Cho học sinh nghỉ thứ Bảy, liệu có giảm được áp lực?
VOV.VN - Thời gian gần đây một số địa phương trên cả nước đã thí điểm cho học sinh THCS được nghỉ thêm ngày thứ bảy, lịch học từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Nhiều gia đình và học sinh bày tỏ sự hào hứng với điều này.
Chia sẻ với suy nghĩ này, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, áp lực học của các em học sinh vẫn sẽ còn đó nếu chúng ta chỉ đơn thuần thay đổi về lịch tới lớp.
PV: Nhận định về phương án thí điểm cho học sinh THCS được nghỉ thêm ngày thứ bảy, bà có ý kiến gì?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi cần phải tính toán đến những yếu tố sau. Đối với giáo viên thì nghỉ thứ bảy chắc chắn khối lượng công việc của những ngày còn lại trong tuần sẽ tăng đáng kể. Bởi vì giáo viên được phân công giảng dạy trên cơ sở thực tế của nhà trường và với quy định của Bộ Giáo dục là mỗi giáo viên, tùy từng bộ môn, tùy từng cấp học mà buộc phải hoàn thành bao nhiêu tiết học trong một năm học mới gọi là đủ, còn ngoài số tiết đấy ra thì sẽ được hưởng tiền dạy tăng thêm giờ, đấy là định mức của giáo viên.
Với người giáo viên mà công việc tăng lên thì việc xếp thời khóa biểu lẽ ra mỗi một tuần, mỗi một ngày các em có thể học 4 - 5 tiết học nhưng nếu chúng ta cho các em nghỉ một thứ bảy thì ít nhất chúng ta phải cộng thêm 4 - 5 tiết học đó vào các ngày trong tuần, và tăng lên như thế nào đối với từng cấp học và từng lớp học thì cần phải nghiên cứu rất kỹ, để tránh trường hợp quá tải cho cả học sinh lẫn giáo viên.
Thứ hai là nếu chúng ta muốn thí điểm như thế thì về cơ sở pháp lý cần phải rà soát rất kỹ, bởi vì nó liên quan đến phân bổ nội dung chương trình, rồi liên quan đến Bộ luật lao động.
Còn bây giờ nói rằng có nên hay không thì rất khó để có một câu trả lời dứt điểm. Tôi tin chắc rằng địa phương nào có ý tưởng này thì người ta cũng rà soát rồi, nhưng mà tôi muốn có sự đánh giá tác động ở rất nhiều chiều, để chúng ta đưa ra được đề xuất, chứ còn nếu như bây giờ mà chúng ta không đánh giá tác động mà cứ thí điểm xem là có khó khăn vướng mắc gì không. Nếu vướng quá chúng ta lại dừng lại, không thí điểm nữa thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải trả giá.
PV: Vậy theo bà, để việc cho học sinh nghỉ thêm một ngày đạt mục tiêu giảm áp lực học tập thì chúng ta cần lưu ý điều gì?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Đón nhận thông tin học sinh có thể được nghỉ thêm ngày thứ bảy, phụ huynh và học sinh vui mừng là đúng thôi.
Bởi vì đây cũng là một trong những phương pháp giảm tải. Thế nhưng việc các em được nghỉ ngày thứ bảy có phải là giảm tải hay không thì theo tôi thực chất không phải giảm tải. Vì sao?
Vì nội dung chương trình của sách giáo khoa vẫn thế, phần công việc của các em phải hoàn thành trong một năm học, một học kỳ, một tháng học và một tuần học cũng vẫn như thế. Vậy thì chỉ là bớt đi thời gian đến lớp thôi, chứ còn phần công việc lại chia đều cho các ngày còn lại. Cho nên các ngày còn lại không những không được giảm tải mà thậm chí còn tăng tải nữa để làm sao có ngày thứ bảy được nghỉ.
Chính bởi vậy, tôi nghĩ rằng việc chúng ta muốn giảm tải cho học sinh phổ thông không phải là việc sắp xếp cho các em nghỉ bao nhiêu ngày trong một tuần mà phải là rà soát thật kỹ nội dung, kết cấu chương trình, chuẩn kiến thức cần đạt được và điều quan trọng nữa đấy là nhận thức của các giáo viên. Bởi vì tôi biết rằng nhiều khi áp lực vừa đến từ nội dung chương trình nhưng cũng vừa đến từ giáo viên.
Đã có phụ huynh phản ánh với chúng tôi rằng bây giờ mỗi một buổi học, con em họ học ba hoặc bốn môn. Nhưng mỗi môn cô giáo lại cho khoảng 10 bài tập về nhà. Thậm chí có những môn giáo viên còn cho nhiều hơn 10 bài thì một học sinh vào một buổi tối cần phải dành bao nhiêu tiếng để hoàn thành 40 bài tập của bốn môn học. Áp lực nó nằm ở đấy chứ áp lực nó không nằm ở việc một tuần các em đi học từ thứ hai đến thứ bảy.
Chính bởi vậy, việc giảm tải cho học sinh phải đến từ nhiều phía và chúng ta phải căn cứ vào các góc độ khác nhau, mà nếu các em được nghỉ ở nhà sau đó giáo viên lại ra rất nhiều bài tập thì một ngày ở nhà đấy các em không đến trường nhưng các em lại đánh vật với cả một mớ bài tập như thế thì tôi nghĩ rằng nó hoàn toàn không có tác dụng gì.
PV: Xin cảm ơn bà!