Cần quản lý chặt các nguồn rác thải trên di sản vịnh Hạ Long
VOV.VN - Để hạn chế tình trạng rác thải trôi nổi trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh cần kiểm soát tốt các nguồn phát thải ra vịnh đặc biệt là rác từ ven bờ.
Những ngày nồm ẩm, gió lặng là những ngày vất vả của công nhân thu gom rác trên vịnh Hạ Long, bởi rác từ trên núi, từ các khe đá và ven bờ theo mưa và thủy triều trôi nổi trên mặt vịnh.
Chị Dương Thị Liên (Công ty Cổ phần Cây xanh Quảng Ninh) cho biết dù cả đội xuất bến từ 6h sáng, làm việc không ngơi tay nhưng cũng không xuể: "Hôm nay trời gió to thì bớt đi một chút. Nói là ít thôi chứ một ngày cũng 3,4 mớn tàu. Vớt từ 5 giờ sáng đến 12h ăn cơm xong lại làm luôn. Mấy tháng nay rác trên biển cũng nhiều. Riêng khu vực này có 4 tàu, rác nhiều tăng cường thêm thành 6 tàu để thu gom”.
Để làm sạch mặt vịnh, mỗi ngày Ban quản lý Vịnh Hạ Long duy trì 12 tàu thu gom rác, cao điểm có ngày lên tới 20 tàu thu gom và tập kết rác để đưa về bờ xử lý. Phần lớn rác trôi nổi trên mặt vịnh là hộp xốp đựng thức ăn, cốc nhựa, mảng tre, túi nilon, đồ ăn thừa và nhiều nhất vẫn là phao xốp. Rác thải nhiều nhưng công nhân vệ sinh vẫn chỉ có thể dùng phương thức thủ công như dùng sào khều, dùng vợt vớt lên tàu thu gom... nên hầu như không xử lý được những rác loại nhỏ như lá cây, mảnh phao xốp.
Ông Hoàng Văn Hanh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn II, Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: "Lượng phao xốp năm nay ít hơn năm ngoái do năm ngoái có hoạt động tháo dỡ bè nuôi trồng thủy sản nên trôi ra vịnh nhiều. Tuy nhiên một số ngày không có gió, trời mù, thủy triều có biên độ lên cao kéo theo rác ở những ngóc ngách từ ven bờ, trên núi xuống vịnh. Đặc biệt là khi không có gió thì rác sẽ phân tán trên mặt vịnh lúc đó thu gom sẽ rất khó khăn”.
Những năm qua, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế rác thải trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt là sử dụng vật liệu nổi HDPE thay thế phao xốp trong nuôi trồng thủy sản; yêu cầu doanh nghiệp, điểm dịch vụ tại vịnh Hạ Long không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; cấm đánh bắt thủy sản tại vùng lõi...
Ông Lê Minh Tân, Phó Ban quản lý Vịnh Hạ Long cho biết, những biện pháp này đã góp phần đáng kể hạn chế rác thải trên vịnh. Tuy nhiên, nguồn rác thải từ các sông, suối và đặc biệt là rác thải ven bờ cần được quản lý chặt chẽ hơn:
"Điều quan trọng là tăng cường kiểm soát nguồn rác từ ven bờ. Ban quản lý vịnh cũng phối hợp với các bên liên quan để nghiên cứu biện pháp chặn rác từ nguồn để không đẩy ra ngoài vịnh. Còn với rác trên vịnh, Ban quản lý cũng có những giải pháp và nghiên cứu kỹ lưỡng là vào thời điểm nào, bám con nước, triều cường hay triều kiệt đặc biệt là rác rất hay đi theo luồng để thu gom hiệu quả nhất”.
Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã thực hiện 19 đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải. Tuy nhiên, một số điểm vẫn còn rác thải, túi nylon, phao xốp, nhất là tại một số điểm tham quan trên vịnh. Để giảm thiểu rác thải nhựa trên vịnh Hạ Long thì ngoài sự chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị kinh doanh dịch vụ thì sự thay đổi tích cực trong thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân là điều hết sức cần thiết.