Bố cầm điếu cày đánh mẹ liệt giường, 20 năm sau con vẫn ám ảnh

VOV.VN -Hình ảnh cha mẹ bạo hành in đậm trong tâm trí các em suốt cả cuộc đời, gây tâm lý lo sợ, buồn chán, có những em không muốn ăn uống, vận động.

Gia đình là nơi quay về sau những áp lực, là chỗ dựa tinh thần, tạo động lực bước tiếp trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được một gia đình hạnh phúc. Những mâu thuẫn nảy sinh giữa cha mẹ là một trong những nguyên nhân gây tâm lý buồn chán cho con cái, điều đó còn tác động đến việc hình thành nhân cách của trẻ sau này.

Bố đánh mẹ, con nhỏ chỉ biết khóc

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Vũ Nam Cường, một thanh niên 26 tuổi, dáng người nhỏ bé, rất hay cười nhưng khi được hỏi tới chuyện gia đình thì mắt lại rưng rưng, giọng nói run run.

Vũ Nam Cường chia sẻ: “Cuộc sống của em buồn lắm. Năm em 7 tuổi, bố em say rượu về sinh nhiều chuyện. Say rượu thì luôn có 1 chủ đề để nói, rồi mẹ em nói lại thì bố đánh mẹ. Có lúc bố cầm điếu cày hoặc cái gì đó đánh mẹ em đến liệt giường”.

Trẻ nhỏ thường bị ám ảnh khi cha mẹ xung đột (Ảnh minh họa)

Nhiều thời gian rảnh rỗi, thường xuyên uống rượu, có khi bố của Cường say cả tháng. Chứng kiến mẹ bị bố bạo hành mỗi khi say, Cường chỉ biết đứng nhìn và khóc vì khi ấy Cường mới chỉ là một cậu bé. Lớn hơn, Cường lên tiếng bảo vệ mẹ, nhưng hình ảnh bố đánh mẹ đã ám ảnh Cường suốt những năm tháng tuổi thơ. Cường sống khép kín, tự ti trước bạn bè.

Tâm lý đó cũng giống với bạn Nguyễn Thị Khánh, học sinh lớp 12A6, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Hà Khẩu, thành phố Hạ Long. Là con một, không thiếu thốn về vật chất, nhưng ngay từ bé Khánh đã phải chứng kiến những cuộc cãi vã của bố mẹ.

“Khi em được 4 tuổi thì giữa bố mẹ xảy ra những mâu thuẫn bất hòa. Ngày nào bố mẹ em cũng cãi nhau, ngay cả vì những chuyện nhỏ nhặt nhất. Và bố em đã đánh mẹ em, lúc đó em cảm thấy rất sợ, không biết nên làm gì, nên vào can hay gọi người tới giúp và khi đó cũng chỉ biết ngồi trong góc và khóc” – Khánh nói.

Nỗi hoang mang, lo sợ dần hình thành và thường trực trong Khánh: “Từ khi bố mẹ em xảy ra mâu thuẫn như thế, em thấy sợ bố hơn và không dám gần. Em thấy thương mẹ, lúc nào cũng chỉ đi cạnh mẹ, em chỉ sợ đang ngồi cạnh mẹ, bố mẹ em lại chửi nhau và bố em lại đánh mẹ”.

Bạo lực gia đình, nạn nhân là con cái

Khi nói đến bạo lực gia đình, người ta thường liên tưởng đến nạn nhân là phụ nữ. Nhưng thực tế, chính những người con mới là nạn nhân bị tổn thương nặng nề nhất khi phải chứng kiến mâu thuẫn của cha mẹ. Những hình ảnh bạo hành đó sẽ ám ảnh, thậm chí in đậm trong tâm trí các em suốt cả cuộc đời, gây tâm lý lo sợ, buồn chán, có những em không muốn ăn uống, vận động.

Do đó, mọi sinh hoạt của trẻ đều bị ảnh hưởng. Đồng thời, sự căng thẳng tinh thần làm cho các cơ quan trên cơ thể trẻ có những rối loạn, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.

