Chọn nghề hướng nghiệp: Đừng tước đi quyền của người trẻ
VOV.VN - Thời điểm này, trên nhiều trang mạng xã hội có rất nhiều phụ huynh vẫn đặt câu hỏi: với từng này điểm con tôi có thể vào được trường đại học nào? Rất ít câu hỏi xuất phát từ học sinh.
Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao vẫn là phụ huynh hỏi và tại sao đến giờ phút này, các bạn và gia đình vẫn ngơ ngác, chưa xác định được sẽ học ngành gì, trường nào? Mục tiêu cuối cùng không gì hơn, chỉ dừng ở việc vào được một trường Đại học. Câu chuyện hướng nghiệp ở phổ thông cùng những lời khuyên từ Th.s Lưu Văn Tuấn, chuyên gia tham vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh hi vọng sẽ giúp các bạn tìm được hướng đi phù hợp cho tương lai.
Hướng nghiệp rất cần cho người trẻ
PV: Thưa Th.s Lưu Tuấn! Trực tiếp làm công tác tư vấn hướng nghiệp, cá nhân thầy thấy việc các bạn trẻ chủ động trong việc tìm ra ngành học, trường học phù hợp với bản thân có giá trị ra sao?
Th.S Lưu Văn Tuấn: Tôi cho rằng, việc các bạn trẻ chủ động trong việc tìm ra ngành học, trường học phù hợp hợp với bản thân mình là một dấu hiệu vô cùng tích cực.
Thứ nhất, sẽ giúp các bạn ấy lựa chọn được một ngành nghề phù hợp với bản thân. Bởi vì không ai hiểu bản thân hơn chính các bạn. Chỉ các bạn ấy mới biết mình có thích hay đam mê điều gì, mình giỏi hay yếu điểm gì và nhiều yếu tố khác nữa. Nhờ đó mà chọn đường ngành học, trường học phù hợp, điều này sẽ giúp các bạn ấy tăng cường sự tự tin, tương lai trở nên rõ ràng hơn, và có một cuộc sống thành công, hạnh phúc hơn.
Thứ hai, điều đó chứng tỏ các bạn ấy đã biết tự chịu trách nhiệm hơn cho tương lai của mình. Trong quá trình tham vấn hướng nghiệp cho học sinh, tôi luôn nói với các bạn học sinh rằng: “tương lai của chúng ta, phải do chúng ta chủ động nắm giữ, chứ không thể giao phó cho người khác hay là cho số phận được”. Điều này giúp các bạn trẻ luôn chủ động, tự giác, cố gắng học tập, rèn luyện, vì tương lai, vì ước mơ nghề nghiệp mà bản thân đã lựa chọn mà không cần cha mẹ hay thầy cô nhắc nhở.
PV: Trong một giai đoạn dài, việc chọn ngành, chọn trường và cho cả đến sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, ở đâu vẫn do phụ huynh quyết. Rõ ràng điều này có những thuận lợi nhưng đồng thời cũng đặt lên vai các bạn trẻ áp lực không nhỏ, thưa thầy?
Th.s Lưu Văn Tuấn: Vâng, đúng là như vậy. Phụ huynh là những người đi trước, có kinh nghiệm hơn, có thể giúp các bạn trẻ tránh mắc phải một số sai lầm. Tuy nhiên, việc bố mẹ, người thân quyết định hết tất cả mọi thứ về tương lai, nghề nghiệp của con thì có thể dẫn đến một số hệ lụy như ngành nghề đó không phù hợp với sở thích hay năng lực, dẫn tới sự phản kháng nhất định từ phía cá nhân các bạn ấy và có thể gây ra mâu thuẫn trong gia đình.
Nếu các bạn ấy không thích nhưng vẫn chấp nhận nghe theo sự sắp xếp đó sẽ tạo ra sự miễn cưỡng. Việc học hay là làm việc lúc này sẽ thiếu đi sự chủ động, niềm vui, và hạnh phúc. Tôi nghe rất nhiều câu chuyện về việc một số bạn trẻ đi học ở trường này trường kia theo ý bố mẹ, học xong lấy tấm bằng trả bố mẹ, rồi ra trường lại đi làm một công việc trái với ngành học.
Hơn nữa, việc một số bạn cố gắng để làm hài lòng cha mẹ, mà phải gạt đi sở thích, đam mê của bản thân mình, lâu dài gây ra xung đột trong chính suy nghĩ của các bạn trẻ, giữa việc phụ huynh thích hay điều mình thích, đam mê.
Thứ ba là, nếu học và làm những công việc mà không phù hợp với năng lực của mình, thì các bạn trẻ sẽ rất khó để hoàn thành công việc một cách tốt nhất, chưa nói tới việc đạt được thành tựu lớn. Điều này gây ra tâm lý tự ti, cho rằng mình là người thất bại, vô dụng. Đây cũng được xem như nguyên nhân gây ra các rối loạn như lo âu hay trầm cảm.
