Cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang: Chia nhỏ gói thầu, dễ nảy sinh tiêu cực
VOV.VN - Dự án cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài 70km chia thành 06 gói thầu, mỗi gói thầu khoảng 10km khiến nhiều chuyên gia, nhà thầu giao thông lo ngại việc này sẽ phát sinh nhiều bất cập và dễ nảy sinh tiêu cực.
70km đường cao tốc nhưng được chia nhỏ thành 06 gói thầu
Sau khi được Chính phủ đồng ý phê duyệt đầu tư tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai.
Tại đoạn tuyến qua tỉnh Tuyên Quang, ngày 9/1/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn- cũng đã có Quyết định Số: 09/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang -Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 70km với tổng cộng giá trị các gói thầu hơn 5.153 tỷ đồng.
Việc phân chia gói thầu tại dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang cho thấy có nhiều bất cập. Cụ thể, hạng mục xây lắp của dự án được UBND tỉnh Tuyên Quang chia thành 6 gói thầu (từ gói thầu 19 đến gói thầu 25), mỗi gói thầu khoảng 10km, giá trị từ 500-1.000 tỷ theo phương thức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý 1, quý 2/2023.
Đáng nói, cả 6 gói thầu xây lắp của dự án đều áp dụng loại hợp đồng trọn gói có đơn giá điều chỉnh, thời gian thực hiện hợp đồng trong 24 tháng. Trong đó, gói thầu có giá trị nhỏ nhất là gói thầu 21 (520,2 tỷ đồng), lớn nhất là gói thầu 20 (1.271,3 tỷ đồng), chiều dài bình quân mỗi gói thầu khoảng hơn 10km.
Trước đó, để có cơ sở ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định 1868 ngày 21/12/2022 phê duyệt dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Dự án có tổng chiều dài 77km, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam nhìn nhận, dù áp dụng hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu thì việc phân chia quy mô gói thầu rất quan trọng. Bởi lẽ, nhà thầu nào cũng mong muốn quy mô gói thầu đủ lớn để huy động, tập kết máy móc, phương tiện, con người, đầu tư trang thiết bị để tổ chức thi công.
"Đối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 77km, dù đưa ra lý gì thì việc phân chia các gói thầu cũng phải căn cứ vào quy mô nhất định, không nên chia bé quá", ông Hiệp nói
Ông Hiệp cho rằng, việc chia quá "vụn" ắt sẽ dẫn tới tình trạng khó đảm bảo về quá trình khớp nối, kiểm soát chất lượng thi công đồng nhất.
Theo ông Hiệp, căn cứ năng lực thực tế của các nhà thầu thi công cao tốc ở Việt Nam hiện nay thì các dự án đường cao tốc nên chia mỗi gói thầu theo quy mô từ 20 - 30km là hợp lý.
"Các công trình giao thông do địa phương làm chủ đầu tư tâm lý chung là đều muốn quan tâm đến các nhà thầu ở địa phương. Những nhà thầu làm đường ở trong nội bộ tỉnh thì hầu như quy mô vốn rất có hạn, năng lực đáp ứng yêu cầu gói thầu có hạn. Vì thế, việc phân chia gói thầu cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có chăng là để các doanh nghiệp của tỉnh trúng được thầu, tạo công ăn việc làm cho nhà thầu ở địa phương”, ông Hiệp đặt câu hỏi.
Trong khi đó, PGS.TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nói thẳng: "Làm cao tốc không phải là để tạo công ăn việc làm cho nhà thầu nhỏ".
Ông Chủng lấy dẫn chứng, trong khi cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 được Bộ GTVT rút kinh nghiệm ở gian đoạn 1 đã chia mỗi gói thầu từ 20-40km, giá trị từ 3.000-8.000 tỷ.
“Việc chia nhỏ như vậy rất khó quản lý, không lựa chọn được các nhà thầu lớn, có uy tín tham gia. Việc này Tuyên Quang cần tham khảo cách Bộ GTVT phân chia gói thầu và đã lựa chọn được các Nhà thầu lớn tham dự. Hơn nữa, phải tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chấm dứt chia nhỏ gói thầu, thông thầu, bán thầu khi làm việc với tỉnh Tuyên Quang về dự án cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang vào sáng mùng 4 tết Nguyên đán 2023”, PGS.TS. Trần Chủng nói.
Ông Chủng phân tích thêm, ở góc độ địa phương, thường tỉnh nào cũng muốn cho các nhà thầu trên địa bàn được tham gia dự án để nâng cao năng lực. Trong khi, các nhà thầu lớn cũng cần sự tham gia của các nhà thầu địa phương để tận dụng nguồn lực tại chỗ. Thậm chí, tổng thầu còn có thể giao trang thiết bị cho các thầu phụ để nâng cao năng lực thi công.
