Cẩn trọng cấp phép cho điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật liệu thải ra biển
VOV.VN - Điện lực Vĩnh Tân 1 đang xin cấp phép dự án nhận chìm hơn 1,5 triệu m3 vật liệu thải ra biển. Dư luận lo ngại nguy cơ tác động xấu môi trường biển.
Mặc dù dự án đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ, nhưng dư luận tỏ ra lo ngại trước nguy cơ tác động xấu đến môi trường biển. Theo các nhà khoa học và ngành chức năng địa phương, Bộ TN-MT cần cẩn trọng trước khi cấp phép cho dự án này.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau nằm gần Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (thuộc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1) đang được xây dựng tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Để phục vụ cho hoạt động của nhà máy, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin Bộ TN-MT xin cấp phép cho Dự án nhận chìm vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng.
Theo đó, vật liệu nạo vét dự kiến sẽ đổ thải ra biển là hơn 1,5 triệu m3 trên diện tích 30 ha.
Trước khi cấp phép, Bộ TN-MT lấy ý kiến của UBND tỉnh Bình Thuận về ảnh hưởng của vị trí và hoạt động nhận chìm đối với phát triển kinh tế xã hội và các vấn đề liên quan ở địa phương. Thực hiện đề nghị của UBND tỉnh, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các ngành liên quan, ngày 31/10, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận đã có công văn số 4304 gửi đến Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trên cơ sở văn bản đề nghị của Vĩnh Tân 1, Tổng cục đang thẩm định, trình lấy ý kiến địa phương. Bây giờ người ta lấy ý kiến mình, thì mình phúc đáp Tổng cục Biển và Hải đảo. Ngoài kia người ta kiểm tra, thẩm định xong rồi mới trình Bộ TN-MT duyệt theo hồ sơ ĐTM được duyệt”.
Trong công văn phúc đáp, Sở TN-MT Bình Thuận khẳng định vị trí khu vực biển được lựa chọn để sử dụng cho hoạt động nhận chìm phù hợp với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt ngày 24/7/2014 cho dự án xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Theo quan điểm của cơ quan này, khối lượng vật liệu nạo vét đổ thải lớn; nếu đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền thì cần phải có diện tích tương đối lớn; trong khi đó địa hình tại huyện Tuy Phong phức tạp không có mặt bằng để thực hiện và việc đổ thải trên đất liền có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường.
Rạn san hô dưới thuộc Khu bảo tồn Hòn Cau có thể bị tác động |
Trong phần kiến nghị, Sở TN-MT Bình Thuận cho rằng khi đổ thải xuống biển, thì những tác động của dự án đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau là có thể xảy ra và sẽ bị tác động mạnh nếu để xảy ra sự cố; do đó đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu tận dụng tối đa vật liệu nạo vét để san lấp các khu vực lấn biển của cảng Tổng hợp Vĩnh Tân nằm gần đó. Chủ đầu tư cũng cần bổ sung các giải pháp xử lý khi có sự cố, rủi ro xảy ra trong quá trình nạo vét, đổ thải.
Trao đổi với phóng viên VOV, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, người từng nhiều năm nghiên cứu hệ sinh thái biển ở khu vực Cà Ná – Vĩnh Tân - Hòn Cau cho biết: ông chưa thể khẳng định dự án xả thải vật liệu nạo vét của Vĩnh Tân 1 sẽ tác động ở mức nào đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Bởi lẽ, ông chưa biết chính xác vị trí đổ thải, kỹ thuật nhấn chìm cũng như mô hình lan truyền chất thải. Tuy nhiên, việc lấy bùn thải sau khi nạo vét đem đổ xuống biển chắc chắn gây phát tán theo dòng chảy, lắng đọng dải trầm tích trên đáy biển và ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển ở khu vực Hòn Cau.
Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn giải thích: “Lắng đọng trầm tích này rất nguy hiểm đối với rạn san hô, vì nó bao phủ gây chết san hô tạo rạn. Và chúng ta đã biết, vùng Cà Ná và nhất là xung quanh đảo Hòn Cau, rạn san hô đóng vai trò rất quan trọng, cho nên việc đánh giá tác động phải chú trọng đến sự lan truyền và lắng đọng trầm tích đến rạn san hô ở vùng này”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thải, Giám đốc Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết: Để khẳng định có ảnh hưởng hay không là phải có căn cứ, phải có điều tra khảo sát với số liệu chính thức.
Theo ông Thải, xung quanh khu vực Hòn Cau là vùng nước trồi, vùng nước trồi giao lưu giữa hai dòng nước lạnh và nước nóng, đặc biệt khu vực này các sinh vật rất là phong phú và tập trung các bãi sinh sản cho nhiều loài. Để tránh bị tác động xấu bởi dự án của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định đảm bảo môi trường của chủ đầu tư, trong đó có sự tham gia của các ngành chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tuy Phong, các xã vùng biển và nhất là thành viên của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xin đổ thải hơn 1,5 triệu m3 ra biển
Ông Thải nói: “Tại vì khu bảo tồn này có tầm quan trọng đối với quốc gia và cả khu vực xung quanh và cả khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận. Xung quanh khu bảo tồn, đa dạng sinh học các loài rất là phong phú, nếu chúng ta không có giám sát tốt việc đánh giá tác động môi trường mà chủ đầu tư cam kết thực hiện, thì nó ảnh hưởng xấu đến môi trường và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương”.
Trước những thực tế trên, để tránh những hậu quả tác động đến môi trường có thể xảy ra, Bộ TN-MT trường cần cẩn trọng hơn khi cấp phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ trực tiếp hơn 1,5 triệu m3 vật liệu thải ra biển Vĩnh Tân./.