Năng suất lao động ở Việt Nam thấp, vì sao?
VOV.VN - Không có gì ngạc nhiên khi năng suất lao động của Việt Nam lại quá thấp so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Gần đây thông tin đề cập đến “năng suất lao động của Việt Nam thấp”, hay so sánh “năng suất lao động của 15 người Việt Nam chỉ bằng 1 người Singapore” khiến không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại về chất lượng nguồn lao động của nước ta hiện nay. Liệu con số này đã phản ánh chính xác, đúng thực tế của lao động Việt Nam chưa? Điều này đặt ra vấn đề gì cho lao động của Việt Nam trong thời gian tới?
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế công bố mới đây, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần.... Lý giải con số này, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Cách tính năng suất lao động của Tổ chức Lao động Tổ chức lao động thế giới (ILO) là lấy tổng thu nhập quốc nội (GDP) chia cho số lao động làm việc. Trong khi, cũng theo cách tính về tỷ lệ thất nghiệp, mỗi nước một khác. Tại Việt Nam, lao động không coi là thất nghiệp được tính bằng việc người lao động đó trong 1 tuần, ít nhất có 1 giờ làm việc tạo ra thu nhập chính đáng. Do đó, chỉ số thất nghiệp của Việt Nam rất thấp có 1,84%, trong khi các nước khác là 7 đến 8%.
Ông Nguyễn Thế Phương khẳng định: Với cách tính này, không có gì đáng ngạc nhiên khi năng suất lao động của Việt Nam lại quá thấp so với những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có GDP bình quân đầu người đều cao hơn chục lần so với Việt Nam. Vì vậy, con số này là chưa sát với thực tế, cũng như đánh giá đúng bản chất năng suất lao động của Việt Nam hiện nay.
Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Thế Phương nói: “Theo Quyết định 43 của Chính phủ, năng suất lao động của Việt Nam được tính là giá trị tổng sản phẩm quốc nội chia cho tổng số người làm việc bình quân. Rõ ràng, tỷ lệ thất nghiệp ít (1,84%) thì mẫu số ít, tử số tăng với các chỉ số 5,3%, 5,5%, và năm nay dự kiến là 5,8%. Tuy nhiên, việc phân tích chỉ số năng suất lao động cho sát thực còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác. Việc lấy GDP chia cho tổng số người làm việc nên sẽ thấp”.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 mới đây, trả lời những thắc mắc liên quan đến việc Việt Nam thuộc nhóm nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực ASEAN, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phân tích: Hiện người Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp tại Hàn Quốc thì năng suất lao động không thua gì năng suất lao động của Hàn Quốc. Để đánh giá chính xác chỉ số về năng suất lao động của người trong độ tuổi lao động thì cách tính xem đóng góp của người lao động trong việc tạo ra GDP sẽ chính xác hơn vì GDP ít nhất phải có 3 yếu tố: Chỉ số lao động, vốn đầu tư và trình độ công nghệ. Trong khi, thời gian qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn lao động, gia tăng giá trị lao động qua việc tái cơ cấu nền kinh tế từ chiều rộng theo chiều sâu, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ người lao động. Đặc biệt là chuyển đổi hoạt động sản xuất hướng vào những ngành có giá trị gia tăng cao đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng, năng suất lao động. Hiện, chúng ta đang tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, đầu tư vào công nghệ, đào tạo nâng cao chất lượng lao động, tiến tới năng suất lao động sẽ được cải thiện.
Trên trang Thông tấn xã Việt Nam, ông Malte Luebker, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Châu Á-Thái Bình Dương cũng cho rằng: Năng suất lao động của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó. Năng suất lao động của một quốc gia trước hết phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố sản xuất khác, như máy móc và công nghệ, và lượng máy móc và công nghệ mà một người lao động của quốc gia đó được sử dụng. Bởi vậy, nếu từ các thống kê năng suất lao động mà kết luận rằng người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là chưa chính xác.
Tuy vậy, nhìn nhận thực tế, thì lao động Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cần khắc phục, nhất là trong vấn đề đào tạo, ông Phạm Văn Sơn, Thư ký Ban chỉ đạo Quốc gia thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Đào tạo theo nhu cầu xã hội, Bộ Giáo dục đào tạo cho rằng: “Việt Nam có điểm mạnh là có số lượng nhân lực đáp ứng theo nhu cầu xã hội, Tuy nhiên kỹ năng, chất lượng là điểu phải bàn. Thể hiện cơ cấu nhân lực về Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trình độ còn vênh nhau, phân bố chưa đều, có những nơi thừa thầy thiếu thợ, chưa theo quy luật về năng lực kinh doanh. Chúng ta phải có quy hoạch phát triển nhân lực, trình độ ngoại ngữ và khai thác thông tin của công nghệ thông tin để phục vụ cho vị trí việc làm”.
Có thể thấy, vấn đề năng suất lao động cần xem xét ở mọi khía cạnh, để có kết quả chính xác. Tuy vậy, đây cũng là dịp để các ngành chức năng cùng nhau nhìn vào thực tế, khắc phục những hạn chế, yếu kém nguồi lao động trong nước, để từng bước có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng này. Bởi, những bất cập tồn tại hạn chế về nguồn lao động là có, nhưng điều đó không đánh giá hay nói lên toàn bộ bản chất về chất lượng, cũng như năng suất lao động của Việt Nam hiện nay. Do vậy, hướng tương lai là khi ngành nông nghiệp được hiện đại hóa, các ngành công nghiệp chủ đạo có công nghệ cao hơn, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thì chắc chắn năng suất lao động Việt Nam sẽ tăng lên theo chỉ số của ILO./.