Đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Đừng để "trăm dâu đổ đầu tằm"
VOV.VN - Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cần phải tính toán thu phí làm sao hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Nghĩa là cả hai cùng được lợi.
Bộ GTVT sẽ hoàn thiện đề án thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư
Bộ GTVT vừa có đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo Bộ GTVT, tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) được Đại hội XIII của Đảng thông qua đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc” trong tổng số 9.014km (41 tuyến) đã được quy hoạch đề ra.
Để thực hiện mục tiêu đó, việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, theo ước tính ban đầu nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043km và khởi công 925km đường cao tốc.
Trong thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã có yêu cầu nghiên cứu thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.
“Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết: việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là đề xuất được bộ này đưa vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ.
“Trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng, để đầu tư cho hạ tầng cần huy động rất nhiều phương thức, trong đó có phương pháp Nhà nước đầu tư xây cao tốc rồi thu phí để hoàn vốn”, ông Huy cho biết.
Đối với Việt Nam, ông Huy cho hay, hiện nay nhu cầu đầu tư hạ tầng đường bộ cao tốc rất lớn. Dự kiến đến năm 2025 cần khoảng hơn 900.000 tỷ đồng. Do vậy khi quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường cao tốc, đều là dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu giải pháp để đầu tư xong thu phí và hoàn vốn.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT xây dựng đề án và đề xuất đưa quy định thu phí vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ.
“Khi Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới thì song song có các tuyến đường quốc lộ. Người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc hoặc đường quốc lộ”, ông Huy nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định, sẽ tính toán mức thu phí một cách khoa học, minh bạch, đảm bảo chi trả của người dân. Cùng với đó, tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, từ các chi phí nhiên liệu, chi phí vận hành…
Về sử dụng nguồn thu phí, ông Huy cho biết sẽ nộp ngân sách, phục vụ đầu tư hạ tầng và các nhiệm vụ chi khác của Trung ương.
Còn mức thu phí thế nào, mỗi dự án đều đánh giá tác động, lợi ích mang lại và đánh giá khả năng chi trả của người dân, trên cơ sở đó mức phí phải xây dựng một cách khoa học và có lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
Ai hưởng lợi khi thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư?
Trước khi đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận. Nhiều người bày tỏ, nếu thu phí cao tốc thì phải bỏ phí bảo trì đường bộ và cần phải minh bạch rõ nguồn thu, công khai trên bảng điện tử.
Anh Trần Duy Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ, thực tế thì xe tải của gia đình anh vẫn đang phải đóng phí bảo trì dường bộ hàng năm, nhưng cũng có đi được mấy đoạn đường không phải thu phí đâu. Biết rằng ngân sách Nhà nước hạn hẹp, mình kinh doanh vận tải phải nộp phí là đương nhiên, nhưng làm sao để “trăm dâu không phải đổ vào đầu tằm”.
“Tôi không phản đối, đi dường đẹp, đường cao tốc phải mất phí là đương nhiên. Nhưng nên tính toán mức phí phù hợp với người dân. Có thể thu mức phí thấp, nhưng thu kéo dài thời gian cũng là cách giảm thuế phí cho người dân, chủ xe như chúng tôi”, anh Thanh đề xuất.
Theo chuyên gia giao thông-TS. Nguyễn Hữu Đức, việc chúng ta đang thiếu nguồn vốn để đầu tư các tuyến cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt là rất rõ rồi. Giờ bàn về thu phí như thế nào để hào hòa, theo cơ chế “win-win” cần phải lảm rõ.
"Trước đây, chúng ta đã có quy định rõ về việc đường cao tốc và đường quốc lộ riêng biệt rồi. Do đó, việc thu phí trên đường quốc lộ khác với đường cao tốc", TS. Nguyễn Hữu Đức cho hay.
Nếu xét về mặt lý thuyết, khi thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ là "phí chồng phí'. Do đó, điều quan trọng nhất với người dân là phải thu phí làm sao hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Nếu thu phí cao tốc thì Nhà nước phải đảm bảo có đường khác cho họ đi khi họ không muốn đi vào cao tốc.
"Làm kiểu gì thì người dân sẽ có hai sự lựa chọn: Một là đi vào cao tốc bị mất phí; Hai có được khác để khác để người dân đi khi không muốn đi vào cao tốc", TS. Nguyễn Hữu Đức nói.
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc di chuyển trên các tuyến cao tốc, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng dịch vụ chất lượng, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh. Ngược lại khi không đi vào cao tốc, doanh nghiệp không mất phí cao tốc nhưng tăng chi phí nhiên liệu, thời gian, giảm hiệu quả kinh doanh.
"Cần có quan điểm rõ ràng như thế này để người dân, doanh nghiệp có sự lựa chọn khi tham gia giao thông", TS. Nguyễn Hữu Đức góp ý.
Một số chuyên gia về kinh tế, giao thông cho rằng, việc thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là việc cần thiết và là theo đường hướng đã vạch ra từ hàng chục năm nay.
Việc này không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay ở các quốc gia kinh tế phát triển thì ngân sách Nhà nước cũng không đủ để chi tiêu cho các tuyến đường bộ cao tốc và buộc phải tính toán đến việc thu phí đường bộ cao tốc mà Nhà nước đầu tư.
Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục phát triển các tuyến đường bộ cao tốc cũng như phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách toàn diện, đảm bảo giải quyết những nút thắt, ách tắc về giao thông vận tải, tạo đà cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.
Các tuyến cao tốc được chọn bao gồm tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cùng với 8 đoạn tuyến cao tốc thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (gồm: Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2).
Thời gian thực hiện thí điểm được Bộ GTVT kiến nghị áp dụng cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm kể từ thời điểm đoạn/tuyến đường bộ được triển khai thu phí. Sau thời gian thí điểm thu nêu trên, sẽ có đánh giá, tổng kết đề xuất cơ chế phù hợp.
Mức thu phí 9 tuyến cao tốc này sẽ được xác định trên 3 nguyên tắc gồm: mức thu phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; mức thu được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; mức thu được tính toán theo từng đoạn/tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực.
Về phương pháp tổ chức thu, Bộ GTVT kiến nghị áp dụng toàn diện thu phí không dừng, đa làn liên thông giữa các đoạn/tuyến cao tốc, giữa các dự án do Nhà nước đầu tư và các dự án PPP. Số tiền thu được sau khi trừ chi phí tổ chức thu, sẽ nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương theo phương án đầu tư khai thác).