Buôn Ma Thuột - thành phố cây xanh
VOV.VN - TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một trong những thành phố có tỷ lệ bao phủ cây xanh cao nhất cả nước, hơn 8m2/ người. Hệ thống cây xanh của Buôn Ma Thuột đang tạo ra không gian đáng sống cho người dân và điểm nhấn ấn tượng với du khách.
Cây xanh của Buôn Ma Thuột hôm nay là thành quả của nhiều thập kỷ chú trọng gây trồng và điều này đang tiếp tục được phát huy trong các chương trình, nghị quyết định hướng phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Bước sang năm 2022, tình hình dịch COVID-19 ở Buôn Ma Thuột đã tạm lắng xuống, cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Thong thả đi bộ thể dục ngày đầu năm mới tại Công viên Sơn La ở ngay trước nhà, ông Trần Đức Hoà, đường Y Ơn, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột rất vui khi nhà nước đã quan tâm đầu tư công trình này.
Ông cho biết, từ một bãi đất hoang với nhiều tệ nạn, nay đã trở thành một công viên đẹp và nó càng có ý hơn với người dân sau đại dịch: “Người dân rất phấn khởi, có chỗ tập thể dục, có chỗ cho bà con, các cháu vui chơi, có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi sau khi lao động vất vả. Đây là lá phổi của thành phố và của riêng khu vực này. Tôi cũng đi nhiều nơi nhưng phải nói Buôn Ma Thuột là có cây xanh đẹp nhất trong toàn quốc. Nhà nước cũng quan tâm, đầu tư nhiều. Thành phố làm bài bản, có quy hoạch tương đối tốt”.
Đi lên từ tàn tích của chiến tranh và bụi mù đất đỏ, trong một thời gian không dài, Buôn Ma Thuột đã đạt đến sự tinh tế trong phát triển. Mỗi góc phố, mỗi bồn hoa, công viên, quảng trường đều thể hiện triết lý phát triển xanh, hướng tới lợi ích cộng đồng.
Đưa con gái nhỏ đi dạo phố trong ngày đầu năm, chị Trần Thị Yến, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột cảm thấy rất hài lòng với các giá trị được tạo ra từ hệ thống cây xanh và công viên, hoa viên giống như những khu “rừng trong phố”: “Ở Buôn Ma Thuột có nhiều công viên, cây xanh. Đặc biệt, là những con đường thì cây xanh lớn rất nhiều, làm cho không khí ở đây trong sạch, rất ít bụi bặm, khiến mình cảm thấy sống ở đây an toàn, thoải mái”.
Xây dựng “thành phố xanh” không chỉ ở đường phố, công viên mà điều này còn thể hiện tại khuôn viên các cơ quan, ban ngành và mỗi hộ dân, buôn làng. Các cơ quan Nhà nước mỗi khi xây mới, chỉnh trang đều luôn chú trọng giữ lại cây xanh cổ thụ và trồng thêm cây mới. Còn các buôn trong phố, màu xanh của cây luôn là chủ đạo để tạo ra dấu ấn bản sắc văn hoá Tây Nguyên đại ngàn.
Ông Võ Kỳ, Phó trưởng phòng quản lý đô thị Thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội về phân loại đô thị, đối với thành phố loại I trực thuộc tỉnh, diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị đạt 5-6m2/người. Trong khi đó, tỷ lệ cây xanh nội thành Buôn Ma Thuột đến hết năm 2021 đã đạt 8,11m2/người và toàn thành phố là 17,4m2/người. Với kết quả này, Buôn Ma Thuột hiện là một trong những thành phố có tỷ lệ cây xanh cao nhất cả nước. Hưởng ứng chương trình 1 triệu cây xanh của Chính phủ, năm qua, thành phố cũng đã tích cực triển khai và kết quả đã trồng được trên 6.000 cây. Mục tiêu năm 2022 sẽ tiếp tục tăng thêm với những loài cây chủ đạo là cây bản địa đặc trưng của Tây Nguyên.
“Hiện nay, trồng cây xanh hoa viên, công viên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chủ yếu tập trung các loại cây bản địa, mang bản sắc riêng đô thị Buôn Ma Thuột cũng như vùng Tây Nguyên. Dùng các loại cây như là Sao, Giáng Hương, Cẩm lai hoặc cây Kơ Nia, đây là một số loại cây chúng tôi tham mưu cho Thành uỷ, UBND trồng trên địa bàn thành phố”, ông Kỳ nói.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để xây dựng thành phố xanh được như ngày nay, suốt nhiều thập kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh, của thành phố đã luôn chú trọng và có tầm nhìn, có quy hoạch phát triển cây xanh một cách bài bản. Đến nay, tầm nhìn ấy đang tiếp tục được phát huy để xây dựng Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị sinh thái, bản sắc và hiện đại theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị đến cuối nhiệm kỳ sẽ nâng lên 9m2/người. Đây là nhiệm vụ khó khi dân số ngày càng tăng trong khi quỹ đất công cộng và ngân sách hạn hẹp, nhưng thành phố tự tin sẽ đạt được với những chương trình, định hướng cụ thể.
“Quan điểm của thành phố là phải tiếp tục nâng cao, trên 9m2/người ở nội thị và 18m2/người toàn thành phố. Đương nhiên nâng sẽ rất khó vì dân sẽ tăng và diện tích cho cây xanh càng ngày càng ít đi. Thế thì phải huy động cán bộ, công nhân viên chức hàng năm có ngày Tết phát động trồng cây thì ít nhất mỗi người trồng một cây xanh. Và những khu đô thị mới lên thì đều cho đầu tư các hoa viên, tất cả các hoa viên đều có những đầu tư đồng bộ”, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.
Với tầm nhìn chiến lược, quy hoạch bài bản và sự quan tâm đầu tư đúng mức, Buôn Ma Thuột đang dần được xây dựng để xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Trong những thành công của thành phố, điểm nổi bật đang được khẳng định đó là hệ thống cây xanh được ví như “rừng trong phố”, tạo ra không gian đáng sống cho người dân và thu hút du khách./.