Chính sách vì người nghèo, sao lại làm giàu cho doanh nghiệp?
VOV.VN - Trong lúc người lao động “sống chết mặc bay”, thì không ít doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động đã “bỏ túi” những khoản tiền lớn.
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 71 phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020. Sau 5 năm thực hiện, lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ngày càng thấy sợ với “xuất ngoại”. Chính quyền địa phương cũng không còn mặn mà với chương trình này.
Tại sao một chính sách nhân văn dành cho người nghèo lại “đẩy” lao động nghèo ở miền núi đến chỗ nghèo khó hơn? VOV.VN giới thiệu loạt phóng sự điều tra: “Xa vời mục tiêu giảm nghèo bằng xuất khẩu lao động” của nhóm phóng viên VOV thường trú tại khu vực miền Trung.
Bài 1: Chính sách vì người nghèo, sao lại làm giàu cho doanh nghiệp?
Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 71/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020. Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững. Đối tượng của Đề án là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa từ bậc tiểu học trở lên.
Do trình độ học vấn của người lao động còn thấp, Đề án quy định: Những người tham gia xuất khẩu lao động phải được bổ túc thêm về văn hóa. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ toàn bộ học phí, tài liệu học tập, sách giáo khoa, vở viết, người học còn được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí, tiền tàu xe và đồ dùng cá nhân thiết yếu như chế độ áp dụng đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Tuy nhiên, qua giám sát việc thực hiện Đề án, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, điều kiện tiên quyết này đã không được thực hiện nghiêm túc. Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Pháp luật chúng ta quy định đó là một điều kiện rất cần. Khi người lao động không có trình độ văn hóa, tới đăng kí thì các doanh nghiệp không được nhận. Đây là quy định, điều kiện cần, nên nếu không đáp ứng được thì kiểu gì chúng ta cũng không đưa đi”.
Cuộc sống của người lao động nghèo, hộ dân tộc thiểu số rất khác biệt so với ở nước ngoài, đặc biệt là về ý thức, tác phong và kỷ luật trong lao động. Họ không dễ thích ứng với lối làm việc có tổ chức, thời gian bị quản lý chặt chẽ và đặc biệt là lao động với cường độ cao. Vì vậy, theo Quyết định 71, trước khi đi lao động xuất khẩu, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số phải được hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng những kiến thức cần thiết theo quy định.
Tuy nhiên, không những không được nâng cao trình độ văn hóa, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số buộc phải học theo chương trình đào tạo chung.
Theo ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, việc “đánh đồng” đối tượng người Kinh cũng như đồng bào dân tộc thiểu số; người có trình độ văn hóa cũng như người chỉ mới biết “a, b, c”, với cùng phương pháp, nội dung làm cho công tác đào tạo không mấy hiệu quả. “Nếu như chúng ta không điều chỉnh, cứ như thế này thì rất khó có thể đào tạo nghề và nâng cao kiến thức phổ thông, đảm bảo kỹ năng lao động, đồng thời có ngoại ngữ để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu lao động”, ông Hoan nói.
Đáng chú ý, theo TS. Lê Bạch Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội Hà Nội, việc dạy và học ngoại ngữ, giới thiệu về văn hóa, pháp luật của nước mà lao động đến làm việc như thời gian qua là rất hình thức và mơ hồ. Dạy nghề nhưng không biết doanh nghiệp tuyển dụng nước ngoài cần gì? Vì thế, đào tạo dường như chỉ mang tính thủ tục.
TS. Lê Bạch Dương cho biết: “Các nghiên cứu viên của chúng tôi đi tiếp xúc với người lao động, họ bảo ngoại ngữ chỉ đủ giao tiếp ở mức thấp nhất, chào hỏi; còn kỹ năng cần thiết để trao đổi với chủ là không đủ. Các công ty xuất khẩu lao động chạy theo số lượng, làm sao tuyển và đưa đi được nhiều nhất. Còn tất cả những hoạt động đào tạo, dạy nghề cho công nhân là không có trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Công ty Đào tạo nghề - Xuất nhập khẩu lao động, đơn vị dẫn đầu về xuất khẩu lao động theo Quyết định 71, thuộc Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng thừa nhận, một số doanh nghiệp chưa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghề, ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động theo đúng phương án đăng ký và hợp đồng đặt hàng đào tạo, cả về thời gian và chương trình.
