Lan tỏa phong trào “xã hội hóa” công trình giao thông ở Bình Dương

Cách truyền cảm hứng để dân góp sức làm đường

VOV.VN - Nhờ thực hiện chương trình xã hội hóa công trình giao thông mà diện mạo đô thị của Bình Dương đang dần dần thay đổi. Những con đường nhỏ hẹp, ngõ hẻm khó đi, được thay thế bằng những tuyến đường rộng rãi, thông thoáng. Sự lan tỏa của phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh Bình Dương là nhờ nhiều sáng kiến, cách làm hay trong vận động quần chúng nhân dân.

>> Những tuyến đường nham nhở và nguy cơ ổ chuột hóa đô thị

Mưa dầm thấm lâu

Đường Khánh Bình 64 thuộc phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương rộng 5m, dài 620m, có đầy đủ cống thoát nước, đèn đường. Ít ai biết, để có được con đường phẳng phiu này là cả một quá trình vận động không dễ dàng.

Nhớ lại những ngày đầu thực hiện chủ trương xã hội hóa công trình giao thông trên địa bàn, ông Huỳnh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Khánh Bình vẫn chưa quên hết vất vả, khó khăn, bởi lúc ban đầu người dân vẫn còn có tâm lý e dè.

Gia đình hộ bà Lê Thị Cưng nằm ở đường Khánh Bình 64, đây là khu đất đẹp hai mặt tiền. Để thực hiện chủ trương xã hội hóa, cán bộ khu phố đã xuống tận nhà vận động gia đình bà Cưng hiến đất mở rộng đường. Nhưng dù ngược xuôi bao nhiêu lần, vợ chồng bà Cưng vẫn không đồng ý, bởi đường đi hiện nay vẫn còn rất tốt.

“Tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng thấy nặng”, bởi vậy để cho gia đình bà Cưng hiểu rõ được lợi ích, ông Huỳnh Hữu Phúc đã nhờ con cái, người thân trong gia đình vận động, đả thông tư tưởng cho ông bà.

“Mưa dầm thấm lâu” ông bà Cưng cũng hiểu và đã hiến hơn 200m2 để làm đường. Không những vậy, giờ bà Cưng còn là tuyên truyền viên tích cực của địa phương trong vận động người dân hiến đất, góp tiền làm đường.

Ông Huỳnh Hữu Phúc chia sẻ: “Đất của gia đình này 2 mặt tiền và địa phương đang triển khai bê tông nhánh của đường này. Khi họp dân làm đường nhánh, tôi đã nhờ cô nói chuyện tại buổi họp dân về lợi ích từ việc nhà nước làm đường cho dân đi và lợi ích khi dân cùng bỏ công sức để chăm lo cho mình. Qua cô nói chuyện và tôi giải thích thêm thì người dân gần như đồng tình 100% đóng góp làm đường".

Xã Thạnh Hội, TP.Tân Uyên vốn là xã thuần nông, cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn. Do đó, để huy động sự đóng góp của người dân trong chủ trương xã hội hóa công trình giao thông gặp nhiều khó khăn.

Ông Trương Văn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội kể, ban đầu đi vận động làm đường, người dân ai cũng phấn khởi nhưng khi thấy số tiền đóng góp không phải ít, bà con lại rụt rè.

Để giải quyết vấn đề này, xã đã vận động thêm nguồn lực từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Số tiền còn lại sẽ được chia đều cho các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến đường.

“Trước tiên UBND sẽ vận động bê tông hóa trước sau này sẽ vận động lắp đặt đèn chiếu sáng, tùy thuộc vào khả năng của người dân trên các tuyến đường. Đối với những khu vực nào người dân khó khăn quá thì hằng năm địa phương có chương trình liên kết với Thành đoàn Tân Uyên và những địa phương khác trang bị, lắp đặt ở các tuyến đường đã bê tông hóa để người dân đi lại thuận tiện hơn vào ban đêm”, ông Trương Văn Thanh Giang nói.

Để tạo sự lan tỏa, truyền cảm hứng cho người dân khi tham gia phong trào xã hội hóa các công trình giao thông, nhiều địa phương đã chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức làm đường. Những câu chuyện về gia đình khó khăn vẫn cố gắng đóng góp, nhiều em nhỏ nhịn quà vặt để dùng tiền ủng hộ phong trào, từ đó khơi dậy lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm của cộng đồng.

Một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của mô hình "xã hội hóa" công trình giao thông tại Bình Dương là sự minh bạch trong thu chi. Các địa phương đều công khai bảng kê chi tiết nguồn thu, chi cho từng hạng mục công trình, đảm bảo mọi khoản thu chi đều rõ ràng, đúng quy định. Tổ vận động xã hội hóa được thành lập tại từng khu phố, ấp, bao gồm Trưởng ban điều hành khu phố, ấp và người dân. Họ tự lên kế hoạch thu, chi và giám sát thi công.