"Tôi ủng hộ nguyên tắc không chia nhỏ gói thầu. Các gói thầu lớn thì phải được giao cho những nhà thầu giàu năng lực, kinh nghiệm. Các nhà thầu địa phương muốn trưởng thành thì trước hết phải làm thầu phụ. Không thể vẫn đang là nhà thầu nhỏ mà lập tức một lúc ôm hết các phần việc thì sẽ có rất nhiều khó khăn", ông Chủng nói.
Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, năng lực của nhà thầu Việt đang dần được nâng lên qua các gói thầu cao tốc. Giai đoạn 2017 - 2020, quy mô các gói thầu cao tốc từ 1.000 tỷ - 3.000 tỷ đồng, đến giai đoạn 2021 - 2025, các nhà thầu Việt đã đảm nhận thi công các gói thầu cao tốc từ 3.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng.
“Việc chia nhỏ gói thầu quá là không nên, nên tập trung vài gói thầu lớn,cho những nhà thầu đủ năng lực đảm nhận, cơ quan Nhà nước giám sát chặt về tiến độ, chất lượng như vậy sẽ tạo được hiệu quả cao hơn”, địa diện nhà thầu nói.
Rất bất hợp lý nếu làm đường một nơi, cầu một nẻo
Theo văn bản phóng viên VOV.VN có được, trong 6 gói thầu xây lắp của dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, riêng phần cầu được chủ đầu tư tách thành một gói thầu riêng (gói thầu số 24, giá trị 880,39 tỷ đồng) gồm 22 cầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Nói về việc chia tách này, TS. Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, thông lệ chung từ các dự án dùng vốn trong nước hay các dự án dùng vốn ODA, những cầu nhỏ, cống chui thuộc về phần việc của đoạn đường. Nếu tách riêng các cầu nhỏ và phần đường ra sẽ kéo theo rất nhiều bất cập trong việc kết hợp giữa các nhà thầu.
"Trường hợp đường đầu cầu đang làm nhưng phần cầu chưa triển khai thì làm sao mà thông tuyến được. Việc nhà thầu vừa làm đường, vừa làm cầu sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi công đồng nhất. Thực tế, các cầu vừa và lớn thì theo nguyên tắc sẽ phân chia thành gói thầu riêng, có thể từ vài cầu gộp vào chung trong một gói thầu”, ông Long nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Chủng nhìn nhận, việc chia 22 cầu nhỏ thành một gói thầu riêng với giá trị khoảng hơn 880 tỷ đồng nhưng trải dài trên toàn tuyến hơn 70km là điều không phù hợp về mặt tổ chức lao động, yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là việc tổ chức thi công sẽ bất hợp lý.
“Tại sao chủ đầu tư không giao phần đường và phần cầu chung cho một nhà thầu. Tại sao lại phải chia thành các gói thầu nhỏ, rồi các gói thầu lại triển khai theo kiểu đan xen vào nhau như vậy, đây là điều rất khó hiểu", ông Chủng đặt câu hỏi.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu, vấn đề lớn nhất của các gói thầu là quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng sau đấu thầu, việc huy động nhân sự, máy móc, thiết bị…để thi công công trình bảo đảm chất lượng và tiến độ, tránh để xảy ra tình trạng “bán thầu”, chuyển nhượng thầu trái pháp luật.
“Nếu quản lý không tốt, giám sát không chặt thì dù có giao công trình nhỏ cho 1 nhà thầu vẫn có khả năng xảy ra các bất cập, sai phạm trong đấu thầu”, ông Hùng nói.
Một chuyên gia về đầu tư cho rằng, để tránh xảy ra tình trạng “bán thầu”, “băm nát” gói thầu trong quá trình thi công, ngoài việc quản lý, giám sát chặt, “danh tính” nhà thầu được chỉ định trúng thầu thi công cao tốc cần công khai rộng rãi, “niêm yết” ở các hạng mục công trình lớn./.
Nghiêm cấm chia nhỏ gói thầu cao tốc, tránh nảy sinh tiêu cực
Trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi thị sát các dự án giao thông đều yêu cầu dự án không được chia nhỏ gói thầu. Được ghi rất rõ trong thông báo kết luật số 29/TB và 46TB của Văn phòng Chính phủ.
Sáng 25/1 (mùng 4 tết Nguyên đán), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; thăm chúc tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án và bà con nhân dân khu tái định cư.
Tại đây, Thủ tướng yêu cầu, với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Cùng đó, Bộ GTVT đã có những chỉ đạo cụ thể, không chia nhỏ gói thầu là bởi rất khó quản lý, không lựa chọn được các nhà thầu lớn, có uy tín tham gia. Bộ phân chia gói thầu và đã lựa chọn được các nhà thầu lớn tham dự tại dự án cao tốc Bắc – Nam.