“Bóng hồng” bên gác chắn
VOV.VN - Từ sau rằm tháng Chạp, lượng tàu cần đón tăng gấp đôi, có đợt thức trắng nhiều đêm đến gầy rộc, vậy mà chỉ cần lướt thấy vài gương mặt hớn hở trên các đoàn tàu về quê đón Tết, chị Thanh nhoẻn miệng cười vì biết rằng mình đã góp một phần nhỏ trong những chuyến đi đầy ắp niềm vui.
Nghề cực nhưng... vui
Bình thường mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Thanh (nhân viên gác chắn đường ngang tại Km 1708 + 496, Cung chắn Dĩ An - Bình Dương) cùng đồng nghiệp đón khoảng 30 - 40 chuyến tàu ngược xuôi.
Chốt trực nơi chị Thanh đang công tác có hai nữ nhân viên gác chắn đường ngang cùng nhau làm nhiệm vụ. Thời điểm này, khi nhạc xuân rộn ràng khắp nơi, tự dưng chị Thanh thấy nhớ nhà. Nếu không làm nghề này, có khi bây giờ chị đang ngồi gói bánh chưng, chuẩn bị mấy món mứt để cả nhà nhâm nhi dịp Tết. Quê tận Thanh Hóa, 23 năm theo nghề, vì tính chất công việc, số lần chị được đón Tết ở quê khá hiếm hoi. Cũng như bao đồng nghiệp khác, cận Tết và Tết là đợt làm việc năng suất nhất của chị Thanh nhằm đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu xuân. Mấy năm đầu đón Tết xa quê, đôi lúc chạnh lòng nhưng khi hiểu được ý nghĩa của công việc mình đang theo làm, chị Thanh chọn tìm niềm vui trong những điều đơn giản xung quanh.
Tại chốt trực, bao giờ các chị cũng có chút trà bánh, thưa tàu là nhâm nhi, kể chuyện ngày xưa. Toàn chuyện vui khi đón Tết bên gia đình hay chuyện mấy đứa con học hành ra sao, vui chơi thế nào. Cận Tết, số cây cảnh, hoa lá trồng xung quanh chốt trực xôm tụ hơn, thêm nhiều sắc đỏ vàng cho bắt mắt. Là phụ nữ, chốt trực của các chị cũng điệu đà, tươi tắn mặc dù công việc được đánh giá là khô như ngói, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại. Lắm người hỏi: “Trực khuya hao sức, việc chẳng thú vị, sao không chọn nghề nào nhàn mà làm cho sướng thân”. Những lúc như vậy, chị Thanh chỉ cười, nói khẽ: “Nghề này cực nhưng cũng lắm cái vui. Vui nhất là thấy mọi người đi đến nơi về đến chốn, sum vầy bên gia đình, con cái”.
Chốt trực nhỏ nhưng tươm tất, gọn gàng lắm. Những đêm thức đón tàu, các chị hay nấu gói mỳ, hâm chút cháo lót dạ. Đó là lúc họ trải lòng, chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời, chuyện chồng con. Chính những phút giây gần gũi như vậy khiến chị Thanh và đồng nghiệp ngày càng gắn bó hơn. Họ hay nói chốt trực là ngôi nhà thứ hai, còn đường ray là chốn vận chuyển niềm vui đi muôn nơi. Trừ những lúc trực đón tàu, chỉ cần rảnh tay, các chị lại đeo găng, cầm thau đi dọn rác dọc đường ray hoặc tỉa lá, tưới mấy chậu cảnh. Khách tới khen hoa lá tươi tốt, mặt chị nào cũng phấn khởi.
Mỗi chuyến tàu qua chốt an toàn, chị Thanh cùng đồng nghiệp vừa ghi thông tin vào sổ, vừa cười nói rộn ràng. Làm nghề lâu năm, chứng kiến, xử lý biết bao sự cố, các chị chỉ mong mọi điều suôn sẻ. Có đêm chuẩn bị đón tàu, nghe âm thanh chát chúa vang ra từ dàn chắn, chị Thanh vội vàng tới kiểm tra. Biết tàu sắp đến, chị Thanh gọi đồng nghiệp phụ mình kéo chủ phương tiện ra xa đường ray. Vừa kéo chủ phương tiện và xe vào trong, tàu đến, hai chị thở phào vì may mắn cứu được người. Đêm đó trời mưa to lắm nhưng lòng hai chị lại ấm áp vô cùng.
“Thực sự lúc đó hoảng lắm nhưng hai chị em phải nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để đưa người và xe ra khỏi đường ngang an toàn. Mấy sự cố như vậy chủ yếu do chủ phương tiện say xỉn, cố ý chạy qua đường ngang, bất chấp cảnh báo. Có lần người ta vi phạm, làm dàn chắn cong hẳn một bên mà còn túm cổ áo đòi tôi đền xe. Cũng buồn lắm chứ nhưng biết cái khó của nghề, chị em chúng tôi cứ nhã nhặn xử lý, thuyết phục. Nghề nào chẳng có nỗi khổ riêng, chỉ cần mình cố gắng hết sức, mọi việc sẽ ổn thôi”, chị Thanh kể lại.
