Long An: 50 doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường suốt 10 năm
VOV.VN -Gần 50 doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Hoàng Gia ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa xả thải thẳng ra môi trường suốt 10 năm qua.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Long An vừa qua, nhiều cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng nước thải sinh hoạt và sản xuất của gần 50 doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Hoàng Gia ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa xả thải thẳng ra môi trường.
Cụm công nghiệp Hoàng Gia với tổng diện tích hơn 128ha, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Long An làm chủ đầu tư, hoạt động suốt hơn 10 năm qua nhưng không có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân.
Nước thải đen ngòm từ Cụm công nghiệp Hoàng Gia thải ra môi trường, bốc mùi hôi thối nồng nặc (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An về vấn đề này.
PV: Thưa ông, việc Cụm công nghiệp Hoàng Gia hoạt động 10 năm nay mà không có nhà máy xử lý nước thải tập trung, chính quyền tỉnh Long An có biết không?
Ông Nguyễn Văn Được: Các cơ quan quản lý của tỉnh Long An đều biết hiện trạng này. Long An chủ trương làm công nghiệp sạch, đảm bảo cho phát triển bền vững. Phát triển công nghiệp phải bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, Cụm công nghiệp Hoàng Gia đúng là có tình trạng nêu trên, nguyên do chủ yếu từ phía nhà đầu tư. Ông chủ đầu tư đột ngột qua đời, phát sinh tranh chấp tài sản và phân chia tài sản trong gia đình, đồng thời nguồn lực kinh tế của công ty này hạn chế. Cho nên, việc quan tâm đầu tư xử lý nước thải cho cụm công nghiệp này ít.
PV: Thời gian qua, Long An đã làm gì để giải quyết vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Được: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo sát sao vấn đề này. Ngay khi phát hiện sự việc, Ủy ban đã chỉ đạo các ngành chức năng làm việc với nhà đầu tư, yêu cầu cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Chỉ đạo gần đây nhất và quyết liệt nhất là Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Công ty Hoàng Gia khi chuyển nhượng hoặc cho thuê đối với các doanh nghiệp thứ cấp thì tiền chuyển nhượng đó phải chuyển vào một tài khoản mở tại Kho bạc tỉnh Long An và được chuyển cho nhà thầu xây dựng khu xử lý nước thải.
Số tiền dư còn lại thì doanh nghiệp xây dựng hạ tầng mới được nhận để làm việc khác. Hiện nay, tiến độ là đã làm được phần móng của khu xử lý nước thải, còn việc lắp đặt thiết bị máy móc thì Ủy ban đang yêu cầu doanh nghiệp làm sớm để đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
PV: Tỉnh có đưa ra thời hạn cho việc này không? Và nếu doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp này không thực hiện được thì sẽ xử lý tiếp theo như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Được: Hiện nay, sau họp Hội đồng nhân dân vừa rồi, tỉnh quyết tâm chỉ đạo hoàn thành hệ thống xử lý nước thải này trong năm 2016, chậm nhất là đầu năm 2017. Quan trọng hiện nay là kinh phí thực hiện.
Theo tôi được biết, cụm công nghiệp này cũng khó khăn trong việc cho nhà đầu tư thứ cấp thuê hạ tầng do khủng hoảng kinh tế, thêm vào đó quỹ đất còn lại ít nên nhà đầu tư khó về kinh phí.
Nhưng quyết tâm của tỉnh là bằng mọi cách để nhà đầu tư này phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải để xử lý vấn đề môi trường, chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường của Cụm công nghiệp Hoàng Gia này trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!./.