Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nâng chuẩn trợ giúp xã hội từ ngày 1/7/2024
VOV.VN - Dự thảo đề xuất hai phương án nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.00 đồng lên 500.000 đồng hoặc cao hơn là 750.000 đồng/tháng và bổ sung 3 nhóm đối tượng thụ hưởng chế độ, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Nghị định 20 về chính sách trợ giúp xã hội, với nhiều nhóm được bảo trợ từ ngân sách nhà nước. Dự thảo đề xuất hai phương án nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.00 đồng lên 500.000 đồng hoặc cao hơn là 750.000 đồng/tháng và bổ sung 3 nhóm đối tượng thụ hưởng chế độ, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024.
Nghị định 20 thực thi từ tháng 7/2021, quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/người/tháng. Mức chuẩn này là căn cứ xác định trợ cấp cho người già trên 80 tuổi không hưu trí, trợ cấp nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và kinh phí chăm sóc một số nhóm đặc thù khác. Chính sách hiện hỗ trợ hơn 3,3 triệu người già trên 80 tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật...
Theo ông Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ LĐ-TB&XH), mức chuẩn trợ giúp như hiện hành quá thấp, chỉ bằng 24% so với chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2022-2025 (hiện là 1,5 triệu đồng/người/tháng). Trong khi đó, 10 năm qua, lương cơ sở đã điều chỉnh 6 lần nhưng chuẩn trợ giúp xã hội chỉ tăng 2 lần. Vì vậy, trong quá trình triển khai Nghị định số 20 cho thấy có nhiều vấn đề nảy sinh, nên Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức đánh giá, rà soát để nghiên cứu trình sửa đổi.
“Sửa đổi Nghị định số 20 đã lấy được ý kiến của các Bộ, ngành, hiện nay Bộ đang tổng hợp để hoàn thiện. Trong đó, cũng đã đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/người/tháng. Mức này theo tính toán hiện nay bằng khoảng 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn, kinh phí dự kiến bố trí hàng năm sẽ khoảng 37.000 tỷ đồng. Tức là tăng khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Nếu phương án này được phê duyệt và thực hiện từ ngày 1/7/2024, ngân sách sẽ cần tăng thêm của năm 2024 là 4.700 tỷ đồng”, ông Thanh cho hay.
Cũng theo tính toán của ông Thanh, ở phương án thứ hai là tăng mức trợ cấp từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng/người/tháng, với mức này tương đương khoảng 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn và kinh phí một năm dự kiến sẽ là khoảng 54.000 tỷ đồng. Tức là phải bố trí tăng thêm so với hiện tại khoảng 26.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện phương án này từ ngày 1/7/2024, ngân sách sẽ cần tăng thêm của năm 2024 là 13.000 tỷ đồng.
Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Hoàng Vĩnh Thanh cũng cho biết, ngoài việc kiến nghị sửa đổi nâng chuẩn mức trợ giúp, Bộ còn đề xuất mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội trong thời gian tới. Phương án Bộ đang nghiên cứu để trình Chính phủ là ngoài việc tăng mức theo phương án 1 và bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng so với quy định của Nghị định 20. Đó là: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người nuôi dưỡng; đối tượng trẻ em dưới 3 tuổi; đối tượng người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
“Nếu như vừa nâng mức trợ cấp và mở rộng đối tượng thì nhu cầu kinh phí tăng thêm cũng vào khoảng 17.000 tỷ đồng từ năm 2024. Tuy nhiên, liên quan đến kinh phí và nó có nhiều tác động, nên Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục lấy ý kiến của Bộ Tài chính để xem xét và thống nhất. Nếu sau khi thống nhất với các phương án đề xuất, sẽ sớm trình Chính phủ và dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2024”, ông Thanh thông tin.
Nếu chính sách được thông qua, chuẩn trợ giúp xã hội có thể được lấy làm cơ sở tính hưởng chế độ cho một số nhóm đối tượng theo đề xuất trong Luật Bảo hiểm xã hội, như trợ cấp hưu trí xã hội cho người già trên 75 tuổi không lương hưu; trợ cấp hàng tháng cho người hết tuổi lao động dưới 75 tuổi nhưng chưa đủ năm đóng BHXH.
Việt Nam có hơn 14,4 triệu người già sau tuổi lao động, nhưng chỉ 5,1 triệu người được hưởng an sinh từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước bao phủ khoảng 35%. Còn hơn 9 triệu người không có lưới an sinh hỗ trợ, dự báo tăng lên 13 triệu người vào năm 2030.