Cà Mau cần làm gì để tạo đột phá trên con đường phía trước?

VOV.VN - Vùng đất cuối trời Tổ quốc - Cà Mau được thiên nhiên ưa đãi với đầy đủ “rừng vàng, biển bạc, đất phù sa”. Tuy nhiên, cũng chính vì ở “Cuối cùng Tổ quốc” nên Cà Mau cách xa các trung tâm kinh tế và đó cũng là một “thiệt thòi” rất lớn.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa diễn ra đã đề ra nhiều nhiệm vụ để phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển toàn diện.

Mũi Cà Mau - Nơi ai cũng muốn đến 1 lần

1 trong 8 nhiệm vụ phát triển kinh tế mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thống nhất thông qua là “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”. Đất Mũi - Cà Mau rất được thiên nhiên ưu đãi để phát triển lĩnh vực này. Rừng vàng - mang lại cho tỉnh Cà Mau 2 Vườn Quốc gia bạt ngàn: U Minh hạ và Mũi Cà Mau. Biển bạc - mang lại cho tỉnh Cà Mau 3 cụm đảo. Đất phù sa - giúp tỉnh có rất nhiều sản vật nổi tiếng mà các địa phương khác không có hoặc có cũng không thể trở thành đặc trưng như ở Cà Mau: Mật ong U Minh hạ, Tôm khô Rạch Gốc; Cua Năm Căn,...

Tỉnh Cà Mau còn có 1 đầm nước thơ mộng mang tên Thị Tường - lớn nhất vùng ĐBSCL. Đặc biệt, Mũi Cà Mau là nơi ai cũng muốn đến một lần. Với những lợi thế như vậy, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã quan tâm đầu tư, khai thác. Tuy nhiên, đến năm 2019 lượng du khách mới đạt gần 2 triệu lượt, so với một số tỉnh trong vùng như Kiên Giang, An Giang thì còn rất thấp. Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau đã từng thừa nhận: “Để du lịch Cà Mau phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế còn rất nhiều việc phải làm. Mà quan trọng nhất, phải thu hút được nhà đầu tư”.

Cũng vì thiếu nhà đầu tư mà đến Vườn Quốc gia U Minh hạ hiện nay, ngoài đứng trên đài quan sát phóng tầm mắt nhìn những tán rừng tràm bạt ngàn, thưởng thức những con cá đồng đặc trưng trong vùng ngọt thì không còn điểm nhấn nào khác. Khu di tích hòn Đá Bạc – cụm đảo từng được xem là “của hiếm” để phát triển du lịch của tỉnh thì ngày càng cũ đi, chứ chưa có sản phẩm du lịch nào mới hơn. Điểm nhấn của du lịch Cà Mau chính là Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, thời gian qua đã “như mặc áo mới”. Nhưng để đáp ứng được 3 nhu cầu cơ bản của khách du lịch là: Vận chuyển; lưu trú, ăn uống và tham quan, giải trí cũng chưa hẳn đã đầy đủ. Xuống Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau muốn giải trí, vui chơi thì còn rất hạn chế.

Khó khăn cơ bản nhất để tỉnh Cà Mau phát triển du lịch cũng như các lĩnh vực khác là thiếu nguồn lực. Trong khi nguồn lực nhà nước có hạn thì tỉnh Cà Mau đang gặp những trở ngại nhất định trong thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp. Để thu hút được doanh nghiệp có những điều kiện rất cơ bản: cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng điều hành và ngay cả vị trí địa lý.

Cần những “cú hích” hạ tầng

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nỗ lực cải thiện chỉ số PCI. Năm 2014, tỉnh Cà Mau nằm trong nhóm điều hành thấp, đứng thứ 58 cả nước nhưng đến năm 2019, tỉnh đã vào nhóm khá. Đáng kể nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản lý cải thiện mạnh, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt (năm 2019 đứng đầu vùng ĐBSCL và đứng thứ 3 cả nước).

Vị trí địa lý tạo ra cho tỉnh Cà Mau thuận lợi để phát triển du lịch nhưng lại mang lại cho tỉnh khó khăn rất lớn. Tỉnh Cà Mau cách TP Cần Thơ - trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL và TP HCM - trung tâm kinh tế của cả nước xa nhất so với tất cả các tỉnh trong vùng, dẫn đến khó thu hút đầu tư. Trong một hội nghị về cải cách hành chính của tỉnh Cà Mau vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã góp ý rằng: “Về vị trí địa lý là không thể thay đổi. Chất lượng nguồn nhân lực, cần thời gian. Vấn đề tỉnh Cà Mau có thể làm ngay để thu hút đầu tư là cải thiện chất lượng điều hành. Nhưng các tỉnh khác không đứng yên nên Cà Mau phải đi nhanh hơn”.

