thường chỉ tập trung ở các đô thị, thủ phủ, xây dựng trước 3G, 4G. Còn khu vực nông thôn người ta làm 2G. Nhưng Bitel làm luôn cả 3G, 4G trên toàn lãnh thổ. Bitel hoàn thành việc xây dựng và phát mạng 4G với vùng phủ sóng lớn nhất Peru chỉ trong 9 tháng. Một tiến độ mà theo các bạn Peru là không thể tin được, gây bất ngờ với tất cả các đối thủ” - Tổng Giám đốc Viettel Peru Phan Hoàng Việt chia sẻ.
Với phương châm “giữ vững nông thôn, bao vây thành thị”, từ năm 2018, Bitel tập trung đánh mạnh vào các khu vực thủ phủ, đô thị, đặc biệt là Thủ đô Lima. Người dân Peru giờ đã biết đến Bitel, Bitel là Internet tốc độ cao.
Hơn cả lợi nhuận
Tổng Giám đốc Viettel Peru Phan Hoàng Việt cho biết, hiện nay doanh thu của Bitel đạt 27 triệu USD/tháng, đứng đầu trong 10 thị trường nước ngoài của Viettel. Quy mô doanh thu năm sau tăng gần gấp đôi năm trước.
Ủy viên Trung ương Đảng - Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ và Tổng Giám đốc Viettel Peru Phan Hoàng Việt trong chuyến thăm và làm việc đoàn công tác VOV với Bitel. |
Trong 3 năm liên tục, 2015-2017, Bitel dẫn đầu thị trường Peru về tốc độ phát triển thuê bao. Đến nay, luỹ kế toàn mạng đạt hơn 5 triệu thuê bao, chiếm khoảng 15% thị phần. Tổng đầu tư luỹ kế cho mạng lưới của Bitel gần 500 triệu USD, thấp hơn nhiều lần so với nhà mạng khác.
Tuy nhiên, sau 2 năm kinh doanh, Bitel đã có lợi nhuận dương. Các công ty đầu tư nước ngoài thường đạt kết quả này sau 4-5 năm kinh doanh. Sau hơn 10 năm đầu tư vào Peru khoảng 1,1 tỷ USD, Entel lỗ luỹ kế hơn 500 triệu USD.
Hơn 4.000 trường học Peru được Bitel cung cấp Internet miễn phí. |
Năm nay, Viettel Peru được giao phát triển 1,5 triệu thuê bao, dòng tiền thu về hơn 63 triệu USD. 6 tháng đầu năm, kết quả thực hiện đang bám sát kế hoạch được giao. Hiện nay, mảng dịch vụ Internet cáp quang cho các hộ gia đình tại Peru rất tiềm năng, mật độ thâm nhập chỉ khoảng 30%.
Lợi thế của Bitel là sẵn có mạng cáp trục, do đó việc đưa cáp quang đến các hộ gia đình sẽ dễ dàng hơn so với các nhà mạng khác. Và đây chính là hướng đi mới, giúp Bitel bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Jim Collins, một trong những tác giả của Xây dựng để trường tồn, trong một nghiên cứu lịch sử của các công ty hàng đầu thế giới chỉ ra rằng, khả năng sinh lời là điều kiện cần thiết cho một công ty tồn tại, là phương tiện để đạt được những kết quả quan trọng hơn nhưng nó không phải là mục đích sau cùng ở nhiều công ty hàng đầu.
Lợi nhuận cũng như không khí, thức ăn, nước uống và máu của cơ thể. Chúng không phải là mục đích của cuộc sống nhưng thiếu chúng thì cuộc sống không thể tồn tại được.
Bitel cũng vậy. Họ theo đuổi lợi nhuận nhưng cũng theo đuổi những lý tưởng nhiều ý nghĩa hơn. Tối đa hoá lợi nhuận không là mục tiêu số một của họ, ngược lại họ theo đuổi các mục tiêu đề ra một cách có lợi nhất về kinh tế.
Chị Ximena Duran (ngoài cùng bên phải), một người dân Peru cho biết, những thay đổi mà Bitel mang lại ở Peru là không thể ngờ được!
