Chỉ mong được sống với nghề
VOV.VN -Không khí hướng đến ngày 20/11 năm nay có phần rộn ràng sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Với nhiều áp lực và gánh nặng áo cơm, những người thầy vẫn dành trọn tâm huyết của mình và vẫn đau đáu một niềm mong mỏi bình dị, là được sống với nghề, và sống được bằng nghề!
Cô giáo Đào Nguyễn Thùy Dung (45 tuổi), hiện là Giáo viên Trường mầm non Vành Khuyên, Quận 8, thường phụ trách lớp trẻ từ 25-36 tháng tuổi. Từng miếng ăn, giấc ngủ của các con đều cần bàn tay cô dìu dắt.
Lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp cô Dung bám trụ gần 25 năm qua, dù đôi lúc không tránh khỏi tâm tư về cuộc sống.
"Là giáo viên mầm non, đặc thù công việc của mình là chúng tôi đến trường từ rất sớm và ra về cũng rất là muộn. Với đồng lương của chúng tôi vẫn còn đang rất, thấp nhất trong các bậc học và chịu nhiều áp lực. Đến trường thì chúng tôi cũng phải soạn giáo án, làm học cụ, rồi lên những các chuyên đề rồi học tập luôn luôn bồi dưỡng để nâng cao tay nghề của mình và áp lực về phía phụ huynh", cô Dung chia sẻ.
Những khó khăn về thu nhập và áp lực từ nhiều phía đã khiến nhiều thầy cô cảm thấy đuối, buộc phải chuyển nghề.
27 năm đứng lớp, chứng kiến không ít trường hợp như vậy, cô giáo Phan Thị Thu Hằng, tổ trưởng tổ Anh văn, trường THPT Phú Nhuận chia sẻ: "Lý do phổ biến nhất thường là họ không đủ sống. Những em mới ra trường, bây giờ tốt nghiệp Đại học Sư phạm ra lương chỉ có khoảng 3 triệu, các em nói em không đủ thuê một căn phòng thì làm sao còn tiền để ăn, tiền để đổ xăng. Thành ra nếu mà nói một điều mong ước, hơi gắn gọn thôi mà thực tế. Đó là làm sao có thể sống được bằng đồng lương chân chính".
Song, giữa những chật vật khó khăn đó, nghề giáo cũng có những “đặc ân” mà hiếm nghề nào có được.
Với cô Thu Hằng, đó là những niềm vui góp nhặt từ bục giảng mỗi ngày: "Thí dụ như mỗi ngày tới trường gặp những gương mặt ngây thơ, trẻ trung của học trò, đồng nghiệp thân thiện. Hơn nữa mỗi lứa học sinhcó những thành công lại quay về báo với mình hoặc có đứa làm công ty nước ngoài lương cao cũng báo chia sẻ với mình. Có niềm vui nào bằng, nhiều khi phải cảm ơn các em, vì có những ước mơ mà mình mình không làm được, các em nó thay mình, nó thực hiện được thì rất là vui".
Còn với cô Dung, niềm vui mỗi ngày đến lớp là được thấy các bé lớn lên, từ chỗ còn bập bẹ, chưa biết tự ăn, tự vệ sinh, cho đến khi các con biết trò chuyện líu lo, múa hát, và được phụ huynh tin tưởng.
Với những sáng tạo trong cách dạy và học, tận tâm tận lực suốt hành trình với nghề dạy học, hai cô giáo Thùy Dung và Thu Hằng được ngành giáo dục TP.HCM vinh danh giải thưởng Võ Trường Toản năm 2022. Một giải thưởng cao quý ghi nhận những đóng góp tâm huyết với nghề, lan tỏa, đóng góp đối với sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo.
Với người làm nghề giáo như các cô, cao hơn cả giải thưởng, đó là giá trị tinh thần:
“Đây là giải thưởng của tất cả chúng ta chứ không phải của riêng ai cả. Đây là động lực để tôi cống hiến với nghề và truyền nhiệt huyết cho tất cả những đồng nghiệp”.
"Thật sự mình chưa bao giờ nghĩ mình được giải thưởng này. Họ tin tưởng mình, đề cử mình làm đại diện cho cả trường để được giải thưởng này. Đây là một niềm hạnh phúc không thể nào tả được".
Đằng sau tấm bằng khen, cái mà những người thầy như Cô Dung, cô Hằng cần hơn hết là sự thấu hiểu và ghi nhận những nỗ lực, thậm chí cả hi sinh của đội ngũ giáo viên cho sự nghiệp cao quý này. Đó còn là niềm mong mỏi bình dị nhỏ nhoi: làm sao có thể sống được bằng nghề, để được hết mình sống với nghề “gieo chữ”.