Và nặng nề hơn là những tổn thương về tâm lý cũng như sự hình thành nhân cách của trẻ, như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Bính Thìn, trưởng Ban gia đình- xã hội, hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh: “Việc bạo hành trong gia đình lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho các em cảm thấy chai lì, có bạn rơi vào trạng thái lãnh cảm, trầm cảm. Có những trường hợp các em quá đau khổ mà không tìm được lối thoát cho bản thân mình cũng như cách giải quyết mâu thuẫn trong gia đình và cảm thấy cô độc, có những hành vi tiêu cực dẫn đến tự tử. Còn việc các em buồn chán, lơ là học hành, nhiều bạn trai trở nên bướng bỉnh, gằn gọc, hay gây gổ với người khác. Các bạn gái có vẻ sống thu mình hơn, xa lánh mọi người vì sợ bị soi mói, thấy tự ti… làm ảnh hưởng đến kết quả học hành, đến việc hình thành phát triển nhân cách”.

Tuy nhiên, với nỗ lực của bản thân, với cái nhìn tích cực, những “nạn nhân” trong các gia đình bị bạo hành đã có những hoạt động thiết thực để lấy lại niềm tin, tạo niềm vui trong cuộc sống sau những tổn thương tâm lý.

PV ghi lại một số chia sẻ của các em:

- “Khi học xong cấp 3, đầu tiên em học cách giao tiếp, sau đó học nghề. Em  tham gia một nhóm từ thiện ở Quảng Yên, đi theo các anh chị được một thời gian cũng không ngắn. Em giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để họ vươn lên trong cuộc sống. Em là người hay cười và luôn tạo cho mọi người sự vui vẻ”.

- “Em cảm thấy mình không thể lúc nào cũng buồn, cũng xa lánh bạn bè hay trầm cảm được, mình lớn rồi phải tập sống tự lập. Đi học lúc nào em cũng cười như gia đình mình không có chuyện gì xảy ra. Em tích cực tham gia các hoạt động ở trường, các buổi văn hóa, văn nghệ hoặc hoạt động cộng đồng. Em đã chọn cách đi làm để có thể giúp mẹ, không phải xin tiền mẹ đóng tiền học, tiền ăn sáng hay mua quần áo. Em chú tâm vào đọc sách hơn hay nói chuyện với bạn bè để quên đi những nỗi buồn”.

Gia đình là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Môi trường và phong cách giáo dục trong gia đình, cách ứng xử của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách cho con cái. Trong các gia đình có bạo hành, trẻ em bị tổn thương và có ấn tượng xấu rất khó phai mờ trong tâm trí.

Giải quyết những mâu thuẫn giữa cha mẹ để tìm được tiếng nói chung sẽ mang lại không khí hòa thuận trong gia đình và quan trọng nhất là con cái được sống vui vẻ, hạnh phúc và có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện nhân cách./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cứ 2 -3 ngày có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình
Cứ 2 -3 ngày có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình

VOV.VN -Bạo lực gia đình đang ở mức báo động khi có tới 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực.

Cứ 2 -3 ngày có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình

Cứ 2 -3 ngày có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình

VOV.VN -Bạo lực gia đình đang ở mức báo động khi có tới 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực.

Giảm thiểu bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn
Giảm thiểu bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020".  

Giảm thiểu bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn

Giảm thiểu bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn

VOV.VN - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020".  

Đánh ghen, 4 phụ nữ thi nhau làm nhục 1 cô gái trẻ
Đánh ghen, 4 phụ nữ thi nhau làm nhục 1 cô gái trẻ

Thấy cô gái trẻ đang ở trong siêu thị, các đối tượng kéo chị T.A. ra ngoài, thay nhau đánh đập, giật tóc, xé áo của nạn nhân.

Đánh ghen, 4 phụ nữ thi nhau làm nhục 1 cô gái trẻ

Đánh ghen, 4 phụ nữ thi nhau làm nhục 1 cô gái trẻ

Thấy cô gái trẻ đang ở trong siêu thị, các đối tượng kéo chị T.A. ra ngoài, thay nhau đánh đập, giật tóc, xé áo của nạn nhân.