Cấm dạy thêm, học thêm: Người dân TP.HCM thích ứng như thế nào?
VOV.VN - Ngày 14/2 Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, có nhiều quy định mới, như giáo viên không được dạy thêm có thu tiền đối với học sinh và không thu tiền đối với học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp
Cấm dạy thêm, học thêm - phụ huynh lo lắng
Dù được bố mẹ cho học thêm tại một trung tâm không phải do giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp của mình, thế nhưng tuần này, em Khả Nhi – học sinh lớp 12A16, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TP.HCM) đã phải tạm nghỉ do trung tâm cần phải rà soát lại. Việc này cũng đã khiến không ít phụ huynh, học sinh lo lắng, nhất là đối với các em đang trong giai đoạn cần củng cố kiến thức, sẵn sàng cho các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh.

"Con cảm thấy rất lo lắng. Nếu bây giờ các thầy cô không được thu phí, có thể con sẽ không được học đầy đủ 100% chương trình mới. Con nghĩ một số bạn sẽ rất hoang mang vì chưa được tiếp cận, chưa làm quen với các đề mới và cũng chưa biết kỳ thi sẽ diễn ra như thế nào".
Anh Vũ Tú Nam, có con đang học tại Trường THPT Nam Sài Gòn (Quận 7, TP.HCM) chia sẻ: "Thực ra, mình cũng không phản đối việc dạy thêm, học thêm ở trường, bởi vì ở góc độ phụ huynh, bố mẹ nào cũng muốn con cái nắm vững kiến thức một cách tốt nhất có thể. Do đó, việc học thêm càng được các gia đình quan tâm hơn.
Nếu Bộ Giáo dục cấm vấn đề này, thì cũng nên tính toán lại giáo trình học hoặc có một kế hoạch thi cử phù hợp để các em chủ động trong việc học tập hằng ngày, đồng thời giúp các gia đình yên tâm. Hiện tại, điều này gây khó khăn cho phụ huynh, đặc biệt là khiến học sinh hoang mang, không biết năm tới sẽ như thế nào".
Nhà trường băn khoăn lo lắng
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ áp dụng cho ba đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học liền kề trước ở mức chưa đạt, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường..
Ông Phạm Ngọc Thường – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – cho biết, quan điểm của Bộ là hướng tới việc các trường không tổ chức dạy thêm, học thêm. Thay vào đó, sau giờ học chính, học sinh có thời gian và không gian để tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật và vui chơi:
"Nếu thầy cô giáo áp dụng đầy đủ các phương pháp, kỹ năng giảng dạy, tuân thủ đúng thời gian lên lớp và đánh giá học sinh phù hợp, thì các con về cơ bản không cần phải học thêm mà vẫn đáp ứng yêu cầu đầu ra của chương trình. Tương tự, nếu phụ huynh không quá nặng nề trong việc yêu cầu con phải học giỏi, luôn đạt thành tích cao, mà chỉ cần con đáp ứng các yêu cầu của nhà trường, thì cũng không đến mức phải học thêm một cách quá tải, tràn lan như thời gian vừa qua".

Để triển khai ôn tập cho học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp, nhiều trường trên địa bàn thành phố đã lên kế hoạch thực hiện ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, các nhà trường vẫn băn khoăn làm sao để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên khi họ phải giảng dạy sau thời gian kết thúc năm học.
Thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, (Quận 1, TP.HCM) cho rằng: "Việc này nằm ngoài khung thời gian của năm học, và theo Luật Lao động, nếu vào ngày nghỉ mà huy động giáo viên giảng dạy thì phải tính hệ số nhân ba. Do đó, chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ để vừa đảm bảo không gây thất thoát ngân sách nhà nước, vừa nhận được sự đồng hành của phụ huynh cùng nhà trường nhằm thực hiện tốt hơn".
Đối với việc ôn thi không thu phí cho học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các trường phải tổ chức thực hiện đầy đủ, đảm bảo quyền lợi của học sinh, đồng thời sử dụng kinh phí từ nguồn chi thường xuyên để thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết: "Hiệu các trưởng cần sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí chi thường xuyên để bố trí giáo viên thực hiện các lớp ôn tập. Khi tổ chức, không triển khai đại trà mà chỉ dành cho những học sinh có nguyện vọng. Đồng thời, nhà trường cần trao đổi với phụ huynh để đạt được sự đồng thuận, đảm bảo học sinh tham gia các lớp ôn tập một cách tự nguyện".
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa nghĩ đến việc mở các lớp ôn tập rộng rãi như những năm trước, mà vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ ngành giáo dục.