Ông Phạm Thái Đô, người dân xã Phú An, TP. Bến Cát cho biết, trước đây ông còn nghi ngờ việc sử dụng nguồn lực chung. Tuy nhiên, sau khi địa phương công khai bảng kê chi tiết, ông hoàn toàn tin tưởng và đồng lòng đóng góp. Nhờ vậy, con đường dài hơn 1.600m với chi phí gần 1,3 tỷ đồng đã được nâng cấp, rộng rãi và khang trang hơn.

“Qua 1, 2 cuộc họp trong vòng 1 tháng nhân dân đã đóng đủ số tiền để tự thi công, tự tìm nhà thiết kế, tự theo dõi giám sát làm nên con đường này. Đến nay con đường này rất khang trang, lịch sự, bà con rất phấn khởi, đời sống người dân hai bên tuyến đường này cải thiện nhiều. Bà con không có ý kiến phàn nàn nào, rất phấn khởi và yên tâm khi tự làm, tự đóng góp và tự giám sát công trình của mình”, ông Đô nói.

Mô hình được nhân rộng

Mô hình "xã hội hóa" giao thông tại Bình Dương đã và đang góp phần mang lại diện mạo mới cho các tuyến đường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhờ sự sáng tạo, đổi mới trong cách làm, cùng với quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, Bình Dương đang từng bước tiến gần đến mục tiêu nâng cấp 95% tuyến giao thông vào năm 2025.

Sau năm 2025, 100% tuyến đường, ngõ hẻm trên địa bàn tỉnh sẽ được bê tông hóa, thảm nhựa và có hệ thống cống thoát nước, đèn chiếu sáng. Đây là cách làm thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị của tỉnh Bình Dương.

Từ thành công của Bình Dương, mô hình "xã hội hóa" giao thông đang được nhân rộng đến nhiều địa phương khác trên cả nước. Điển hình như tỉnh Bình Phước, thời gian gần đây, bên cạnh thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì nay có thêm việc “lấy sức dân lo cho dân” qua mô hình vận động nhân dân đóng góp làm đường.

Ông Đỗ Đại Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết: Mô hình này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường đã được nâng cấp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đặc biệt là ở xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Trong thời gian tới sẽ vận động nhân dân tiếp tục hưởng ứng đóng góp để cùng nhà nước làm các con đường giao thông nông thôn để đi lại trong mùa mưa, mùa khô cho sạch đẹp. Những nơi nào đường còn chật hẹp sẽ tiếp tục vận động bà con hiến công trình, hiến đất để mở rộng con đường này cho khang trang hơn", ông Đỗ Đại Đồng cho biết.

Mô hình "xã hội hóa" giao thông là một cách làm hay, thiết thực, góp phần huy động sức mạnh của nhân dân trong xây dựng quê hương. Để mô hình này đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và người dân. Với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, tin chắc rằng, những con đường giao thông ngày càng khang trang, sạch đẹp sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tạo dựng diện một quê hương văn minh, hiện đại.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Diện mạo những công trình giao thông tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2023
Diện mạo những công trình giao thông tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2023

VOV.VN - Hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội đã đưa vào sử dụng cùng hàng loạt dự án giao thông đang triển khai đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và làm cho diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô ngày một hiện đại.

Diện mạo những công trình giao thông tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2023

Diện mạo những công trình giao thông tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2023

VOV.VN - Hàng loạt dự án giao thông quan trọng của Hà Nội đã đưa vào sử dụng cùng hàng loạt dự án giao thông đang triển khai đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và làm cho diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô ngày một hiện đại.

Nghị quyết đặc thù về công trình giao thông gỡ vướng cho Đông Nam Bộ
Nghị quyết đặc thù về công trình giao thông gỡ vướng cho Đông Nam Bộ

VOV.VN - Ngày 28/11, với 464/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Nghị quyết đặc thù về công trình giao thông gỡ vướng cho Đông Nam Bộ

Nghị quyết đặc thù về công trình giao thông gỡ vướng cho Đông Nam Bộ

VOV.VN - Ngày 28/11, với 464/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

Tháo “điểm nghẽn” cơ chế, chính sách đặc thù làm công trình giao thông
Tháo “điểm nghẽn” cơ chế, chính sách đặc thù làm công trình giao thông

VOV.VN - Việc chọn các dự án thí điểm áp dụng các chính sách đặc thù phải được đánh giá kỹ lưỡng những hiệu quả, lợi ích đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Tháo “điểm nghẽn” cơ chế, chính sách đặc thù làm công trình giao thông

Tháo “điểm nghẽn” cơ chế, chính sách đặc thù làm công trình giao thông

VOV.VN - Việc chọn các dự án thí điểm áp dụng các chính sách đặc thù phải được đánh giá kỹ lưỡng những hiệu quả, lợi ích đạt được và những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư.