Bộ từ điển Czech-Việt: “Sách giáo khoa” về tình bạn
VOV.VN -Hai người bạn: một Việt, một Czech. Họ cùng “nắm tay nhau” để cùng làm nên Bộ đại từ điển giáo khoa Czech-Việt.
Ông bạn Tây rất sành tiếng Việt
Nói về tình bạn hơn 40 năm của mình với ông Ivo Vasiljev (80 tuổi, người Czech), ông Nguyễn Quyết Tiến (68 tuổi, Cộng đồng người Việt ở Czech) nói rằng, có lẽ đó là do cơ duyên.
Đến năm 1972, ông Tiến được Đại sứ quán Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam (ở Tiệp Khắc cũ) mời làm phiên dịch.
“Đối với tôi, một người học kỹ thuật, việc dịch cũng không dễ dàng và gặp nhiều từ ngữ khó giải nghĩa. Trong lúc bối rối đó, anh Ivo đã giúp đỡ tôi rất nhiều”, ông Tiến nhớ lại.
Ấn tượng đầu tiên của ông Tiến về người bạn Tây là khả năng nói tiếng Việt rất “sõi”. Rồi qua nhiều lần trao đổi, gặp gỡ mối thâm tình giữa hai người bắt đầu nảy nở.
Sau này, khi chưa định cư ở Czech, mỗi khi có chuyến công tác sang đây, người đầu tiên ông Tiến tìm gặp là ông Ivo Vasiljev.
Nhận xét về người bạn Tây, ông Tiến cho hay, ông Ivo giỏi tiếng Việt, yêu Việt Nam.
Trước đây, ông Ivo vốn học về môn Triều Tiên học ở đại học Tổng hợp Praha.
Ông Ivo nghiên cứu tiếng Việt, văn hóa Việt Nam. Tiếng Việt, Việt Nam trở thành lẽ sống của đời ông.
Ông Ivo dịch rất nhiều tài liệu về Việt Nam, phiên dịch rất nhiều cuộc họp thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước trong các hội nghị ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ông có cả công trình nghiên cứu về chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam thời điểm đó.
Kết quả nghiên cứu của ông được trình bày ở nhiều nước để mọi người hiểu tại sao ở Việt Nam lại có chiến tranh? Đường lối của Chính phủ Việt Nam và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam như thế nào?...
Với ông Ivo, hàng chục năm gắn bó với Việt Nam, ấn tượng sâu sắc nhất của ông là một tuần phục vụ đoàn đại biểu Tiệp Khắc làm việc với đoàn đại biểu Việt Nam.
Lúc đó ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đấy là vào tháng 10/1966.
“Tôi có học và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Lúc đó tôi đã đọc về Bác Hồ, về các đồng chí lãnh đạo Việt Nam qua tài liệu. Lần đầu tiên gặp Bác Hồ, tôi rất xúc động. Bác chú ý đến mọi người dù là hành động nhỏ nhất. Tôi hết sức kính trọng Bác”, ông Ivo kể lại.
Và từ lòng kính trọng, ông nghiên cứu nhiều về Bác Hồ, dịch nhiều tác phẩm của Bác sang tiếng Tiệp Khắc, trong đó có cuốn Nhật ký trong tù.
Bộ đại từ điển của tình bạn
Nói Bộ đại từ điển Czeh- Việt, người bạn Tây khẳng định: “Anh Tiến là người nảy sinh ý tưởng làm từ điển”.
Sau khi tốt nghiệp xong môn điều khiển học, lao vào cuộc sống, cũng có lúc thử làm kinh doanh, nhưng ông Tiến thấy mình không có duyên, thế là ông chuyển sang dạy học.
Trong quá trình dạy, ông Tiến nhận thấy còn thiếu một tài liệu quan trọng để giải nghĩa tiếng Việt sang tiếng Czech.
Nhớ lại thời học môn điều khiển học trường Đại học Bách Khoa Praha, ông Tiến có một quyển từ điển Việt - Czech rất hay của thế hệ sinh viên Việt Nam đi trước để lại.
Nhưng, so với thời điểm bây giờ, cuốn từ điển đấy đã trải qua hơn 50 năm, nhiều từ ngữ đã lỗi thời.