PV: Chúng ta nói nhiều đến các bạn trẻ hôm nay tự tin hơn, chủ động hơn. Nhưng hình như ở phần công việc quan trọng là chọn nghề, hướng nghiệp thì lại chưa chủ động. Trước khi xác định trường học, ngành học, chính các bạn không biết bản thân thích gì, hứng thú gì, năng lực gì? Trong khi rõ ràng thành tích học tập thì ngày càng tốt hơn, vượt trội hơn thế hệ trước thưa Th.s Lưu Tuấn?
Th.s Lưu Văn Tuấn: Sự thiếu chủ động chọn nghề, hướng nghiệp ở các bạn trẻ hiện nay nguyên nhân chính là do người lớn. Các cha mẹ, thầy cô và chính học sinh đang chú trọng quá nhiều và thành tích điểm số trên trường. Cứ nghĩ rằng đó là điều quan trọng nhất để thi đỗ trường này trường kia. Trong khi điểm số chỉ xem như điều kiện để giúp các bạn vào được trường học, ngành học. Nhưng sự phù hợp học ở trường đó, với ngành nghề đó hay không mới nên xem như điều quan trọng.
Hơn nữa, nhiều bạn trẻ hiện nay có tư tưởng ỷ lại vào cha mẹ, vào điều kiện kinh tế của gia đình, nên cũng mặc kệ, không quan tâm, định hướng nhiều lắm về tương lai nghề nghiệp của bản thân.
PV: Hầu hết các phụ huynh sẽ coi an toàn như kim chỉ nam trong chọn nghề, hướng nghiệp. Tuy nhiên, thế nào là an toàn thì thực ra rất khó định nghĩa khi xã hội thay đổi từng ngày, từng giờ. Có những công việc hôm nay đang thịnh hành nhưng mai lại lạc hậu và có cả những công việc đến lúc này còn chưa được định danh?
Th.S Lưu Văn Tuấn: Đúng là như vậy, với sự phát triển thay đổi không ngừng trên toàn cầu hiện nay thì rất khó để đảm bảo yếu tố an toàn, ổn định trong một thời gian dài trong một công việc nào đó. Khoảng hơn 10 năm trước có biết tới youtuber hay streamer là gì đâu? Nhưng hiện nay rất nhiều người làm Youtuber, streamer, hay tiktoker và có thể kiếm được rất nhiều tiền.
Theo dự báo thì có rất nhiều nghề sẽ bị xóa sổ trong tương lai gần như: Kế toán, thiết kế đồ họa, thu ngân, giao dịch viên, …Vậy nên điều mà phụ huynh cần phải trang bị cho con của mình là thông tin về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng quan trọng hơn hết là cần trang bị tâm lý và kỹ năng ứng phó với sự thay đổi và khả năng tự học cả đời. Điều đó sẽ giúp các bạn trẻ sẽ thích ích nhanh chóng với sự thay đổi của thế giới nghề nghiệp trong tương lai.
PV: Vai trò của nhà trường trong công tác hướng nghiệp theo Th.s Lưu Tuấn đã được làm tốt chưa, thưa thầy?
Th.S Lưu Văn Tuấn: Theo tôi thấy, hiện nay một số nhà trường cũng thực hiện một số biện pháp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh như: Các buổi chuyên đề, tư vấn hướng nghiệp, các buổi trải nghiệm.
Nhưng từ kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp, tôi cho rằng các nhà trường cần phải đề ra một chương trình, kế hoạch định hướng nghề nghiệp cũng như phân luồng học sinh một cách rõ ràng, bài bản và nghiêm túc. Từng khối lớp qua các năm học thì các em cần hiểu rõ điều gì, cần đưa ra quyết định, lựa chọn gì.
Nên tăng cường các buổi chia sẻ, hướng dẫn từ các chuyên gia và có sự phối hợp với gia đình của học sinh. Các nhà trường nên các buổi trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp là rất cần thiết, quý báu giúp học sinh hiểu rõ về ngành nghề, trường đào tạo.
Người trẻ nên làm gì để chọn nghề, hướng nghiệp đúng với năng lực, sở trường?
PV: Điều người trẻ thiếu nhất để chọn nghề và xa hơn là bước chân vào thị trường lao động gồm những gì? Và để chuẩn bị tâm thế cho một thị trường lao động đầy biến động, không thể dự báo mãi được nghề nào sẽ hot thì theo thầy những gì mỗi bạn trẻ cần được và tự trang bị?
Th.S Lưu Văn Tuấn: Tôi cho rằng, điều người trẻ thiếu nhất để chọn nghề đó chính là Tự nhận thức bản thân mình.