Ông Nguyễn Ngọc Hoan nói: “Gần đây, thời gian đào tạo bị rút ngắn xuống. Một số cá biệt đào tạo rất ít nên đối với ngoại ngữ, người lao động chưa nắm được gì cả, cùng lắm biết được một vài câu chào; giáo dục định hướng thì không quan tâm sâu, cho nên người lao động hiểu về đất nước, con người, luật pháp, phong tục, tập quán bên nước ngoài không cao. Vì vậy, sang đấy họ không đáp ứng được yêu cầu của đối tác”.
Tuy nhiên, sau các khóa học, người lao động vẫn được cấp chứng chỉ công nhận trình độ tay nghề và chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức. Như vậy, không cần biết học xong có đủ kiến thức, năng lực để đi làm việc ở nước ngoài hay không, người lao động chỉ cần… ngồi trong lớp là đủ điều kiện để sang nước ngoài làm việc!
Bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận, hiện chưa có chuẩn để xét xem lao động sau đào tạo có đáp ứng được yêu cầu về nghề của doanh nghiệp nước ngoài; có thể tự mình sử dụng ngoại ngữ cho sinh hoạt và để bảo vệ quyền lợi của chính mình hay có thích ứng được với môi trường hoàn toàn mới ở nước ngoài hay không. Đào tạo của ta theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” - vừa dạy vừa cấp bằng cho các học viên.
Do buông lỏng công tác đào tạo lại thiếu thanh tra, giám sát chặt chẽ nên chất lượng đào tạo của các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động được chăng hay chớ. Nghiêm trọng hơn, hiện chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động trong việc tuyển chọn, đào tạo và đưa đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ chạy theo số lượng. Bởi vì càng nhiều lao động được xuất cảnh, doanh nghiệp xuất khẩu lao động càng thu nhiều phí môi giới và các quyền lợi khác.
Ông Lê Văn Thụ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu Lao động Việt Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu lao động nào cũng mơ ước được chỉ định thực hiện Đề án 71. “Làm Đề án 71 nếu thành công thì đánh được mẻ lớn. Số lượng lao động đi đông thì anh thu nhập sẽ nhiều hơn. Ai cũng thích, mơ ước được làm Đề án 71, hạnh phúc khi có dự án lớn. Rõ ràng, Đề án 71 là dự án cực lớn. Chỉ có đào tạo, tư vấn, tuyển dụng, giải ngân khó khăn; còn doanh nghiệp hưởng lợi hết, không mất gì cả”.
Người lao động cũng háo hức với “xuất ngoại” vì xem đây là cơ hội để “đổi đời”. Trước khi đi, họ được tuyên truyền rằng, đi lao động xuất khẩu sẽ giúp gia đình thoát nghèo và muốn đi làm việc ở nước ngoài thì chỉ cần… vay vốn. Nhưng họ lại không được cảnh báo, nếu bị trả về nước trước thời hạn thì lấy gì mà trả nợ. Vậy nên, lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động theo phong trào hoặc do áp lực từ gia đình hay chính quyền địa phương.
Trong giai đoạn đầu, chính quyền cơ sở cũng chạy theo thành tích xuất khẩu được nhiều lao động, kỳ vọng sẽ tạo cú huých mạnh để giảm nghèo nhanh và bền vững. Cũng do bị sức ép về giải quyết việc làm nên ngay cả Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đặt ra chỉ tiêu quá cao về số lượng lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được xuất khẩu.
Ồ ạt được xuất cảnh nhưng lại không bảo đảm trình độ văn hóa; tay nghề và ngoại ngữ nên không ít người lao động sang làm việc tại nước bạn đã bị trả về nước trước thời hạn, kéo theo những hệ lụy nặng nề.
Trong lúc người lao động “sống chết mặc bay”, thì không ít doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động đã “bỏ túi” những khoản tiền không nhỏ do “đánh” được những “mẻ” lớn, xuất khẩu hàng trăm lao động một đợt.
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, do không quản lý tốt, chính sách nhân văn dành cho người nghèo lại trở thành cơ hội cho một số doanh nghiệp làm giàu. “Chính sách của chúng ta rất tốt, tập trung cho đối tượng như vậy rất đúng, nhưng cách làm của chúng ta có nơi chưa đúng cho nên người ta lợi dụng, trục lợi từ tổ chức dạy nghề, vay vốn, tổ chức đưa đi. Thành ra, chính sách của chúng ta không đi vào đúng đối tượng”, bà Nguyễn Thị Hằng nói.
Để xuất khẩu được một lao động, Nhà nước phải hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng. Nhưng rõ ràng, người nghèo chưa được thụ hưởng trọn vẹn chính sách nhân văn của Nhà nước ta. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài 2./.