Ông Tiến nghĩ, cần phải phát triển lên nhiều hơn nữa để phục vụ Cộng đồng người Việt.
“Lúc đầu tôi nghĩ sẽ viết một cuốn từ điển song ngữ Việt – Czech với trình độ gấp 2-3 lần cuốn từ điển thời tôi còn đi học. Qua trao đổi với anh Ivo, chúng tôi thấy cần phải viết đầy đủ hơn. Khi bắt tay vào làm, tôi không bao giờ nghĩ, chúng tôi lại có thể viết lên Bộ đại từ điển giáo khoa Czech- Việt như bây giờ”, ông Tiến chia sẻ.
Nhớ lại ngày đầu thử bắt tay vào làm từ điển, ông Tiến nói, người có thể “chung lưng đấu cật” với ông làm cuốn từ điển chỉ có thể là Ivo Vasiljev.
Ông Tiến nghĩ, ban đầu, người bạn Tây chưa có ý định hợp tác với ông, nhưng ông vẫn gửi 1-2 trang đầu tay nhờ góp ý.
Kết quả ông Tiến nhận lại nhiều hơn mong đợi, đó là ông Ivo viết thư lại “biếu” ông một “cặp từ”.
Đấy là một cặp từ rất khó trong tiếng Czech. Cũng từ phân tích của ông Ivo, cách làm từ điển của ông Tiến rẽ sang hướng khác.
Hai người bắt đầu lao vào nghiên cứu và làm việc. Họ tận dụng mọi thời gian có thể để hoàn thành công việc của mình, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Ông Tiến và ông Ivo vẫn nói vui, ngoài chuyện trao đổi qua thư điện tử, hai người còn có hẳn một văn phòng ở ga tàu điện ở Praha.
Nhà ông Ivo cách thủ đô Praha 180km. Mỗi chuyến ông từ nhà lên Praha họp ở viện ngôn ngữ hai người lại tranh thủ gặp nhau ở ga chính Praha.
“Ở ga chính có một chỗ ngồi rất đẹp. Tại đây chúng tôi đem tài liệu ra bàn bạc với nhau. Chúng tôi rất tranh thủ”, ông Tiến nói.
Chuyện làm từ điển, có rất nhiều điều thú vị:
“Vần N chúng tôi gọi là các nàng. Vần M gọi là các em. Mỗi ngày chúng tôi gửi cho nhau 45 mục từ. Tôi nhắn trong thư: “Gửi cho anh một Em”, ông Tiến chia sẻ.
Bức thư trả lời của ông Ivo hết sức dí dỏm: “Em này cũng ngoan mà chưa được”.
Theo dự kiến, bộ đại từ điển gồm 6 tập. Đến nay đã ra mắt 2 tập. Tập 3 của cuốn từ điển sắp hoàn thành.
Nhớ lại ngày đầu làm từ điển, đến giờ ông Ivo vẫn thấy “thót tim”. Làm cuốn đại từ điển là cả công trình vĩ đại, kéo dài. Khi mới bắt tay vào làm, ông Ivo cũng đã 77 tuổi rồi. Nhưng ông luôn nghĩ: “Chúng tôi như kỵ sĩ đã ngồi trên lưng ngựa. Lên ngựa rồi không bao giờ xuống được nữa”.
Hai ông phải tính số lượng từ định làm trong một ngày. “Ban đầu chúng tôi định làm 20 từ/ngày, nhưng như thế tính ra sẽ kéo dài 12 năm. Vì thế nên phải tăng số từ trong một ngày và tranh thủ mọi thời gian để cố gắng mỗi năm xuất bản 1 tập”, ông Ivo cho biết.
Hai tập đầu của bộ từ điển, ông Tiến và ông Ivo làm mất 3 năm. Hai ông đang bắt tay vào hoàn thành tập 3 và cũng đang gần kết thúc.
Điều đáng mừng, từ khi ra mắt hai tập đầu của Bộ đại từ điển Czech-Việt, hai ông nhận được sự khích lệ lớn từ Cộng đồng người Việt và người Czech./.