Cần thay đổi quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”
VOV.VN -Nhiều bậc cha mẹ vẫn giáo dục con bằng cách đánh đòn, nhưng không hề biết rằng việc làm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em.
Sáng nay (22/11), tại hà Nội, tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision Việt Nam) và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp tổ chức Lễ khởi động sáng kiến toàn cầu về chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và nhà trường.
Các chuyên gia, khách mời thảo luận về vấn đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và nhà trường. |
Lễ Khởi động sáng kiến về "Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học" nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi từng thành viên trong cộng đồng góp sức xây dựng một môi trường sống lành mạnh, an toàn, đảm bảo an sinh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
Tại chương trình, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng và cách giải quyết đối với vấn đề bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học - hai môi trường có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ.
Theo bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện tổ chức World Vision Việt Nam, trong những năm gần đây, người Việt đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, cụ thể là nhiều bậc cha mẹ và giáo viên đã rất nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và chưa đồng đều ở mọi thành phần trong xã hội.
Bạo lực học đường: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về ai?
“Thực tế cho thấy, một số trẻ em vẫn bị cha mẹ hoặc người thân trong gia đình kỷ luật bằng roi vọt, một số thầy cô giáo cũng dùng biện pháp trừng phạt thân thể đối với trẻ em.
Nhiều vụ việc đã gây sự chú ý và bất bình trong dư luận như 2 cô giáo trường mầm non không kiềm chế được cơn nóng giận mà dùng dép đánh vào đầu, kéo tai trẻ. Hay tháng 8 vừa qua, một bé trai 1 tuổi được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng có nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Nhiều bậc cha mẹ và thầy cô vẫn tin rằng đòn roi là phương pháp hiệu quả để dạy con nên người. Thế hệ của tôi đã được nuôi dạy với những quan niệm như “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”.
Ảnh hưởng bởi quan niệm này và chính kinh nghiệm bản thân, nhiều người trong thế hệ của tôi, thậm chí trẻ hơn nhiều, có xu hướng dạy con theo cách trước đây cha mẹ mình đã làm, mà không nghĩ sâu xa về hậu quả của cách giáo dục đó đối với con em mình”, bà Huyền lo ngại.
Theo Báo cáo chuyên đề can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 1800 1567 (Cục Trẻ em - Bộ LĐTBXH, tháng 6 năm 2017), giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5/2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 0-10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất, chiếm 56,9%; tỉ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất (63,2%), đứng thứ hai là trẻ bị bạo lực trong trường học (20,1%).
Đại diện cho trẻ em lên tiếng về vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình và nhà trường, em Lương Thị Quỳnh – Đại sứ Trẻ em của Sáng kiến chia sẻ: “Đòn roi sẽ chỉ làm chúng cháu sợ sệt, thậm chí trở nên lì và khó bảo hơn. Cháu e rằng sau này chúng cháu sẽ vô thức bắt chước theo bố mẹ, dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề của mình. Cháu mong muốn cha mẹ sẽ dùng lời lẽ để khuyên giải, động viên, khích lệ hơn là dùng đòn roi để dạy bảo con cái”.
Ngoài ra, những thông điệp của chương trình còn được truyền tải qua bài hát của Sáng kiến “Điều tuyệt vời nhất”, do ca sỹ Hà Anh Tuấn thể hiện./.
Xâm hại tình dục trẻ em và nỗi lo của người dân nông thôn
Xâm hại tình dục trẻ em: Đừng để rơi vào im lặng!