Còn về cơ sở hạ tầng, mà mấu chốt là hạ tầng giao thông của tỉnh Cà Mau đang thiếu và yếu. Là tỉnh cách xa các trung tâm kinh tế nhất thì cả 4 tuyến đường quốc lộ nối với các tỉnh lân cận chỉ có quy mô 2 làn xe. Toàn tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ Bạc Liêu về Cà Mau chưa được mở rộng. Cà Mau chưa có tuyến tránh trung tâm thành phố nên những lúc cao điểm, cửa ngõ vào tỉnh thường xuyên quá tải. Không chỉ vậy, sân bay Cà Mau hiện chỉ phục vụ cất, hạ cánh cho các loại máy bay nhỏ và cũng chỉ khai thác tuyến TP Hồ Chí Minh – Cà Mau và ngược lại.

Khát vọng về hạ tầng giao thông của tỉnh Cà Mau để tạo nền, đưa tỉnh phát triển là rất lớn. Chẳng vậy mà vào tháng 8 vừa qua, khi được giao chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc đoạn Bạc Liêu - Cà Mau trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi ngay các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn để học hỏi kinh nghiệm thực hiện dự án. Ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, mới nhận chức chưa lâu đã có công văn gửi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đề nghị, tăng cường khai thác sân bay và ngỏ lời mời lãnh đạo đơn vị này về bàn giải pháp nâng cấp sân bay.

Khát vọng đó một lần nữa được thể hiện trong Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa diễn ra. Trong 3 đột phá chiến lược Đại hội đã xác định để tỉnh phát triển thì có “huy động nguồn lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông đi trước 1 bước”./.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa diễn ra đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Phát triển kinh tế nhanh trên cơ sở khai thác có hiệu quả và phát huy các tiềm năng, lợi thế; Xây dựng con người phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách; Đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và Phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Trong đó, có 3 đột phá chiến lược: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và Tập trung nguồn lực hoàn thiện hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Điểm danh những đặc sản nổi tiếng gần xa của vùng Đất Mũi - Cà Mau
Điểm danh những đặc sản nổi tiếng gần xa của vùng Đất Mũi - Cà Mau

VOV.VN - Cà Mau là vùng đất trù phú, giàu sản vật. Rất nhiều sản phẩm của tỉnh đã xây dựng được thương hiệu, được nhiều người biết đến như: Mật ong U Minh hạ, Cua Năm Căn, Tôm khô Rạch Gốc…

Điểm danh những đặc sản nổi tiếng gần xa của vùng Đất Mũi - Cà Mau

Điểm danh những đặc sản nổi tiếng gần xa của vùng Đất Mũi - Cà Mau

VOV.VN - Cà Mau là vùng đất trù phú, giàu sản vật. Rất nhiều sản phẩm của tỉnh đã xây dựng được thương hiệu, được nhiều người biết đến như: Mật ong U Minh hạ, Cua Năm Căn, Tôm khô Rạch Gốc…

Lo “con chữ” nơi Đất Mũi - Cà Mau sau dịch Covid-19
Lo “con chữ” nơi Đất Mũi - Cà Mau sau dịch Covid-19

VOV.VN - Dịch Covid-19 làm cho cuộc sống người dân ở những nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn, thậm chí đã phải cho con em mình nghỉ học.

Lo “con chữ” nơi Đất Mũi - Cà Mau sau dịch Covid-19

Lo “con chữ” nơi Đất Mũi - Cà Mau sau dịch Covid-19

VOV.VN - Dịch Covid-19 làm cho cuộc sống người dân ở những nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau gặp nhiều khó khăn, thậm chí đã phải cho con em mình nghỉ học.

Ảnh: Hạn hán tàn phá Đất mũi Cà Mau
Ảnh: Hạn hán tàn phá Đất mũi Cà Mau

VOV.VN - Trước những thiệt hại nặng nề do hạn hán gây ra, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2.

Ảnh: Hạn hán tàn phá Đất mũi Cà Mau

Ảnh: Hạn hán tàn phá Đất mũi Cà Mau

VOV.VN - Trước những thiệt hại nặng nề do hạn hán gây ra, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2.