Tây Bắc hỗ trợ học sinh bán trú vùng khó: Cần điều chỉnh chính sách

Bữa ăn bán trú "kéo" học sinh vùng khó đến trường

VOV.VN - Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, cũng như rất nhiều các chính sách riêng có của từng tỉnh, hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở các tỉnh Tây Bắc đang có điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa ước mơ học chữ của mình.

 

Theo Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn thì học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo, trong đó riêng hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Theo Nghị định này, cũng như rất nhiều các chính sách riêng có của từng tỉnh, hiện nay hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở các tỉnh Tây Bắc đang có điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa ước mơ học chữ của mình.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Đài TNVN thường trú khu vực Tây Bắc cho thấy, mức hỗ trợ hiện nay đã không còn phù hợp với thực tế tại một số địa phương trong vùng, cần được bố sung, "tiếp sức" kịp thời. Đây cũng nội dung của loạt bài: Tây Bắc hỗ trợ học sinh bán trú vùng khó: Cần điều chỉnh chính sách.

Tiếng chuông báo hiệu kết thúc giờ học buổi sáng reo lên cũng là lúc hơn 120 học sinh bán trú ở Trường Tiểu học và THCH Chiềng San, huyện Mường La, tỉnh Sơn La háo hức, nhanh chân bước về phòng ăn bán trú, nơi những suất ăn có thịt nóng hổi, thơm nức vừa được bày sẵn.

Em Hàng Thị Gạo Mông, học sinh lớp 4A1 bày tỏ: Ở nhà chỉ được ăn rau, còn ở trường thì được ăn thịt, em rất thích. Ở đây còn được các thầy cô giáo dạy học bài và dạy múa dạy hát, em rất thích đến trường.

Mỗi suất ăn chỉ khoảng 12.000 – 13.000 đồng, nhưng ngày 2 bữa, học sinh Trường PTDT bán trú THCS Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đều có ít nhất 3 món; còn bữa sáng giao động từ 5.000 – 6.000 đồng, thực đơn linh hoạt như mì tôm, bánh chưng, bánh mì...

Thầy Lê Trung Kiên, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mức hỗ trợ 720.000 đồng/tháng theo Nghị định 116 của Chính phủ đã giúp những lớp học trò ở vùng cao đặc biệt khó khăn này có cái bụng đủ ấm, đủ no, "kéo” các em đến trường, đến lớp.

"Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh vùng cao Co Mạ có ý nghĩa rất lớn, giúp giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, thất học, nâng cao dân trí, đẩy lùi được hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Thời điểm trước năm 2013, tỷ lệ học sinh đến trường ở các bản rất thấp. Từ năm học  2013-2014 khi nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú, các em được chăm sóc, ăn ở, tập trung tại nhà trường, duy trì sĩ số tốt hơn." - Thầy Kiên nói.

Vừa nhanh tay gắp những miếng thịt gà còn nóng hổi từ trong nồi ra khay inox, chị Sùng Thị Gương, nhân viên nấu ăn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sính Phình 1, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên vừa cho biết, để kịp giờ ăn trưa vào lúc 10h30’ cho 371 học sinh đang ăn ở bán trú, 3 nhân viên nhà bếp đã phải dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị thực phẩm. Bữa ăn hôm nay có 2 món chính là thịt gà xào gừng, canh bí và cơm trắng. Tính theo định mức cân đối của nhà trường, bữa ăn này có giá khoảng 12.000 đồng/suất.

"Một ngày nấu 75kg gạo. Các cháu ăn xong khoảng 11h chúng tôi lại rửa các khay xong mới về. Bữa tối thì 13h30 đã phải bắt đầu cắm cơm nhưng phải cắm cơm trước khi về nghỉ trưa, xuống trường thì chỉ nấu thức ăn thì mới kịp." - chị Sùng Thị Gương chia sẻ.

Em Giàng Thị Lan, học sinh lớp 4, nhà ở bản Phi Dinh, xã Sính Phình cách trường hơn 10km. Nhà có tới 6 anh chị em, thuộc diện hộ nghèo, bữa ăn đủ no ở trường giúp em có thêm quyết tâm trên hành trình đi tìm con chữ của mình.

Trên lớp, học sinh vùng khó khăn “ấm bụng” học chữ, còn ở nhà, phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số cũng “vững tâm” vì luôn biết con em mình đến trường được ăn đủ no, có đủ thịt, đủ rau, được học chữ.

