"Cấp gạo nuôi cơm, cầm tay chỉ việc" giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
VOV.VN - Khánh Hòa là tỉnh thuộc nhóm khá có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Thế nhưng, 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn lại thuộc diện những huyện nghèo nhất cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm nghèo bền vững bài toán lớn đối với địa phương này.
LTS: Hơn 20 năm trước, tỉnh Khánh Hòa đã xác định tập trung đầu tư phát triển 2 huyện miền núi theo hướng toàn diện. Từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2023, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành gần 20 Nghị quyết đầu tư phát triển cho khu vực này, mục tiêu mỗi năm giảm khoảng 7% số hộ nghèo, đưa 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo bền vững vào năm 2025.
Trong bài viết với nhan đề "Cấp gạo nuôi cơm, cầm tay chỉ việc đối với đồng bào dân tộc thiểu số" của loạt bài Giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi ở Khánh Hòa, chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc những giải pháp mà tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện để sớm đưa 2 huyện miền núi thoát nghèo bền vững.
Hết giờ học buổi sáng, gần 300 học sinh dân tộc thiểu số ở Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cùng ăn trưa tại trường. Em Hà Thị Thảo Phương, dân tộc RagLay, thôn Đá Trắng, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Cầu Bà cho biết, nếu như không được ăn trưa tại trường, các em phải đi bộ về nhà, buổi chiều trở lại lớp rất mệt mỏi.
"Sống ở trường được gặp bạn bè mỗi ngày, được ăn no, ngủ trưa, chiều dậy học bài. Các bạn toàn trường đều được ăn no, mỗi ngày đều thay đổi món", một em học sinh chia sẻ.
"Cấp gạo, nuôi cơm" là chính sách riêng của tỉnh Khánh Hòa dành cho học sinh người dân tộc thiểu số thực hiện hơn 18 năm nay. Chính sách này nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc ít người cho con em đi học, chống bỏ học. Năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã dành hơn 120 tỷ đồng để hỗ trợ tiền ăn, học bổng, miễn giảm học phí cho học sinh hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Từ tháng 10/2023, tỉnh Khánh Hòa tăng mức hỗ trợ từ 200.000 đồng lên 300.000 đồng/tháng đối với học sinh Tiểu học, từ 200.000 đồng lên 330.000 đồng/tháng đối với học sinh Mầm non.
Ông Lê Xuân Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Cầu Bà cho biết, trước đây, học bổng tính bằng gạo nhưng từ 10 năm nay chuyển sang hỗ trợ học sinh ăn trưa tại trường. Chất lượng dinh dưỡng, thể trạng của học sinh miền núi được cải thiện, tỷ lệ ra lớp đạt 100%. Gần 40 năm giảng dạy ở nhiều vùng miền núi, thầy Lê Xuân Tân cho biết, các thế hệ học sinh người dân tộc thiểu số ngày càng tự tin, dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.
"Nuôi trước, dạy sau, chứ không nuôi sẽ không có học sinh để dạy. Sau 10 năm gặp lại các em sự giao tiếp, hiểu biết khác hẳn, đa phần lanh lẹ hơn, xử lý vấn đề tốt", thầy Lê Xuân Tân nói.
Không chỉ quan tâm sự nghiệp giáo dục, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt chú ý công tác xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi. Các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương được triển khai kịp thời. Kết cấu hạ tầng được đầu tư lớn, có trọng điểm đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định.
10 năm trước, từ nghị quyết hỗ trợ làm vườn rừng và chăn nuôi đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, những người Kinh có nhiều kinh nghiệm đã "cầm tay chỉ việc", cùng liên kết giúp bà con phát triển sản xuất. Bà Cao Thị Thịnh ở thôn Gia Răng, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh cho biết, gia đình trồng 3 sào bưởi chuyên canh giúp gia đình thoát khỏi hộ cận nghèo.
"Bây giờ hết cận nghèo rồi, đỡ hơn người khác rồi. Mình cũng có ăn có mặc, trồng được hơn 100 cây bưởi, có đồng ra đồng vô. Thấy người ta mình cũng trồng. Kỹ thuật thì xã xuống chỉ cho mình", bà Cao Thị Thịnh chia sẻ.
Chị Cao Thị Nỷ, hộ nghèo ở thôn Suối Cá, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh sau khi được hỗ trợ học nghề nấu ăn đã mở quán bán đồ ăn sáng trước nhà. Căn nhà dột nát cũng được xây lại kiên cố, bây giờ, gia đình Cao Thị Nỷ đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
"Nhà nước hỗ trợ nhà ở cho tôi. Đi học nghề về, giúp cho mình thêm tay nghề để nấu ăn, buôn bán thêm, bán đồ ăn sáng. Thu nhập cũng ổn định hơn. Có nhà, có nghề sẽ cố gắng thoát nghèo thôi", chị Cao Thị Nỷ nói.
Tỉnh Khánh Hòa có gần 1,2 triệu dân với 36 dân tộc anh em. Trong đó, 35 dân tộc thiểu số có số dân hơn 72.000 người, chiếm tỷ lệ gần 6% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiếu số nhiều nhất ở đây là dân tộc Raglay, chiếm đến 78% trong số hơn 72.000 người vừa nêu, còn lại là người Cơ Ho, Ê Đê, Tày, Nùng...
Các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng miền núi thuộc 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã miền núi của các địa phương khác. Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói, hơn 20 năm trước, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương phát triển kinh tế miền núi. Theo đó, mỗi hộ đồng bào miền núi được cấp 1 sào lúa nước, vườn nhà và bò cái để chăn nuôi. Bộ đội, Thanh niên xung phong lên miền núi giúp đỡ người dân biết cách canh tác.
Đến năm 2000, tỉnh Khánh Hòa phủ kín điện ở miền núi, các xã đều có đường ô tô đến trụ sở xã, bà con không còn du canh, du cư. Tuy vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn ở mức cao do nhà thiếu gạo ăn, bố mẹ bắt con đi làm nương rẫy. Ông Phạm Văn Chi nhớ lại, từ thực tế này, tỉnh Khánh Hòa quyết định, hàng tháng cấp gạo cho học sinh yên tâm đi học.
"Trả gạo bằng chấm công đi học, cho nên không thiếu mặt các cháu, đấy là chủ trương tôi thấy rất sáng tạo. Các cháu tốt nghiệp 12 rồi công việc sẽ khác trước, đồng bào nghe dễ hiểu hơn người Kinh nói" ông Phạm Văn Chi nói.
Năm đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Tỉnh ủy Khánh Hòa có Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Các nhiệm kỳ tiếp theo, Nghị quyết này tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung. Tỉnh ủy Khánh Hòa đặt mục tiêu đến hết nhiệm kỳ 2020-2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng 1,8 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 4% đến 5%.
Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2021- 2026 đến nay, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành 20 Nghị quyết liên quan nội dung này, ngân sách mỗi năm dành khoảng 400 tỷ đồng để thực hiện chủ trương phát triển toàn diện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Xác định năng lực tiếp cận chương trình đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, họ không giống nhau, không đồng đều nhau, ở những vùng có sự khác nhau. Chúng ta ban hành Nghị quyết đúng rồi còn quá trình thực hiện Nghị quyết phải được giám sát thường xuyên để đảm bảo rằng Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống của đồng bào, cải thiện đời sống của bà con", ông Trần Mạnh Dũng cho biết.
Ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá, mặc dù không có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm công tác này từ rất sớm và đầu tư toàn diện.
"Mặc dù, tỉnh Khánh Hòa là địa bàn không có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh khi chưa có chương trình mục tiêu hoặc không có chương trình của Trung ương, các đồng chí đã có sự quan tâm đặc biệt. Đầu tư cả về cơ sở vật chất, con người, các dự án chương trình hỗ trợ cho người dân theo chủ trương của Đảng, tôi thấy là toàn diện", ông Hầu A Lềnh cho biết.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Hòa còn chiếm 2/3 số hộ nghèo toàn tỉnh. Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, cả 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo.
Thực tế cho thấy, một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo theo cách "cho con cá" thông qua việc thăm hỏi, tặng quà, tặng dụng cụ sinh hoạt, hỗ trợ tiền đột xuất... Chính điều này đã tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là những thách thức đặt ra trên hành trình giảm nghèo bền vững tại khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa mà chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo.