Cấm xe máy xăng cần đi đôi với hạ tầng giao thông đồng bộ, chính sách hỗ trợ minh bạch
VOV.VN - Cấm xe thì dễ, nhưng nếu giao thông công cộng chưa đủ mạnh, người dân sẽ gặp khó khăn lớn trong di chuyển. Chính sách tốt nhưng cần minh bạch về hỗ trợ tài chính, đổi xe cũ, và phát triển trạm sạc...
Cần phải tính đến sinh kế, thu nhập và cuộc sống của người dân
Liên quan đến việc TP Hà Nội dự kiến cấm xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, PGS.TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu ra câu hỏi: "Thành phố ít xe máy thì rất văn minh. Nhưng ít xe máy thì người dân Hà Nội đi lại bằng gì khi mà hệ thống giao thông công cộng yếu kém như hiện nay? Cho dù có tiền mua xe máy điện thì sẽ sạc ở đâu? Đấy là chưa kể an toàn cháy nổ. Đó là những câu hỏi cần lời giải?".

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, trước khi ban hành chính sách công luôn rất cần đánh giá tác động kinh tế - xã hội – môi trường để tìm phương án tốt nhất, có lợi cho người dân nhất. "Các nhà làm chính sách cần tính đến tác động kinh tế phải tính đến sinh kế, thu nhập và cuộc sống của người dân. Tác động xã hội phải tính tới thời gian người dân sử dụng để tham gia giao thông, sức khỏe và sự hài lòng, thư thái của người dân. Hàng ngày mất hàng giờ để chờ xe bus, ngồi trên xe bus chạy loanh quanh trước khi tới cơ quan chắc chắn sẽ không giúp người dân có sức khỏe và sự hài lòng, thư thái. Đấy là chưa kể bao người dân, chủ yếu là người nghèo, có sinh kế dựa vào xe máy", PGS.TS Vũ Thanh Ca nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, để cấm xe máy hay ô tô xăng thì trước hết Hà Nội cần khẩn trương xây dựng và vận hành hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị. "Tôi cho rằng trước mắt Hà Nội cần tập trung vào hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị nói riêng và giao thông công cộng nói chung. Việc cấm hay hạn chế phương tiện cá nhân chỉ nên thực hiện từng bước cùng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đối với xe máy chạy xăng, nên kiểm định khí thải nghiêm ngặt càng sớm càng tốt và loại bỏ những xe cũ, không đạt chuẩn. Việc kiểm định khí thải sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà vẫn đảm bảo sinh kế của người dân, hạn chế tác động kinh tế - xã hội", PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.
Cấm xe máy chạy xăng là một bước đi táo bạo
Về vấn đề cấm xe máy chạy xăng, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Việc Hà Nội dự kiến cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026 là một bước đi táo bạo nhằm giảm ô nhiễm không khí và thúc đẩy chuyển đổi xanh. Quyết định này là bước tiến lớn giúp Hà Nội thoát khỏi tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cấm xe xăng là tín hiệu cho thấy Hà Nội đang nghiêm túc xây dựng một thành phố xanh, thông minh và bền vững. Tôi hy vọng chính sách này sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào xe buýt điện, tàu điện và hạ tầng sạch. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi và công bằng, chính sách cần được triển khai với lộ trình rõ ràng, đi kèm các biện pháp hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phương tiện, đặc biệt là nhóm lao động phụ thuộc vào xe máy để mưu sinh. Hạ tầng giao thông công cộng cũng phải được đầu tư đồng bộ để đảm bảo nhu cầu di chuyển hàng ngày không bị gián đoạn".

TS. Nguyễn Hữu Đức lo ngại về sinh kế của người dân. Ví dụ như tài xế công nghệ sẽ bị ảnh hưởng nếu không có hỗ trợ chuyển đổi phương tiện. Ngoài ra, chuyên gia còn băn khoăn: “Cấm xe thì dễ, nhưng nếu giao thông công cộng chưa đủ mạnh, người dân sẽ gặp khó khăn lớn trong di chuyển. Chính sách tốt nhưng cần minh bạch về hỗ trợ tài chính, đổi xe cũ, và phát triển trạm sạc".
Theo chuyên gia giao thông, có một số yếu tố quan trọng khác đáng để đưa vào cân nhắc khi triển khai chính sách cấm xe xăng trong khu vực vành đai 1 ở Hà Nội. Như khả năng tiếp cận và chi phí chuyển đổi, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể. Hạ tầng sạc điện...
"Xe điện hiện tại có giá khá cao với phần lớn người dân, đặc biệt là lao động thu nhập thấp. Cần có chính sách trợ giá xe điện, gói vay ưu đãi, hoặc chương trình đổi xe cũ lấy xe sạch. Việc triển khai trạm sạc cần đi trước một bước, phủ đều các khu dân cư và trung tâm đô thị. Có thể cân nhắc mô hình hợp tác công – tư để phát triển mạng lưới sạc nhanh, sạc thông minh. Chuẩn hóa và kiểm định xe điện", TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.
Một điều đáng lo ngại được chuyên gia chỉ ra đó là xe máy điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc có thể gây nguy cơ mất an toàn. Vì vậy cần có bộ quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định và cấp phép rõ ràng để đảm bảo chất lượng phương tiện lưu thông.
Đặc biệt, công tác truyền thông và tạo đồng thuận xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng. Cùng với đó là cần giải thích rõ ràng để người dân hiểu lợi ích lâu dài của chính sách. Nên khuyến khích doanh nghiệp, trường học, khu dân cư đi đầu trong sử dụng phương tiện xanh. Giám sát và điều chỉnh linh hoạt. Chính sách nên có cơ chế đánh giá định kỳ và điều chỉnh theo thực tế, tránh gây bất cập hoặc phản ứng xã hội tiêu cực.
Khuyến khích đi bộ và đi xe đạp
Song song với đó là khuyến khích đi bộ và đi xe đạp. Đây là một phần không thể thiếu trong chiến lược giao thông xanh của Hà Nội, nhưng hiện vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để thực sự phát huy hiệu quả. "Hiện nay hạ tầng của Hà Nội chưa thân thiện, các tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ như ven sông Tô Lịch, phố Thái Hà... vẫn thiếu kết nối liền mạch, bị lấn chiếm bởi rác thải, xe đỗ trái phép. Một số tuyến thí điểm như đường ven sông Tô Lịch đã có trạm xe đạp công cộng, nhưng ít người sử dụng do môi trường chưa đảm bảo và thiết kế chưa thuận tiện", chuyên gia chỉ ra.

Ngoài ra, xe đạp chưa được xem là phương tiện kết nối giao thông công cộng một cách bài bản. Cần quy hoạch làn đường riêng, điểm dừng, bãi giữ xe đạp tại các nhà ga, bến xe để tạo thuận lợi cho người dân. Học sinh, sinh viên, công nhân, khách du lịch là nhóm có thể sử dụng xe đạp hiệu quả cho các chuyến đi ngắn dưới 5km. Tuy nhiên, chưa có chính sách khuyến khích cụ thể như vé xe buýt tích hợp với xe đạp công cộng, hay ưu đãi cho người dùng thường xuyên.
Trong khi đó, vỉa hè nhiều nơi bị lấn chiếm, không đủ rộng hoặc không thông suốt khiến việc đi bộ trở nên bất tiện và thiếu an toàn. Hà Nội cần chỉnh trang đô thị để tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng, khuyến khích người dân đi bộ thay vì dùng xe cá nhân.
Giải pháp mà chuyên gia nêu ra là mở rộng các tuyến phố đi bộ, cho phép xe đạp hoạt động trong không gian này. Tích hợp xe đạp công cộng vào hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện. Tổ chức các chiến dịch truyền thông, sự kiện cộng đồng để thay đổi thói quen di chuyển.