“Chìa khóa” trị liệu sát thủ “trầm cảm”
VOV.VN - Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp ở cộng đồng, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng sống.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc chứng rối loạn trầm cảm chiếm khoảng 3-5% dân số thế giới. Trong đó, trẻ em (trước tuổi đi học) khoảng 0,3%; trẻ vị thành niên từ 1-6% và nữ giới bị nhiều hơn nam giới. Mỗi năm có khoảng 800.000 người tự sát vì bệnh lý này. Phát hiện sớm và điều trị đúng cách là “chìa khóa” chữa khỏi bệnh trầm cảm. Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm cũng như phòng bệnh là mục tiêu quan trọng của WHO trong những năm gần đây.
Ngoài việc dùng thuốc, bệnh trầm cảm có thể trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng.
Bệnh trầm cảm (Ảnh minh họa). |
Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp ở cộng đồng, ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng sống. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách là “chìa khóa” chữa khỏi căn bệnh này.
Bệnh không miễn trừ ai
Nhìn ánh mắt buồn rầu, lo lắng của chị Thanh (mẹ của bệnh nhân Hải, 32 tuổi, ở Bắc Ninh) khi chăm sóc con bị trầm cảm trong Bệnh viện Tâm thần Hà Nội mới hiểu nỗi niềm của người mẹ khi có con mắc bệnh này. Chị Thanh tâm sự, cứ nghĩ Hải đỗ Đại học Ngoại thương thì tương lai của con sẽ rộng mở vì cả nhà chỉ sống nhờ vào mấy sào ruộng. Bỗng nhiên, cuối năm thứ ba đại học, khi bị người yêu bỏ rơi, Hải trở nên lầm lì, buồn chán, suốt ngày ủ rũ trong nhà không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Hải bị mất ngủ triền miên khiến việc học hành bị dở dang… “Đây là lần thứ 3 cháu vào viện, bởi cứ về nhà một thời gian bệnh lại tái phát”, chị Thanh xót xa.
Còn trường hợp anh Bình, 34 tuổi, ở Hà Nội là do lo lắng bệnh đau dạ dày mãi không khỏi dù chạy chữa khắp nơi, nghe ai mách thuốc nào hay Bình cũng tìm mua về uống. Cách đây hơn 1 tháng, thấy hiện tượng đau đầu, chóng mặt nhiều, anh vào Bệnh viện Thanh Nhàn để điều trị. Trong thời gian điều trị nội trú, anh Bình suýt chết 2 lần khi có hành vi nhảy lầu. Nhận thấy dấu hiệu về rối loạn lo âu trầm cảm, anh Bình được chuyển sang điều trị nội trú tại viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Hiện anh Bình được về nhà, tuy nhiên bác sĩ yêu cầu phải theo dõi và thực hiện việc khám định kỳ mới có thể trở lại cuộc sống bình thường được.
Theo bác sĩ cao cấp Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, trầm cảm là hiện tượng ức chế của các quá trình hoạt động tâm thần với bệnh cảnh lâm sàng gồm các triệu chứng thường gặp như: nét mặt buồn rầu, ủ rũ, đau, mệt mỏi, không muốn làm việc, mất hoặc giảm mọi quan tâm ngay cả với những đam mê thích thú cũ, giảm tập trung chú ý, mất hoặc giảm tự tin, tự đánh giá thấp mình… Quá trình suy nghĩ chậm chạp, ý tưởng nghèo nàn, tự cho mình có tội, bi quan về tương lai. Một số trường hợp trầm cảm nặng, bệnh nhân có thể có ý nghĩ hoặc hành vi tự sát. Trong trầm cảm thường có các triệu chứng của cơ thể như mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, mạch nhanh, đau mỏi xương cơ khớp, sút cân, giảm hoạt động tình dục. Bệnh nhân thường có hội chứng lo âu và những cảm giác căng thẳng, stress, bất an, sợ hãi... Bệnh nhân trầm cảm không miễn trừ với bất cứ ai, có thể gặp ở trẻ em, vị thành niên, người trưởng thành, phụ nữ sau sinh và cả người có tuổi. Xác định đúng và điều trị triệt để nguyên nhân, có thể thoát khỏi trạng thái trầm cảm.
“Chìa khóa” chữa khỏi bệnh trầm cảm
Ths. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần Nhi và người già, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra rằng, những nguyên nhân gây ra trầm cảm có thể là: yếu tố di truyền, các yếu tố stress và những biến cố trong cuộc sống, yếu tố “mất cân bằng sinh hóa” trong cơ thể. Bệnh nhân trầm cảm được đưa đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần ngày một nhiều hơn một phần là do sự quan tâm và nhận biết của người dân về căn bệnh này.
Hiện nay có rất nhiều biện pháp điều trị hiệu quả cũng như phòng ngừa bệnh trầm cảm. Tuy nhiên do thiếu thông tin cũng như những định kiến của người dân về bệnh này khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Nhiều người cho rằng bệnh phải rất nặng, thậm chí là “bị điên” thì mới phải vào khám chuyên khoa tâm thần. Phần lớn người bệnh không biết mình bị trầm cảm và thường điều trị tại các chuyên khoa khác trước khi đến chuyên khoa tâm thần. Do vậy, trầm cảm dễ trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
Trầm cảm nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến tự tử
“Một số rối loạn trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Nếu không được điều trị, trầm cảm có thể gây ra các hậu quả trầm trọng cho sức khỏe, cho mối quan hệ của bệnh nhân với gia đình và xã hội, làm giảm khả năng làm việc, bệnh trở nên mạn tính, trầm cảm nặng dần tới suy kiệt và tử vong hoặc tử vong do tự sát” - Ths. Công Thiện nhấn mạnh.
Việc can thiệp điều trị các bệnh lý - tâm thần ở nước ta ngày càng có hiệu quả hơn nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đa số các mức độ trầm cảm đều có thể điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm hiện nay, hoặc kết hợp trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng... Do vậy để phòng tránh bệnh tái phát, ngoài việc dùng thuốc đều đặn, người bệnh nên tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ./.
Năm 2020, bệnh trầm cảm chỉ đứng thứ 2 sau tim mạch
9 cách giúp bạn lấy lại cân bằng khi có dấu hiệu bị trầm cảm