Bờ biển Quảng Nam tiếp tục bị xâm thực sạt lở
VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm đến nay tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực tiếp tục xảy ra nghiêm trọng với cường độ ngày càng mạnh hơn, có thể cuốn trôi nhà cửa, tài sản của người dân ven biển bất cứ lúc nào. Hàng loạt công trình chống xói lở bờ biển đã được đầu tư kinh phí lớn cũng không ngăn được triều cường.
Mới đầu tháng 3 này mà tình trạng xâm thực bờ biển xảy ra dữ dội. Hơn 1km bờ biển Cửa Lở, thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị xói lở nặng. Hàng chục cây dương liễu phòng hộ tại đây bị sóng đánh trơ gốc, nằm la liệt dưới bãi biển.
Sống ở đây lâu nay, ông Nguyễn Hữu Chiến ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành đã nhiều lần phải di chuyển nhà ở vì triều cường: “Tình hình này, thời tiết mà thuận lợi thì nhà tôi may ra còn giữ được một năm nữa. Nếu mùa Đông này dồn dập 2, 3 cơn bão liên tiếp, nước lớn thì có thể cuốn trôi nhà tôi. Một ngày xâm thực 2m là chuyện bình thường. Lúc đi ra biển nước cạn, tôi thả lưới xong đi vào lại thì đường đã không còn nữa”.
Dọc bờ biển Cửa Lở, thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành nhiều căn nhà tạm của người dân dựng nuôi tôm bị sóng biển phá nát, hàng chục ao nuôi tôm của người dân đành bỏ hoang. Nghiêm trọng hơn, khu vực chôn cất mồ mả tập trung chỉ còn cách bờ biển sạt lở gần 10m.
Còn tại thành phố Tam Kỳ, đoạn kè cứng dài hơn 150 mét, rộng 2 mét qua thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh tiếp tục bị sạt lở, sụt lún hư hỏng. Nhiều khối bê tông bung ra nằm ngổn ngang, tạo thành bờ vực cao từ 1m đến 2m. Theo ông Lê Dũng, Trưởng thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, khu vực này có nhiều điểm du lịch cộng đồng gắn liền với các hoạt động lễ hội biển. Chính quyền địa phương đã giăng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm: “Năm 2006, khi xây dựng tuyến kè này thì mọi người dân rất mừng và yên tâm sản xuất. Vấn đề sạt lở này đã làm hư hỏng rất nặng và ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển du lịch của địa phương trong những năm tới đây”.
Tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Quảng Nam diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khu đô thị, khu dân cư. Bờ biển ở thành phố Hội An là nơi xảy ra sạt lở nặng nề nhất. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 tháng 10 năm ngoái, hàng loạt nhà cửa và hàng quán tại khu vực bờ biển Cửa Đại đoạn qua phường Cẩm An, thành phố Hội An bị sóng đánh tan hoang. Những ngày qua, dọc 300 m bờ biển tại đây tiếp tục bị xói lở. Căn nhà của ông Nguyễn Phụng, khối phố Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An năm ngoái bị sụt lún, gia đình vừa mới gia cố thì nay tiếp tục bị xâm thực. Sóng đánh tạo hàm ếch dưới nền khiến ngôi nhà bị sụp, nước tràn vào cuốn trôi đồ đạc.
Ông Nguyễn Phụng thẩn thờ nhìn ngôi nhà hai tầng giờ chỉ sót lại phần nền và bức tường: “Nhiều năm trước cũng có sạt lở ít, không lở như năm nay. Như năm ngoái thì cũng sạt lở khoảng đôi ba mét, còn năm nay gây ra tình trạng sạt lở khoảng 20m, chiều dài khoảng 200m”.
Hơn 10 năm qua, nhiều giải pháp cấp bách đã được tỉnh Quảng Nam triển khai để khắc phục sạt lở bờ biển như xây dựng kè cứng, kè mềm, kè ngầm cản sóng… Nguồn kinh phí đổ xuống đây rất nhiều nhưng không thể cứu vãn được nhiều bãi biển đẹp trước nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi…
Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương đang triển khai các giải pháp cấp bách, ứng phó với tình trạng này: “Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam, trong giai đoạn đến sẽ mời các chuyên gia, tổ chức các đoàn nghiên cứu để đánh giá, xác định được nguyên nhân, từ đó mới đề xuất giải pháp bền vững để bảo vệ bờ biển. Trước hết, phải thực hiện việc cắm biển cảnh báo cho người dân biết khu vực đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đề nghị các địa phương trồng lại các loại cây có khả năng hạn chế sạt lở”.
Tỉnh Quảng Nam đang tiến hành quan trắc, đánh giá hiệu quả bước đầu của công trình tuyến đê ngầm chắn sóng dài hơn 2km tại biển Cửa Đại, thành phố Hội An được xây dựng từ năm 2020. Qua mùa mưa bão năm ngoái, khu vực có đê ngầm ít bị sạt lở và giữ được bãi cát. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là tín hiệu tốt để các ngành chức năng nghiên cứu và tiếp tục đầu tư nối dài tuyến đê ngầm này để bảo vệ bờ biển Cửa Đại và nghiên cứu triển khai tại các khu vực bờ biển khác.
Theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh đã lập xong dự án vay vốn đầu tư xây dựng, bảo vệ bền vững bờ biển Cửa Đại và đang làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) vay hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng đê ngầm 4,5km, tiến hành bơm khoảng 2 triệu m3 cát để tạo bãi.
“Hiện nay, các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án, hoàn chỉnh đánh giá tác động môi trường để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, sau đó sớm tổ chức triển khai thiết kế và thi công sau khi Hiệp định được ký kết với Cơ quan Phát triển Pháp”, ông Thanh nói./.