Tàu an toàn là niềm vui lớn nhất
Mỗi lần có cơ hội đi công tác tỉnh, ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn hay tranh thủ thời gian ghé thăm các chốt trực đường ngang do nhân viên nữ phụ trách. Điểm trực nào gặp sự cố, ông đều tìm cách hỏi thăm, động viên kịp thời. Các đóng góp, sáng kiến, đề xuất của nhân viên luôn được lắng nghe, ghi nhận để các chị yên tâm công tác và phấn đấu nhiều hơn.
Với các trường hợp nhân viên gác chắn nhanh nhẹn xử lý, ngăn ngừa được tai nạn giao thông xảy ra, ông Đảng luôn cập nhật thông tin, đề xuất phía công ty thưởng nóng cũng như đề nghị cấp trên khen thưởng, khích lệ tinh thần. Khi nhắc đến các nữ gác chắn đường ray, ông Đảng tự hào: “Nghề này, nam làm đã cực chứ nói gì nữ. Vậy mà các chị em làm tốt lắm, còn liên tục đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng công việc. Thời gian tới, công ty sẽ tăng cường các giải pháp công nghệ cũng như bổ sung lực lượng để mỗi chốt trực đều có đủ hai nhân viên hỗ trợ nhau”.
Những ngày tăng ca, tay chân hơi mỏi do di chuyển, kéo dàn chắn nhiều lần, chị Trịnh Thị Hương (nhân viên gác chắn đường ngang tại Km 1630 +250, khu vực Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vẫn háo hức lắm. Cuối ca trực, ngồi tổng kết sổ, chỉ cần không thấy sự cố, mệt mấy chị và đồng nghiệp cũng thấy vui. Chị Hương hay dặn đồng nghiệp trẻ mới vào nghề khi trực gác chắn phải làm mọi cách để giữ cho tàu được an toàn, đừng lơ là, chủ quan. Bất cứ khi nào sự cố phát sinh, khoan nói chuyện đúng sai, chị Hương luôn tìm cách đưa chủ phương tiện vào khu vực an toàn trước. Nhiều sự cố mà người vi phạm an toàn đường ngang thoát chết trong gang tấc, mỗi khi nhớ lại chị còn thấy sợ. Những lúc xử lý xong, chị chẳng trách hay nói nặng lời, chỉ dặn mọi người lần sau đừng tái phạm.
Hơn 20 năm tuổi nghề, đổi qua bao chốt trực, khi làm một mình lúc có đồng nghiệp đồng hành, với chị Hương, đường ray, giàn chắn, còi tàu, đèn hiệu đã trở thành những điều rất đỗi thân thương. Đợt nào bệnh hay gia đình có chuyện phải nghỉ phép, chị bỗng nhớ da diết tiếng còi tàu, tiếng động cơ quen thuộc mỗi khi trực tại gác chắn. Chị Hương hay nói đùa, mắc nợ với nghề nên cực mấy cũng chịu. Đôi lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn đường ngang, bị người đi đường buông lời khó nghe, chị chọn cách lặng im.
Chị biết, khi hiểu tính chất công việc của các nhân viên gác chắn, họ sẽ không làm vậy. “Lợi thế của phụ nữ chúng tôi là mềm mỏng, nhẹ nhàng nên xử lý được khá nhiều vụ việc trong quá trình trực đón tàu. Chỉ mong người tham gia giao thông hợp tác hơn, hòa nhã hơn ngay cả khi sự cố phát sinh. Với những nhân viên gác chắn như chúng tôi, nắng gắt hay mưa xối xả không sợ bằng sự chủ quan khiến đoàn tàu gặp sự cố”, chị Hương chia sẻ.
Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn có gần 300 nhân viên gác chắn đường ngang, trong đó, một nửa là phụ nữ. Ngoài sự tận tụy, tinh thần đoàn kết, chia sẻ cũng là “chất keo” giúp nhiều nữ nhân viên gác chắn gắn bó với nghề. Đồng nghiệp tại mỗi chốt trực, gắn bó vài năm đã thành chị em thân thiết nên dù chuyển chốt, chuyển địa bàn công tác vẫn giữ liên lạc. Hôm rồi có việc lên Thành phố Hồ Chí Minh, trên đường về, chị Hương ghé chốt trực tại Dĩ An, Bình Dương, thăm đồng nghiệp cũ. Nghe chị Hương báo chiều sẽ ghé thăm, từ trưa, hai đồng nghiệp đã tranh thủ soạn sẵn trái cây, cho thêm gạo vào nồi cơm, chiên thêm khô để… đãi tiệc. Thấy chị Hương trong bộ đồng phục công ty đứng trước cửa chốt trực, hai đồng nghiệp cũ chạy ùa ra, ôm chầm lấy nhau, hỏi han đủ chuyện. Với những nữ nhân viên gác chắn như chị Hương, chị Thanh, đồng nghiệp tại mỗi chốt trực đều là chị em, bạn bè. Họ không chỉ phối hợp nhịp nhàng trong công việc mà còn sẻ chia, nâng đỡ nhau trong cuộc sống.