Chốn bình yên của người cao tuổi
VOV.VN - Thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới lại rộn rã tiếng nói cười để xua tan ưu phiền của người bệnh.
Mang niềm vui tới người già
Nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Ða khoa Quốc tế Phúc Lâm (thôn Lại Ốc, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, Hưng Yên), âm thanh loa đài vừa đủ nghe, tiếng nói cười của người thân gia đình bệnh nhân, các tình nguyện viên và nhân viên của trung tâm, sự sẻ chia chân tình giữa những con người có cùng hoàn cảnh, gần thế hệ… khiến không gian nhỏ trở nên ấm cúng.
Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới tổ chức Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10
Khi những giai điệu quê hương được cất lên, các tình nguyện viên của CLB Tài năng đông y bê đĩa hoa quả tới từng người, minh hoạ lại hình ảnh “mời trầu” đưa người nghe, mà phần đông đã ở tuổi thất thập, trở về những ngày xưa cũ, đến tiết mục tặng hoa, quà. Những cụ sức khỏe còn tốt, có thể tự chăm sóc bản thân hào hứng cầm hoa đem về phòng mình, một số cụ đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe sau tai biến hoặc phẫu thuật, phải ngồi xe lăn có nhân viên trợ giúp.
Nhìn mẹ, cụ bà Nguyễn Thị Hương (70 tuổi, ở Hà Nội) ngồi trên xe lăn, lúc lỉu chai nước truyền bên người, mũi còn đặt ống xông đang gật gù theo nhạc, thỉnh thoảng ngón tay gõ theo nhịp bài hát, chị Kim Anh (con dâu bà) xúc động: “Mẹ tôi mắc bệnh pakinson hơn 10 năm nên quên quên nhớ nhớ. Trước, vợ chồng tôi có thuê người giúp việc, tuy nhiên gần đây, cụ còn mắc thêm chứng alzeimer nên chúng tôi không thấy yên tâm. Thấy sức khỏe của mẹ giảm sút nên chồng tôi đưa cụ vào trung tâm từ tháng 4/2015. Khi mới nghe chồng gợi ý, tôi và chị chồng không đồng ý vì nhà toàn những người làm trong ngành y mà không chăm nổi mẹ thì thật khó coi. Nhưng khi chồng tôi phân tích: Thứ nhất, trung tâm được đặt trong bệnh viện, việc cấp cứu sẽ thuận tiện với người bệnh; Thứ hai, ở đây nhân viên có chuyên môn chăm sóc người già tốt, nhất là những người đang trong giai đoạn cần được phục hồi sức khoẻ; Thứ ba, đường sá cũng thuận tiện, từ nhà sang đây chỉ hơn 20km nên qua lại thăm mẹ cũng thuận tiện. Giờ nhìn thần sắc cụ tốt thế này tôi thấy chồng tôi có lý”.
Còn trường hợp bà Nguyễn Thị Nhận (63 tuổi, ở Hà Nội), thoạt nhìn rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh, nhớ rất rõ ngày vào trung tâm là ngày 17/9. Nguyên nhân do một lần bà mua quà ăn sáng chăm con gái đẻ nhưng không nhớ đường về nhà, gia đình lo lắng đi tìm mãi đến chiều có người dẫn bà về nhà. Những ngày sau bà luôn trong trạng thái lẫn, các con đành đưa mẹ vào trung tâm để tiện chăm sóc và chữa trị phục hồi sa sút trí tuệ.
Nhìn các cụ mỗi người một bệnh tình, mỗi hoàn cảnh, chị Thanh Nga, người dân xã Tân Tiến (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) là tình nguyện viên vừa tham gia văn nghệ, tâm sự: “Biết rằng, khi về già, con cái là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ, nhưng khi các cụ già yếu, rồi mắc bệnh, mình lại bận đi làm, để các cụ ở nhà với giúp việc có khi lại tổn thọ vì cô quạnh, hoặc sơ xảy không kiểm soát được việc làm, thì lại ân hận cả đời. Ở đây, các cụ được chăm sóc tốt, các cụ trong làng cũng hay đến chơi hoặc thỉnh thoảng làng có sự kiện gì cũng gửi giấy mời đón các cụ vào giao lưu. Khi các cụ có sức khỏe và tâm lý ổn định còn là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho con cháu”.
Ngôi nhà chung ấm nghĩa tình
Hàng tháng, Trung tâm tổ chức sinh nhật cho các cụ, giao lưu văn nghệ, thơ ca với Hội NCT tại địa phương. Trung tâm còn tổ chức khám chữa bệnh, lập hồ sơ theo dõi và thành lập tủ thuốc nhân đạo phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người địa phương nơi đây. Ngoài ra, cứ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Trung tâm lại mời các CLB kết nghĩa đến sinh hoạt văn nghệ, tập thể dục, xoa bóp bấm huyệt…
Ông Đào Duy Quýt (68 tuổi), trưởng thôn Lại Ốc, những hôm trở trời hay bị đau tức giữa ngực. Từ ngày tham gia sinh hoạt cộng đồng ở đây, vừa được khám sức khỏe miễn phí, vừa được hướng dẫn thực hành những bài tập luyện. Tuy những động tác chỉ đơn giản như: day đầu ngón tay, vuốt lòng bàn tay (bấm huyệt), vỗ tay…, nếu được thực hành thường xuyên cũng có tác dụng cải thiện sức khoẻ rõ rệt. Ông Quýt hồ hởi: “Tôi thích nhất 4 động tác “a di đà Phật” - tức là vừa đọc 4 từ vừa kết hợp đưa tay ra trước, sau, lên, xuống giúp trí nhớ tốt hơn”. Từ khi kết nghĩa với trung tâm này, Ban chấp hành Người cao tuổi của thôn đến đây để được các bác sĩ hướng dẫn để về phổ biến cho các thành viên”.
