Chậm, hủy chuyến bay khách được bồi thường như thế nào?
VOV.VN - Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư mới liên quan đến việc phục vụ, bồi thường khách bị chậm, hủy chuyến khi đi máy bay.
Theo Thông tư mới, chậm chuyến từ 2 giờ phải phục vụ nước uống. Chậm từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn. Chậm từ 6 giờ trở lên (từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không. |
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 27/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014 quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không và Thông tư số 14/2015 quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Thông tư mới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2017.
Thông tư quy định: Chậm từ 2 giờ phải phục vụ nước uống. Chậm từ 3 giờ trở lên phải phục vụ ăn. Chậm từ 6 giờ trở lên (từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không.
Trong trường hợp chậm 6 giờ trở lên (từ 22 giờ hôm trước đến trước 7 giờ ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách; Chuyển đổi hành trình của hành khách trong phạm vi cung cấp dịch vụ của hãng hàng không để hành khách tới được điểm cuối của hành trình một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất…
Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư mới, về dịch vụ phục vụ hành khách của chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến là hãng hàng không phải cung cấp thông tin về tình trạng chuyến bay cho doanh nghiệp cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách, đơn vị cung ứng dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất và các Cảng vụ hàng không nơi phát sinh chuyến bay chậm, hủy chuyến.
“Hãng hàng không đồng thời phải bố trí nhân viên thông báo và tổ chức cung cấp các dịch vụ mà hành khách được hưởng theo quy định, giải quyết các thắc mắc và nhu cầu của hành khách trên cơ sở tình hình thực tế tại cảng hàng không và quy định của pháp luật”, nội dung Thông tư nêu rõ.
Khi chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến là hãng hàng không phải cung cấp thông tin về tình trạng chuyến bay cho doanh nghiệp cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ. |
“Trường hợp chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên so với lịch bay căn cứ, hãng hàng không có trách nhiệm: Thông báo cho hành khách các thông tin liên quan đến chuyến bay trong đó có lý do của việc chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách, xin lỗi hành khách. Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm chuyến, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định”.
Thông tư số 27/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2015 quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
“Hãng hàng không phải cung cấp thông tin cho cảng vụ hàng không, doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách về nguyên nhân hủy chuyến bay, chuyến bay bị chậm kéo dài ngay sau khi có quyết định hủy hoặc sau khi xác định chuyến bay bị chậm kéo dài để thực hiện việc giám sát, cập nhật lên hệ thống thông tin của cảng hàng không, sân bay”, nội dung Thông tư quy định.
Trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm chuyến bay dự kiến cất cánh theo lịch bay căn cứ (trường hợp chuyến bay bị hủy) hoặc cất cánh thực tế (trường hợp chuyến bay có hành khách bị từ chối vận chuyển hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài), các hãng hàng không gửi cảng vụ hàng không báo cáo sơ bộ về công tác phục vụ chuyến bay bao gồm các thông tin số hiệu chuyến bay, giờ dự kiến khởi hành, giờ cất cánh thực tế, số khách bị ảnh hưởng, tổng số khách được bồi thường, tổng số tiền bồi thường, tổng số khách được phục vụ ăn, uống, khách sạn hoặc xe đưa đón, tổng chi phí phát sinh.
“Các hãng hàng không phải tổng hợp các thông tin chi tiết và gửi báo cáo bằng văn bản tới cảng vụ hàng không trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm chuyến bay dự kiến cất cánh (trường hợp chuyến bay hủy) hoặc cất cánh thực tế (trường hợp chuyến bay có hành khách bị từ chối vận chuyển hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài)”.
Hãng hàng không được miễn trừ nghĩa vụ trả tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hành khách được vận chuyển miễn phí; hành khách được vận chuyển theo giá giảm áp dụng đối với nhân viên hãng hàng không, nhân viên đại lý của hãng hàng không, đối tác, bạn hàng sử dụng vé miễn giảm cước. Trường hợp một chuyến bay bị chậm kéo dài sau đó bị hủy thì việc bồi thường ứng trước không hoàn lại chỉ áp dụng 1 lần.
Doanh nghiệp cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách có trách nhiệm cập nhật thông tin chuyến bay bị hủy, bị chậm kéo dài lên hệ thống thông tin của cảng hàng không ngay sau khi nhận được thông tin do hãng hàng không cung cấp theo quy định./.