Bitel, doanh nghiệp viễn thông duy nhất tại Peru, cung cấp Internet miễn phí cho 4.500 trường học với gần 1 triệu học sinh; cung cấp miễn phí dịch vụ cho 112 cơ sở y tế và 166 cơ quan chính quyền địa phương; tạo công ăn việc làm trực tiếp cho gần 1.600 người và gián tiếp cho gần 10.000 người.
Đáng chú ý, trong trận lũ lịch sử tháng 3/2017, Bitel là nhà mạng duy nhất giữ được dịch vụ thông suốt, được tôn vinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Peru.
Chị Ximena Duran, một người dân Peru cho biết, trước khi Bitel tham gia cung cấp dịch vụ, giá Internet tại Thủ đô Lima cao gấp 5 lần so với hiện nay với chất lượng kém hơn, tốc độ mạng rất chậm. Tuy nhiên, việc Bitel tham gia cung cấp dịch vụ với giá thấp hơn, chất lượng tốt hơn đã buộc các nhà mạng khác phải thay đổi theo.
Một hoạt động mang tinh thần Bitel - Viettel.
“Cách đây khoảng 2 năm, để dùng được những gói dịch vụ data, thoại không giới hạn về dung lượng, thời gian, người dân Peru phải chi trả 100 sol (khoảng 700.000 VNĐ). Nhưng hiện tại với mức độ cạnh tranh của các nhà mạng, gói không giới hạn như vậy chỉ khoảng 30 sol. Những thay đổi mà Bitel mang lại ở Peru là không thể ngờ được!” - chị Ximena Duran cho hay.
Với những đóng góp này, Bitel đã vinh dự được nhận giải Bạc ở hạng mục “Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội tốt nhất khu vực Mỹ Latinh năm 2016” của Stevie Adward.
Đang sinh sống và công tác tại Australia, sau khi về Việt Nam tổ chức đám cưới, vợ chồng em Nguyễn Thái Nhật và Diệu Anh có tuần trăng mật tại Peru. Khi lên Cusco, vợ chồng em được hướng dẫn mua sim của nhà mạng Entel. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Nhật cho biết, sóng của Entel rất yếu ngay cả khi xuống các khu vực thấp hơn cả 1.000m, đó là khu du lịch nổi tiếng Machu Picchu.
Vợ chồng nhà Nguyễn Thái Nhật và Diệu Anh sang Peru nghỉ tuần trăng mật đã quá đỗi tự hào khi thấy bước phát triển của một thương hiệu Việt Nam tại quốc gia Nam Mỹ này. |
Riêng vùng Amazon, Diệu Anh tự hào cho hay, khu vực này chỉ có sóng của Bitel: “Em rất ngạc nhiên, tự hào với sự lớn mạnh của Bitel tại một thị trường rất xa xôi như thế này. Trong tiềm thức của em, chỉ có nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vì vậy, một doanh nghiệp của nước ta đầu tư ở nước ngoài và giành được vị thế như Bitel thật sự rất ấn tượng”.
Trong buổi làm việc với Viettel Peru, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ chúc mừng những thành tựu đạt được của Bitel, mong rằng cán bộ nhân viên của đơn vị tiếp tục cống hiến, nỗ lực hơn nữa để đưa thương hiệu hàng Việt Nam phát triển hơn nữa, để Bitel là niềm tự hào không chỉ của người Việt Nam mà còn của chính người dân Peru, qua đó thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Peru.
“Ở trong nước, Viettel là một tập đoàn không ai không biết đến. Thời gian hoạt động của Tập đoàn chưa thật lâu nhưng những thành tựu của đơn vị rất đáng được các Tập đoàn Nhà nước và tư nhân trân trọng, ghi nhận. Với trí tuệ, bản lĩnh, những khát khao vươn lên cống hiến cho đất nước, người Viettel đã tạo dựng được một hình ảnh, một vị trí đáng nể trong các tập đoàn của đất nước” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh./.
Thủ tướng: Việt Nam cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp như Viettel
“Con cưng” đầu tiên của Viettel sẽ lên sàn vào tháng 7
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel