Cần ít nhất 1 tháng để khôi phục các tuyến giao thông phía Bắc
VOV.VN - Mưa bão những ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng giao thông, với hàng trăm điểm sạt lở và hàng chục điểm ngập úng trên các tuyến quốc lộ trọng yếu phía Bắc, gây ách tắc và đứt gãy giao thông.
Ngay sau khi các sự cố xảy ra, công tác khắc phục, đảm bảo giao thông được ngành đường bộ gấp rút triển khai như thế nào? Đâu là những khó khăn trong công tác khắc phục và phương án khôi phục lại hệ thống hạ tầng giao thông cần thời gian bao lâu?
Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ I (Cục Đường bộ Việt Nam) xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết tình hình thiệt hại về hạ tầng giao thông do mưa bão những ngày qua?
Ông Nguyễn Xuân Lâm: Khu Quản lý đường bộ I chúng tôi quản lý các tuyến quốc lộ huyết mạch trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, trong đó có các tuyến từ Hà Nội đi Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng và nhiều tuyến nhánh khác trong mạng lưới đều chịu tác động nặng nề của bão và hoàn lưu bão số 3.
Về thiệt hại trên hệ thống đường bộ, hiện khối lượng đất sụt sạt rất lớn, có những điểm hàng vạn m3 gây cản trở và ách tắc giao thông.
Đối với các cầu, mực nước cũng lên rất cao, nguy cơ ảnh hưởng đến công trình rất lớn và trên tuyến cũng xảy ra tình trạng ngập lụt tại một số điểm trọng yếu, như: Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, QL3 qua địa bàn thành phố Thái Nguyên cũng có hiện trượng úng ngập, gây cản trở giao thông.
PV: Công tác khắc phục hạ tầng giao thông đến thời điểm hiện nay thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Lâm: Khu Quản lý đường bộ I với tinh thần luôn luôn sẵn sàng ứng phó với thiên tai, chúng tôi đã chuẩn bị huy động lực lượng, khi tình huống xảy ra tập trung khắc phục những điểm trọng yếu, những điểm đất sụt gây nguy hiểm, ách tắc giao thông thì xử lý ngay, đến nay hầu như không còn tình trạng ách tắc giao thông trên tuyến.
Trong thời gian, tới chúng tôi sẽ thực hiện bước 2, tức là sẽ xác định khối lượng và có kế hoạch để khôi phục lại kích thước hình học của cầu đường theo nguyên trạng trong thời gian sớm nhất.
Đối với các cầu, đơn vị cũng thường xuyên theo dõi mực nước để hạn chế tải trọng hoặc là phân luồng. Hiện cơn bão đã đi qua nhưng hậu quả còn rất lớn, đơn vị đang huy động sức người, máy móc thiết bị để tiếp tục giải quyết hậu quả trên các tuyến QL, trong đó có QL3 và đường Hồ Chí Minh để đảm bảo giao thông bình thường trong thời gian sớm nhất.
PV: Đâu là những khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả hạ tầng giao thông sau mưa bão?
Ông Nguyễn Xuân Lâm: Công tác khôi phục lại các công trình giao thông trở lại bình thường gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là các tuyến đường nằm trên địa bàn hiểm trở, phức tạp, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn.
Bởi vậy chúng tôi vừa phải đảm bảo giao thông, tối thiểu phải có 1 làn xe đi qua, vừa phải xử lý những hư hỏng của cầu đường, trong khi địa bàn rộng và phải đầu tư nhiều trong 1 thời gian ngắn, nên việc đảm bảo giao thông tương đối khó khăn. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ khôi phục lại giao thông bình thường trên tất cả các tuyến đường.
PV: Công tác kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu được quan tâm như thế nào và phương án đầu tư, bảo trì, sửa chữa trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Xuân Lâm: Định kì đầu năm chúng tôi triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai, rà soát lại tất cả các công trình, những điểm xung yếu, những điểm sạt lở trên tuyến và có phương án xử lý kịp thời, để ngăn ngừa đến mức tối đa những tác động thấy được để đảm bảo cho cầu đường.
Chúng tôi cũng có những kho vật tư dự phòng tại chỗ để khi có tình huống xảy ra không bị động và có lực lượng để xử lý được ngay, chủ động trong việc khắc phục hậu quả, ách tắc giao thông (nếu có) thì chỉ trong thời gian rất ngắn, giảm tối đa thời gian ách tắc giao thông trên tất cả các tuyến đường.
PV: Xin cảm ơn ông.