Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi nữa
VOV.VN - Câu chuyện của bão Yagi đã cho bài học là phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngành nông nghiệp nhằm thích ứng bền vững. Những chiếc lồng bè ở Vân Đồn, Quảng Ninh cần chắc chắn hơn và những bến cảng cần chống chịu được những hình thái cấp độ giông bão cao hơn.
Từ bão Yagi, cần nâng cấp tư duy về thảm họa, thiên tai
Giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cuối giờ chiều nay (4/11), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, qua bão Yagi có thể thấy biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi nữa.
Ngay cả những quốc gia trong thời điểm đó như Hoa Kỳ, châu Âu, những quốc gia có tiềm lực về khoa học - công nghệ, ứng phó thiên tai hay tiềm lực kinh tế thế nào cũng phải chống chịu với những thảm họa, những cú sốc của thiên tai.
“Có những thời điểm rất khó khăn. Có vấn đề ở những thời khắc có thể là lịch sử đối với chúng ta để phân vân những giải pháp. Như Thủ tướng nói, có những thời điểm không có giải pháp nào hoàn hảo, chỉ một giải pháp lựa chọn để sự thiệt hại thấp nhất”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo tư lệnh ngành NN&PTNT, cơn bão Yagi một lần nữa cho thấy chúng ta phải nâng cấp tư duy nhìn về thảm họa, thiên tai ở một cấp độ cao hơn và xử lý những tình huống cao hơn, kể cả về hạ tầng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch các địa phương ven biển, các không gian bị chia cắt ở vùng miền núi, trung du phía Bắc. Ngoài ra, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực để chúng ta chuyên nghiệp hơn.
Trả lời những ý kiến của đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Nguyễn Thu Hà (Ninh Bình), Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) về Nghị định 02 về hỗ trợ bà con. Bộ trưởng cho biết đã trình với Thủ tướng chia làm 2 nghị định, một nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai cũng như dịch hại thực vật và một nghị định liên quan tới dịch bệnh trên động vật.
Theo Bộ trưởng, cần thiết kế chính sách để không bị lợi dụng chính sách, không bị trục lợi cũng như không làm cho những người thiệt hại khó khăn, vì đây là vấn đề rất lớn.
Ngoài ra, vì nguồn lực có hạn nên phải thiết kế lại những chính sách đó. Một là nâng mức hỗ trợ lên, hai là cho phép các chính quyền địa phương thông qua Hội đồng nhân dân có thể hỗ trợ nhiều thêm để các địa phương có điều kiện hỗ trợ cho bà con một cách kịp thời.
Liên quan tới phát triển thủy sản bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, hôm nay (4/11) Thủ tướng ký Công điện số 111 về tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để phát triển thủy sản bền vững.
Sớm tháo gỡ thẻ vàng
Vấn đề phát triển bền vững về trữ lượng tài nguyên biển là quan trọng. IUU là một bước để chúng ta tiến tới sự phát triển bền vững, vì 3 hành động bất hợp pháp, không đúng quy định, không khai báo đều nằm trong Điều 10 của Luật Thủy sản năm 2017, nghĩa là luật pháp cũng đã quy định 3 hành vi đó nhưng rất nhiều lý do mà chúng ta không thực thi.
"Một lần nữa chúng ta xem lại tổ chức thực thi ở các cấp chính quyền. Đây cũng là một thời khắc rất khó khăn, như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chúng ta cố gắng sớm tháo gỡ thẻ vàng.
Tôi khẳng định những khuyến cáo của EU đã được cải thiện rất nhiều, đây là công sức của cả một hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như của lãnh đạo các địa phương. Điều này đã được đoàn thanh tra EU ghi nhận, chúng ta phải cùng nhau hợp lực lại ở khoảng thời gian cuối cùng này”, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.