Cần mở rộng tỷ lệ bao phủ lương hưu với người cao tuổi
VOV.VN - Chúng ta cần có những chính sách phù hợp để tăng tỷ lệ người được hưởng lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Việt Nam thuộc nhóm những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Điều này đặt ra những thách thức vô cùng lớn khi có tới 60% người cao tuổi vẫn chưa có lương hưu hoặc chưa được nhận trợ cấp xã hội. Vì vậy, cần có những chính sách phù hợp để tăng tỷ lệ người được hưởng lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Những lao động tự do ở thành phố lớn, hầu như ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người cao tuổi.
Bà Toan nói: “Trung bình, tôi thu nhập 100.000 đồng/ngày, ngày cao nhất được 200.000 đồng. Hôm nào thu nhập nhiều, ăn nhiều, hôm nào không kiếm được thì ăn ít. Ai nhờ làm gì mình cũng làm miễn là có tiền”.
Bà Nguyễn Thị Toan chỉ là một trong số hàng triệu người cao tuổi Việt Nam không có điểm tựa khi tuổi cao sức yếu. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 30/6 năm nay, cả nước có gần 2,2 triệu người hưởng lương hưu, chiếm khoảng 24% người cao tuổi.
Cùng với chính sách trợ cấp hàng tháng đối với người từ 80 tuổi trở lên còn bộ phận lớn người cao tuổi trong khoảng từ 60 đến dưới 80 chưa có lương hưu và cũng không được hưởng trợ cấp.
Đây là thách thức đối với mạng lưới an sinh xã hội của Việt Nam. Để đảm bảo cuộc sống của người cao tuổi một cách bền vững, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách với người cao tuổi, trước mắt có thể điều chỉnh hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Luật BHXH có nhiều nội dung cải cách, trong đó có những biện pháp để đảm bảo mở rộng phạm vi bao phủ về chính sách, tạo cơ hội cho người lao động có điều kiện để tiếp cận lương hưu khi hết tuổi lao động. Cùng với đó là xây dựng hệ thống lương hưu đa trụ cột, tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sẽ có 50% người tham gia BHXH.
Ông Trần Hải Nam nói: “Về chính sách BHXH, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến chính sách an sinh xã hội nói chung, trong đó có chính sách BHXH với vai trò là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Tôi cho rằng cùng với hệ thống chính sách xã hội khác mà nhà nước đã và đang triển khai thực hiện hướng tới đối tượng là người lao động để tham gia đóng góp khi còn trẻ, còn sức khỏe, còn khả năng lao động để tích lũy cho việc thụ hưởng khi về già sẽ là giải pháp bền vững, đảm bảo ổn định thu nhập cuộc sống của người lao động khi trở thành những người cao tuổi”.
Năm nay, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Tháng hành động vì người cao tuổi với mong muốn cộng đồng sẽ quan tâm hơn tới những vấn đề của người cao tuổi. Tháng hành động có chủ đề "Vì người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn". Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt là 73 tuổi, tức là khá cao nhưng chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ nghèo ở người cao tuổi là 23,5%. Chỉ có 60% người cao tuổi có thẻ BHYT mà bảo hiểm y tế cũng chỉ có tác dụng khi bị bệnh nặng. Trong khi đó, phần lớn luật và chính sách về người cao tuổi của chính phủ nhiều và đầy đủ nhưng vẫn nặng về chăm sóc, coi người cao tuổi là đối tượng đi thăm, tặng nhà khi đã quá già và nghèo. Trong khi thực sự vẫn còn rất nhiều người còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến, vẫn muốn được tạo điều kiện nhưng chưa được đáp ứng. Người cao tuổi ít được tham gia những chương trình phát triển như xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, hay chương trình vay quỹ tín dụng để làm kinh tế để tự mình vươn lên.
Bà Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 70.000 câu lạc bộ người cao tuổi, trong đó có các mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau để giúp người cao tuổi tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe đời sống tinh thần. Bên cạnh đó, Hội cũng có nhiều chương trình để giúp người cao tuổi giảm bớt khó khăn.
Bà Cù Thị Hậu cho biết: “Chúng tôi có chương trình tham gia xóa nhà tạm, việc này làm thường xuyên dành cho những người cao tuổi ở nông thôn khó khăn. Nếu họ bị đục thủy tinh thể, chúng tôi sẽ mổ mắt miễn phí. Chúng tôi sẽ thực hiện cho người cao tuổi phù hợp từng năm. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, tỷ lệ già hóa dân số nhanh, chính sách của nhà nước đã có nhưng chưa có đủ điều kiện thực hiện ngay được nên công tác xã hội hóa là vấn đề quan tâm của Hội”.
Có thể nói, trong nhiều hoạt động giúp người cao tuổi cải thiện chất lượng cuộc sống, lương hưu vẫn là một trong những trụ cột vững chắc đối với người cao tuổi. Việc hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia bảo hiểm xã hội, có tích lũy khi về già là một trong những chính sách nhân văn. Do đó, chúng ta cần tuyên truyền vận động để mọi người dân tham gia, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ lương hưu đối với người cao tuổi trong tương lai./.