Cách đây gần 1 năm, bà Lê Thị Liên (74 tuổi, ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đến trung tâm với chứng bệnh huyết áp, đau chân tay, mỡ máu, có biểu hiện chứng bệnh alzeimer.
Chị Hương - con gái bà kể, từ ngày bố mất, mẹ chị trở nên trầm cảm, suốt ngày chỉ ngồi ở trong nhà. Thấy mẹ gọi nhầm tên con rồi thơ thẩn nói linh tinh, chị tìm hiểu được biết giám đốc trung tâm là bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương đã áp dụng biện pháp chữa trị bệnh sa sút trí tuệ và alzeimer của GS.Takeuchi Takahito, trường ĐH Y tế và Phúc lợi quốc tế Nhật Bản. Takeuchi Takahito là nhà khoa học, có nhiều công trình nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tự lập cho NCT ở Nhật Bản, được áp dụng ở Nhật Bản trong suốt 40 năm qua.
Bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương nói chuyện với bệnh nhân |
Chị Hương chia sẻ: “Thật may, sau vài tháng điều trị, mẹ tôi đã gọi được đúng tên tôi. Vào trung tâm, được luyện tập và sinh hoạt điều độ, lại có người chia sẻ nên bà đỡ buồn nhớ ông hơn”. Điều đặc biệt, giờ đây, sau 1 năm điều trị, bà Liên đã có thể tham gia giao lưu văn nghệ, tinh thần vui vẻ, hoàn toàn khác khi tôi gặp bà trước đây.
Phòng bên cạnh, ông Lý Văn Tiến (78 tuổi, ở Hà Nội) đang chuẩn bị cho bữa trưa. Ông bị tai biến lần 2 nhưng nói gì ông cũng hiểu, dù nói chuyện khó khăn và 2 chân không tự vận động được. Mặc dù bà Nguyễn Lan Duyên (vợ ông) thuê người châm cứu, bấm huyệt, tập luyện xoa bóp hàng ngày cho ông nhưng bệnh vẫn không được cải thiện, cuối cùng đành đưa ông vào trung tâm.
“Ông nhà tôi rất sợ nước, không cho tắm. Đặc biệt, đến giờ ăn và tập luyện ông ấy không hợp tác nên việc thuê 3 hay 4 người đều không ăn thua. Sang trung tâm này, không hiểu các cháu dỗ dành thế nào mà ăn uống và tập luyện rất tốt”.
Trước khi chia tay mẹ, cụ Đinh Thị Rinh, 84 tuổi, bà Đỗ Thị Bích (con gái bà Rinh) ra ký hiệu và nói: “Mẹ có nhận ra con không, mẹ nói to lên tí nữa nào…”; thấy đầu cụ Rinh gật gật, bà Bích vui lắm: “Tôi ở Ba Vì, mỗi tuần sang đây thăm cụ 2 lần. Lần nào cũng thấy các nhân viên chăm bà ân cần nên tôi cũng an tâm”.
Dù mới được thành lập 2 năm nay nhưng Trung tâm CSGN Chân trời mới luôn hướng tới mục tiêu vì sức khoẻ cộng đồng. “Trung tâm không chỉ đẩy mạnh chuyên môn nghiệp vụ y tế trong chăm sóc người bệnh và người cao tuổi tại trung tâm, mà còn cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khoẻ và các kỹ năng chăm sóc tự lập cho người cao tuổi đang sống tại cộng đồng nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tuổi tác và chi phí y tế cho người cao tuổi”, bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương, giám đốc Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ Chân trời mới chia sẻ.
Với mong ước mỗi một người đều có thể tự giúp mình chống lại bệnh tật, trung tâm đang chuẩn bị triển khai mô hình chăm sóc dự phòng mới dành cho NCT còn đang sống tại cộng đồng. Bằng chương trình chăm sóc ngắn hạn với các lớp học cung cấp kiến thức về những biến đổi tâm sinh lý của NCT, những yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ NCT và cách khắc phục, những bài tập dưỡng sinh y đạo, khí công y đạo, diện chẩn ,... Nhằm giúp cho NCT có thêm công cụ để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình và những người quanh mình. Điều này sẽ giúp giảm chi phí cho việc chăm sóc NCT và giảm nguy cơ sa sút trí tuệ cho NCT giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội./.