Chúng ta nhắc rất nhiều về sự phù hợp của bản thân với nghề. Vậy thì phù hợp là phù hợp với những yếu tố nào? Trong quá trình mà tôi đi dạy, cũng như tham vấn cho học sinh thì tôi luôn nói rằng có 4 yếu tố mà các bạn trẻ cần biết, hiểu để lựa chọn nghề nghiệp: Một là sở thích – đam mê; Hai là năng lực; Ba là tính cách và bốn là nhu cầu xã hội.
Cá nhân mỗi bạn trẻ cần trang bị tâm lý và kỹ năng ứng phó với sự thay đổi, biến đổi về nghề nghiệp. Điều quan trọng không kém ở việc các bạn trẻ cần luôn có ý thức và rèn luyện năng lực tự học cả đời. Bởi vì những thứ chúng ta học được ngày hôm nay có thể sẽ không còn hữu ích cho công việc trong tương lai nữa. Các bạn phải không ngừng học hỏi, dám gạt bỏ cái cũ không phù hợp, tiếp nhận và học hỏi cái mới để có thể hoàn thành công việc, cũng như là đạt được thành tựu trong sự nghiệp.
PV: Với các bạn đến thời điểm này đang còn hoang mang, thầy có lời khuyên gì?
Th.S Lưu Văn Tuấn: Theo tôi, việc các bạn cần làm trong thời điểm này đó là hãy làm cho mọi thứ rõ ràng hơn bằng các viết ra giấy những thông tin sau:
Thông tin về bản thân bao gồm sở thích, những việc ghét, thích làm công việc, hoạt động gì. Các bạn cần tìm ra cả điểm mạnh, điểm yếu của bản thân; xác định tính cách, đặc điểm về ngoại hình, sức khỏe phù hợp các nhóm công việc khác nhau.
Thông tin về gia đình gồm hoàn cảnh gia đình: Thu nhập của cha mẹ; Các mối quan hệ, nguồn lực hỗ trợ khác. Điều này giúp các bạn chọn trường học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình của mình. Các bạn nên ngồi cùng với cha mẹ để cùng liệt kê những thông tin này cho rõ ràng, chính xác hơn.
Hãy liệt kê ra các công việc mà các bạn muốn làm, thích làm trước. Rồi sau đó mỗi ngành, nghề lại ghi ra các thông tin về nghề đó như: Bản mô tả công việc, địa điểm làm việc, thu nhập, yêu cầu về phẩm chất, năng lực nghề nghiệp… Sau khi làm xong phần này, các bạn ngồi so sánh lại mức độ phù hợp của bản thân với từng công việc. Cái nào phù hợp, cái nào chưa phù hợp, phù hợp hay chưa phù hợp bao nhiêu %.
Sau khi chọn được ngành nghề phù hợp, lúc này mới bắt tay vào chọn đơn vị đào tạo. Các bạn lại tiếp tục viết ra các thông tin về các đơn vị đào tạo ngành nghề đã lựa chọn trước đó. Viết ra các thông tin như: Địa điểm, cơ sở vật chất, học phí, đội ngũ giảng viên, chương trình học, điểm chuẩn…Đến lúc này thì các bạn lại tiếp tục so sánh các yếu tố, xem trường nào phù hợp hơn với điều kiện gia đình, điểm đầu vào… Tôi nghĩ rằng nếu có thể, các bạn hãy tới gặp các chuyên gia tham vấn hướng nghiệp, để họ sẽ tham vấn một cách rõ ràng hơn và chính xác hơn. Cuối cùng, các bạn có thể ra quyết định một cách chính xác và phù hợp.
PV: Với phụ huynh, những người có tác động lớn đển con em cùng những định kiến khá nặng về nghề, về sự an toàn, về mức thu nhập, thầy có chia sẻ gì?
Th.S Lưu Văn Tuấn: Vâng, cha mẹ nào thì cũng mong muốn những điều tốt nhất cho con của mình thôi, nhưng các cha mẹ hãy nhớ rằng không phải cái gì mình cho rằng là tốt nhất thì là điều tốt nhất, phù hợp nhất cho con của mình. Vì vậy thay vì áp đặt thì các cha mẹ hãy lắng nghe ý kiến của con, rồi cùng thảo luận, phân tích về sự phù hợp với nghề, ngành, trường đào tạo. Nhưng cuối cùng cha mẹ hãy để con tự đưa ra quyết định, chứ đừng quyết định thay cho con. Nghề nào cũng đáng trân trọng, cũng đáng quý cả. Không có công việc nào là ổn định, an toàn mãi mãi. Vậy nên hãy để cho con được chọn những ngành nghề mà con muốn, con thấy phù hợp. Có thể thu nhập không quá cao, nhưng lại giúp các con có được niềm vui, hạnh phúc.
PV: Trân trọng cám ơn Th.s Lưu Văn Tuấn.