"Chìa khoá" để người dân Mường Nhé xoá nghèo bền vững
VOV.VN - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện biên giới Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chú trọng. Đây cũng được coi là "chìa khoá" để người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.
Cuối chiều, nhưng không khí lớp học chăm sóc gia súc như trâu, bò dành cho người dân ở bản Nà Pán, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vẫn rất rộn ràng. 35 học viên người Mông, người Thái trong lớp hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, ai cũng muốn được đào tạo để có thể phát triển kinh tế từ chăn nuôi.
Anh Lò Văn Tuấn, học viên trong lớp cho biết, trước đây anh và bà con trong bản chủ yếu chăn nuôi theo kinh nghiệm dân gian, thả rông vật nuôi, không biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, nên trâu bò hay mắc bệnh. Sau gần 3 tháng tham gia lớp học này, bà con ai cũng biết cách chăm sóc vật nuôi cho khỏe mạnh và phát triển nhanh hơn. Đàn trâu hàng trăm con của các hộ dân trong bản hiện tăng trưởng tốt, sinh sản nhanh, giúp bà con cải thiện kinh tế.
"Bà con đều đã nắm được kiến thức làm chuồng trại, cách phòng bệnh cho trâu, bò. Các thầy còn hướng dẫn cách trộn thức ăn với liều lượng hợp lý để cho vật nuôi béo hơn, sinh sản tốt hơn. Trước kia bà con chỉ chăn thả gia súc ở trên rừng nhưng bây giờ thì đều mang trâu, bò về nhà để chăm sóc và phát hiện bệnh kịp thời", anh Tuấn nói.
Lớp học chăm sóc trâu, bò cho người dân bản Nà Pán, xã Mường Nhé lần này là 1 trong số 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé triển khai trong năm năm nay.
Anh Giàng A Vềnh, cán bộ Trung tâm là người trực tiếp đứng lớp cho biết: hơn 2 năm qua, trung tâm đã mở khoảng 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 lượt người dân trên địa bàn. Các lớp đào tạo tập trung vào các ngành nghề thiết thực, gần gũi với đồng bào như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn; cách chăm sóc cây mắc ca; trồng - quản lý dịch hại trên cây lúa, ngô; trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng và khai thác rừng…
Thực tế cho thấy, khoảng hơn 70% học viên đã áp dụng tốt những kiến thức được học vào thực tiễn để tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi và kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập.
"Sau khi chúng tôi giảng dạy, đa phần bà con đã biết tận dụng những kiến thức được tập huấn, chia sẻ để áp dụng vào thực tế. Khi dạy chúng tôi trước mắt sẽ tập trung vào chuyên môn và sau sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của từng người để phổ biến kiến thức chuyên sâu về vấn đề đó. Cũng rất vui bởi sau khi dạy xong, qua kiểm tra thực tế thấy bà con đều làm được những kiến thức cơ bản", anh Vềnh cho hay.
Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: là huyện nghèo, trình độ người dân còn hạn chế, việc đào tạo nghề cho lao động rất quan trọng, được ví như "trao chìa khoá" để người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống, thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm nay chỉ còn 47%, giảm gần 8% so với đầu năm 2023.
"Chúng tôi đổi mới bằng cách tổ chức các lớp học nghề tới tận các điểm bản, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Trong 3 năm qua đã đào tạo được hàng nghìn lao động và các lao động này trở thành các nguồn lực quan trọng, qua rà soát có thu nhập tương đối ổn định. Từ đó trở thành tiềm năng lớn trong việc giúp huyện xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương", ông Sơn nói.
Không chỉ nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất, các lớp đào tạo nghề ở Mường Nhé còn giúp bà con thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, bởi qua đây, bà con biết "biến" nông sản thành hàng hoá thay vì sản xuất tự cung, tự cấp như trước kia. Từ đó, giúp mỗi gia đình từng bước nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo bền vững.