Anh Mùa A Lử, dân tộc Mông ở thôn Suối Dầm, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: Gia đình luôn động viên con học cho chăm ngoan, xa nhà đã có thầy cô giáo chăm. Cũng nhớ con, nhưng cũng yên tâm vì con mình được ăn đầy đủ, học tập tốt hơn.

Anh Vàng A Cao, trưởng thôn Suối Dầm, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết thêm, thôn hiện có hơn 90 hộ, năm học này có hơn 100 em học sinh theo học ở hai trường bán trú dưới trung tâm xã. Nhờ có chính sách của nhà nước hỗ trợ tiền ăn bán trú, nên nhiều hộ dân khó khăn ở nơi đây rất vui mừng, phấn khởi đưa con đến trường, vì thế vào đầu năm học đội ngũ giáo viên không còn phải vất vả đến tận nhà vận động như trước kia. Tỷ lệ học sinh ở đây ra trường bán trú là 100%. Chính sách của nhà nước về chế độ bán trú hỗ trợ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng cao như ở đây thì tôi thấy rất là hợp lý và nên duy trì.

Xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên toàn bộ là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, nhiều khó khăn nên toàn xã còn gần một nửa hộ nghèo. Vì thế, ông Nguyễn Công Trứ, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, bữa ăn bán trú góp phần giảm bớt khó khăn, áp lực kinh tế cho các bậc phụ huynh, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần.

"Hiệu quả đã được chứng minh qua nhiều năm qua việc duy trì được sỹ số, số lượng học sinh ra lớp, ra lớp chuyên cần. Và đặc biệt là từng bước chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên qua từng năm và sức khỏe, thể chất của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt." - ông Trứ nói.

- Cùng với Nghị định 116, học sinh vùng khó ở Tây Bắc còn được hưởng một số chính sách khác để thuận lợi hơn trong việc học tập.

- Trong đó, tại tỉnh Lai Châu, học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người được hưởng chính sách theo Nghị định 57, với các mức hỗ trợ: 540.000 đồng, 720.000 đồng, 1.080.000 đồng, 1.800.000 đồng từ bậc học mầm non đến THPT. Học sinh từ bậc học mầm non đến THPT  ở các xã, thôn, bản khu vực III chuyển thành các xã, thôn, bản khu vực I được hưởng mức hỗ trợ từ 180 – 360 nghìn đồng/học sinh/tháng.

- Tại tỉnh Sơn La, từ năm 2013 đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn. Các năm 2016, 2017 và 2020, HĐND tỉnh Sơn La tiếp tục ban hành các Nghị quyết mới trên quan điểm mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức hỗ trợ nấu ăn bán trú. 

- Tại tỉnh Yên Bái, tất cả các em học sinh thôi hưởng chính sách bán trú nhưng gia đình còn khó khăn đều được hỗ trợ tiền ăn và mua gạo; các trường học được hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn, hỗ trợ kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú… 

Như vậy, hiện nay đang có hàng trăm nghìn học sinh Tây Bắc được hưởng chính sách bán trú và chính sách hỗ trợ của các địa phương. Và tính từ năm 2016 khi Nghị định 116 ra đời cho đến nay đã có hàng triệu lượt học sinh được hưởng chính sách này. Từ đây các thế hệ học sinh vùng khó khăn đã trưởng thành, góp phần xây dựng Tây Bắc ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

Hiệu quả của chính sách thì đã rõ, tuy nhiên, làm thế nào để sử dụng minh bạch, hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ? Trong bài 2 của loạt bài, chúng tôi sẽ  đề cập cách thức quản lý tại các nhà trường, các địa phương.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đường đến lớp và những bữa cơm có thịt
Đường đến lớp và những bữa cơm có thịt

VOV.VN - Năm 2013, Nghị quyết về nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La ra đời như “cơn mưa rào” xóa tan “nắng hạn”; để rồi từ đây, mỗi năm, hàng chục ngàn lượt học sinh vùng khó đã được nâng bước, “chắp cánh” vươn tới những ước mơ tưởng chừng như không thể.

Đường đến lớp và những bữa cơm có thịt

Đường đến lớp và những bữa cơm có thịt

VOV.VN - Năm 2013, Nghị quyết về nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La ra đời như “cơn mưa rào” xóa tan “nắng hạn”; để rồi từ đây, mỗi năm, hàng chục ngàn lượt học sinh vùng khó đã được nâng bước, “chắp cánh” vươn tới những ước mơ tưởng chừng như không thể.