Bộ GTVT chưa trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thu phí cao tốc Bắc-Nam
VOV.VN - Việc không bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV nhằm tránh trùng lặp với nội dung dự án Luật Đường bộ.
Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chưa báo cáo Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về dự thảo nghị quyết riêng liên quan đến thu phí dịch vụ đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT tập trung xây dựng và có tờ trình gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Nội dung thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được đề cập trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới đây. Tuy nhiên, xét thấy nội dung này đã được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ và sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, việc này nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh một nhiệm kỳ trình cấp có thẩm quyền xem xét hai nội dung và tránh tình trạng một chính sách có hai văn bản, Bộ GTVT đã kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội lần này chỉ trình xem xét nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Đường bộ.
Trước đó, Bộ GTVT đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư.
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết trong đó cho phép thu phí sử dụng đường bộ đối với toàn bộ các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư theo cơ chế phí (Bổ sung Danh mục Phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí một khoản phí mới: “Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư”).
Dự thảo Nghị quyết quan trọng này gồm 4 điều: Điều 1 - Nhà nước thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư; Điều 2 - Bổ sung Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13; Điều 3 - Tổ chức thực hiện và Điều 4 - Điều khoản thi hành.
Bộ GTVT cho biết, trong danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ chưa có quy định về phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư (bao gồm cả các đoạn đường bộ do Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông).
Do đó, để thu phí sử dụng đường bộ thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, cần phải báo cáo Quốc hội để Quốc hội chấp thuận chủ trương.
“Sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương thu phí, các cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan làm cơ sở triển khai thực hiện”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Trong trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, UBND các tỉnh xác định cụ thể các đoạn tuyến đường bộ cao tốc thực hiện thu phí; xây dựng đề án khai thác theo quy định làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Về mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị xác định trên ba nguyên tắc cơ bản: phù hợp với lợi ích của người sử dụng đường cao tốc; được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí bảo trì dự án và hoàn vốn đầu tư; được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội theo từng khu vực.
Số tiền phí thu được được nộp ngân sách nhà nước và sử dụng theo quy định pháp luật về ngân sách, trong đó ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hỗ trợ các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi phân lưu khi các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác (so với điều kiện hợp đồng dự án ban đầu).
Về cơ chế phân chia nguồn thu phí giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, Bộ GTVT đề xuất số tiền phí thu được trên từng tuyến cao tốc được nộp vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tham gia dự án đầu tư tuyến cao tốc đó.
Tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết để thực hiện mục tiêu 5.000km đường cao tốc, ước tính nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành hơn 2.000km và khởi công 925km sẽ cần tới 239.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.
Với yêu cầu ngân sách Nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên xây dựng chính sách để ngân sách Nhà nước có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.
Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật.
Những năm qua các tuyến đường do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm mới cơ bản đáp ứng được chi phí quản lý, khai thác và một phần chi phí bảo trì.
Dự kiến đến 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách đi vào hoạt động, ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 9.000 tỷ đồng (bình quân hơn 1.800 tỷ đồng/năm).
Qua tính toán, Bộ GTVT cho rằng phương án thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư qua trạm thu phí theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao.