Chàng trai 39 lần hiến máu nhưng chưa 1 lần “dám” nhìn kim tiêm
VOV.VN - Hai chàng trai 9X hiến máu gần 40 lần, người thì chưa 1 lần dám nhìn kim tiêm, người thì “lôi kéo” cả 1.000 người hiến máu.
Tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng những thanh niên này đã trở thành thành viên quen thuộc của các phong trào, đơn vị hiến máu. 2 trong số 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu cho 63 tỉnh, thành trên toàn quốc năm 2022 vừa được vinh danh là bạn Lê Duy Triệu (Thanh Hóa) và Trần Vũ (Gia Lai).
39 lần hiến máu chưa dám nhìn kim tiêm đến 1 lần
Biết đến phong trào hiến máu từ năm 2012, khi đó chàng thanh niên Lê Duy Triệu (sinh năm 1995, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa) đang là học sinh cấp 3. Vừa đủ 18 tuổi được 2 ngày, Triệu đã đăng ký tham gia hiến máu tại huyện nhà.
Nhớ về kỷ niệm lần đầu hiến máu, Triệu kể: “Lúc đó tôi hồi hộp lắm và cũng rất sợ nhìn vào kim tiêm nữa. Khi bác sỹ tìm ven tay lấy máu, tôi ngoảnh mặt sang hướng khác. Chỉ 1 lúc sau, bác sỹ nói rằng đã đầy túi máu rồi cháu ơi, tôi mới giật mình, sao nhanh thế. Cũng từ đó đến nay, 39 lần hiến máu, tôi chưa dám nhìn vào kim tiêm đến 1 lần”.
Cũng trong lần hiến máu này, Triệu đã trở thành thành viên của CLB tuyên truyền, vận động hiến máu tỉnh Thanh Hóa. Đến thời điểm hiện tại, chàng trai 9X này luôn năng nổ trong các phong trào hiến máu tình nguyện, thường xuyên tham gia hiến máu nhắc lại và đã tuyên truyền, vận động hơn 3.000 người tham gia hiến máu.
Khác với những người trẻ khác thường hiến theo phong trào, hiến máu theo đợt, Triệu gắn bó dài lâu với phong trào hiến máu cũng bởi vì cậu sớm chứng kiến thực tế của một bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh - đó chính là cháu ruột của Triệu. Trong những lần đi thăm bệnh, chàng thanh niên này đã mắt thấy, tai nghe rất nhiều hoàn cảnh giống như cháu của mình. Cũng từ đó, Triệu luôn dặn lòng phải luôn giữ gìn sức khỏe để cung cấp nhiều hơn nữa những đơn vị máu tốt nhất đến cho người bệnh.
“Khi chứng kiến những hoàn cảnh bị tan máu bẩm sinh giống cháu mình, tôi tự hỏi tại sao cùng là những con người, cùng gọi nhau 2 tiếng đồng bào mà lại có những số phận éo le như vậy. Bản thân mình có sức khỏe tốt, tại sao lại không cống hiến những thứ mình sẵn có để cứu giúp những mảnh đời đang giành giật sự sống từng ngày”, Triệu xúc động chia sẻ.
Bằng những hành động thiết thực của mình, Triệu đã dần “cảm hóa” được chính gia đình mình, cũng như những người xung quanh trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu cứu người.
Theo Lê Duy Triệu, những ngày đầu vận động hiến máu cực kỳ khó khăn. Có lúc bạn và đồng đội của mình đi tuyên truyền còn bị người dân chưa hiểu đúng nên xua đuổi. Thế nhưng bằng sự kiên trì, bền bỉ, khi phong trào hiến máu lan rộng, nhận thức của người dân được nâng cao, việc vận động của Triệu cũng trở nên dễ dàng hơn.
Từ sự ngăn cấm của gia đình, người thân ban đầu, dần dần, mọi người đã hiểu hơn cho công tác thiện nguyện của Triệu. Vì thế, chàng trai này còn “lôi kéo” được mẹ, anh trai cùng chị gái tham gia hiến máu.
Xem hiến máu là lẽ sống của cuộc đời
Còn với Trần Vũ (sinh năm 1991, tỉnh Gia Lai) đã có 41 lần hiến máu, 15 lần hiến tiểu cầu; Vận động vợ hiến máu 10 lần, mẹ ruột hiến máu khẩn cấp 5 lần. Anh cũng chính là người sáng lập CLB Máu nóng Gia Lai (năm 2017) với hơn 1.000 thành viên và sẵn sàng cho máu bất cứ lúc nào.
Vũ tham gia hiến máu lần đầu (năm 2011) khi vừa bước chân vào trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Lúc đầu, Vũ chỉ tham gia theo phong trào, nhưng nào ngờ đây chính là “duyên nợ” để anh gắn bó lâu dài với hoạt động hiến máu.
“Năm 2012, Đoàn trường thành lập CLB Ngân hàng máu trực tuyến, tôi mới thực sự chú ý nhiều hơn. Sau này, CLB được đổi tên là CLB Máu nóng 24 (thuộc Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng), tôi được bầu làm Trưởng ban tổ chức sự kiện của CLB. Từ đó, cùng với tham gia công tác tổ chức các sự kiện tuyên truyền về lợi ích của việc hiến máu, tôi cũng luôn sẵn sàng hiến máu khi có người cần máu cấp cứu”, Vũ cho biết.
Sau này, năm 2017, khi Vũ trở về quê hương Gia Lai, anh Vũ tiếp tục tham gia các chương trình hiến máu nhân đạo được tổ chức tại TP. Pleiku. Với mong muốn lan tỏa phong trào hiến máu cứu người tại quê hương, thời gian này, anh Vũ làm Đề án xin thành lập CLB Máu nóng Gia Lai (thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh).
Theo Trần Vũ, vợ chính người tiếp thêm động lực cho anh thành lập CLB Máu nóng Gia Lai. Từ ngày thành lập CLB, cả gia đình đều ủng hộ và cùng tham gia công việc hiến máu của anh.
Với vai trò là Chủ nhiệm CLB, mỗi lần có bệnh nhân cần máu cấp cứu, anh đều tiên phong đảm nhận mà không mảy may nghĩ ngợi với mong muốn cứu người càng sớm càng tốt.
Mới ngày đầu thành lập CLB, Vũ cùng các cộng sự của mình gặp rất nhiều khó khăn do vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của việc hiến máu, nhất là với vùng quê còn chưa phát triển như Gia Lai. Vì thế, anh phải thường xuyên tìm hiểu, nghiên cứu các quy định về hiến máu tình nguyện và qua tư vấn từ các bác sĩ chuyên ngành.
Không những thế, sinh viên trên địa bàn tỉnh rất ít bởi chỉ có 2 trường chủ chốt là Đại học Nông lâm và Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Với lực lượng trẻ mỏng như vậy, nên đi bất cứ đâu, gặp bạn trẻ nào, Vũ cũng dành thời gian tư vấn về ý nghĩa của việc hiến máu. Bên cạnh đó, định kỳ 3 tháng/lần, anh phối hợp với Bệnh viện Quân y 211 tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện và tranh thủ sự hỗ trợ của các thành viên nòng cốt để kết nối thêm nhiều bạn trẻ cùng tham gia hiến máu.
Vũ tâm niệm rằng, hiến máu là để tạo ra “ngân hàng máu” dự phòng, giúp kịp thời cứu sống người bệnh. Chính vì vậy, với anh, hiến máu đã trở thành lẽ sống, chỉ cần có ai đó cần đúng nhóm máu của mình là anh có mặt kịp thời và chỉ mong bản thân luôn có sức khỏe tốt để tiếp tục đưa phong trào hiến máu tỉnh Gia Lai phát triển./.