Chiến lược phát triển phát thanh trong giai đoạn mới
VOV.VN -Mỗi đài phát thanh đều có chiến lược riêng để phát triển, có sự sáng tạo và đổi mới trong thời đại kĩ thuật số.
Chiều nay (30/7), Hội nghị Phát thanh châu Á tiếp tục với hai phiên họp thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Đó là xác định chiến lược chung cho phát thanh trong kỷ nguyên mới, cũng như cơ hội phát triển của phát thanh cộng đồng trong thời đại phát thanh số.
Các đại biểu nhất trí cho rằng, mỗi đài phát thanh đều có chiến lược riêng để phát triển, nhưng nhìn chung có 4 lĩnh vực trọng điểm. Đó là nâng cao chất lượng nội dung, tăng cường tính tương tác với khán giả thông qua mọi phương tiện truyền thông, tạo sức hấp dẫn bằng sự giao lưu giữa khán giả với người nổi tiếng và các chính sách quản lý thúc đẩy sự sáng tạo.
Các đại biểu tại Hội nghị |
Giám đốc Hệ phát thanh, Trường Phát thanh truyền hình và điện ảnh Australia Mark Collier nói: “Tôi xin nhấn mạnh thêm hai yếu tố mà Đài chúng tôi áp dụng để thu hút thính giả. Trước hết, các đài phát thanh cần phải có sự sáng tạo và đổi mới. Chúng ta phải đi đầu trong các lĩnh vực, nâng cao trình độ chuyên môn, áp dụng công nghệ mới, nuôi dưỡng nhân tài. Ngoài ra, các đài phát thanh cũng phải có trách nhiệm và trách nhiệm giải trình. Quan điểm của tôi là phát thanh có tiếng nói quan trọng trong đời sống xã hội và cả chính trị, vì vậy mỗi người làm nghề cần phải nâng cao trách nhiệm và có cách ứng xử phù hợp với các vấn đề trong xã hội”.
Tuy nhiên, đó là những chiến lược dành cho các đài phát thanh lớn có lượng khán giả nhất định và được đầu tư bài bản. Còn đối với các đài có quy mô nhỏ ở địa phương, hay đài phát thanh cộng đồng phục vụ cho các nhóm thiểu số trong xã hội với mục cụ thể và riêng biệt, sự phát triển của công nghệ phát thanh mở ra nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức.
Cộng nghệ phát thanh số trên các thiết bị nghe nhìn di động có thể phá bỏ những giới hạn về mặt địa lý của phát thanh cộng đồng. Mặc dù vậy, phát thanh cộng đồng không có chuẩn mực và cần phải được chuyên nghiệp hóa.
Bà Lanni Smith, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI) chia sẻ: “Một trong những ý tưởng của chúng tôi đó là giúp chuyên nghiệp hoá phát thanh cộng đồng. Chúng tôi đã tạo ra kết nối và tương tác giữa các đài phát thanh cộng đồng. Chúng tôi cũng hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đào tạo huấn luyện đặc biệt lớp thanh niên trẻ, đào tạo để đảm bảo liên tục phát thanh cộng đồng”.
Những thảo luận trong ngày họp thứ hai của Hội nghị Phát thanh châu Á 2013 đã mở ra nhiều hướng phát triển phong phú và đa dạng về “lượng” cũng như “chất”, đưa ra những tham khảo hữu ích cho định hướng phát triển phát thanh cho các nước trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong các phiên họp cuối cùng diễn ra vào ngày mai, Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận về “truyền thông chính thống và những phóng viên công dân” cũng như vấn đề quảng cáo trên phát thanh./.